Mỗi độ Tết đến, Xuân về, người dân làng Văn Lang, xã Văn Lương, huyện Tam Nông (tỉnh Phú Thọ) lại cùng chuẩn bị cho “Cuộc thi kể chuyện tếu”, nhằm giữ gìn, phát huy vốn văn hóa của làng cười Văn Lang và làm phong phú thêm vốn văn hóa dân gian miền Đất Tổ.
Từ bao đời nay, người dân làng Văn Lang luôn dùng tiếng cười để chia sẻ niềm vui với bè bạn. Tiếng cười giúp họ sống hồn nhiên, vô tư, yêu đời, làm cho những phức tạp trong cuộc sống trở nên đơn giản, nhẹ nhàng. Và tiếng cười ấy đã góp phần phê phán những hủ tục, thói hư tật xấu, những hành động tiêu cực trái với quy luật phát triển của tự nhiên và xã hội. Bao nhiêu câu chuyện tếu là bấy nhiêu "thang thuốc bổ" giúp xua tan những mệt nhọc trên mỗi thửa ruộng, luống cày, bãi ngô, bờ tre, làm cho mỗi bữa cơm sum họp gia đình thêm ấm cúng.
Anh Hán Văn Hùng, trưởng khu 4 cho biết: "Dân làng Văn Lang có hàng ngàn câu chuyện cười về lao động sản xuất, phòng chống thiên tai, sinh hoạt giải trí, tình yêu đôi lứa và vô số những chuyện mang tính thời sự có tác dụng giáo dục cao như tiểu phẩm chiếc mũ bảo hiểm, chiếc quạt điện, con lợn lòi… Các câu chuyện đều tạo nên tiếng cười hóm hỉnh và tạo được dấu ấn sâu sắc trong quần chúng. Người Văn Lang không chỉ nói khoác để gây cười, mà nói khoác còn để ngợi ca, quảng bá cho các sản phẩm nông nghiệp mình làm ra".
Cụ Hán Văn Bao là một trong những "đệ nhất nói khoác" của làng cười Văn Lang chia sẻ: "Cái tài, cái duyên nói khoác của dân làng chúng tôi không chỉ để mua vui mà còn có tính giáo dục, răn đe sâu sắc. Cũng chính từ cái tài, cái duyên ấy mà bao đời nay, người Văn Lang đã sản sinh ra vô vàn lý sự và là điển tích trong các câu chuyện cười. Chẳng hạn, con bò đẻ ra con bê to gấp đôi mình; củ sắn sống dắt trong cạp quần, đến lúc mở ra đã thành sắn bở... Những câu chuyện nói khoác tưởng như vô thưởng, vô phạt nhưng lại dạy lớp trẻ địa phương hôm nay bài học về làm người, về tình làng nghĩa xóm, về đạo đức, lối sống; đồng thời, góp phần lên án những thói hư, tật xấu, tập tục lạc hậu còn rơi rớt lại ở địa phương".
Đối với người dân làng Văn Lang, dịp Tết ngoài việc chuẩn bị "thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ; cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh" để đón xuân, người dân còn say sưa sưu tầm, suy nghĩ những câu chuyện cười lí thú nhất để chuẩn bị cho cuộc thi kể chuyện khoác nhằm bảo tồn và phát huy vốn văn hóa của làng cười Văn Lang. Đồng thời, thông qua các hội thi dịp đầu xuân để khai thác thêm nhiều câu chuyện dân gian còn tiềm ẩn trong đời sống nhân dân.
Theo ông Nguyễn Hữu Kế, Phó Chủ tịch xã Văn Lương, để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nhân văn sâu sắc của vùng quê Văn Lang, xã Văn Lương đã thành lập một "đội nói khoác" đi lưu diễn khắp trong và ngoài tỉnh. Hằng tháng, hằng quí, làng thường tổ chức các hội diễn, hội thi nói khoác để thi với nhau và chọn ra những "trạng nguyên" của làng. Đặc biệt vào dịp tháng Giêng âm lịch hằng năm, làng mở cả hội thi để chọn ra "đệ nhất nói khoác Văn Lang". Có những năm, tham gia hội thi toàn là những bậc “cao nhân” nói khoác, lấn át nhau "bất phân thắng bại", làm cho Ban tổ chức phải làm việc hết sức vất vả, không biết trao giải Nhất cho thí sinh nào.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ cũng đã phối hợp với Cục Nghệ thuật biểu diễn và Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam xây dựng dự án phim hài “Văn Lang Làng cười - nụ cười đón xuân” giai đoạn 2011 – 2015. Dự án phim hài đã mang lại tiếng cười sảng khoái, sâu sắc cho khán giả nhân dịp chào năm mới, góp phần tạo đà phát triển các hoạt động văn hóa dân gian, hoạt động du lịch cộng đồng, gắn với làng cười... Trường Đại học Hùng Vương cũng đã tổ chức Hội thảo khoa học cấp Quốc gia với chủ đề: Làng cười Văn Lang – Di sản văn hóa dân gian cội nguồn…
Theo ông Phạm Bá Khiêm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ, làng Văn Lang là một làng cổ Việt Nam gắn Nhà nước Văn Lang thời Hùng Vương, làng còn có tên là "làng cười". Ngôi làng cổ này đã được hình thành từ ngàn năm gắn liền với những truyền thuyết từ thời vua Hùng Vương dựng nước. Câu ca dao "Văn Lang cả làng nói khoác" được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác như "đặc sản" riêng của vùng đất này. Việc bảo tồn và phát huy giá trị của làng cười đã góp phần làm phong phú thêm kho tàng không gian văn hóa không chỉ của vùng Ðất Tổ mà còn của đất nước.
Lâm Đào An