Lãng phí nhà văn hóa ở nông thôn

Theo tiêu chí của chuẩn nông thôn mới, tất cả các thôn (làng) đều phải có nhà văn hóa. Thậm chí ở nhiều địa phương như ở tỉnh Hà Nam, mỗi đội (xóm) sản xuất cũng có một nhà văn hóa.

Mỗi thôn có bao nhiêu đội sản xuất thì có bấy nhiêu nhà văn hóa. Được xây dựng với nhiều kỳ vọng về sự thay đổi trong sinh hoạt văn hóa cho người dân nông thôn, song trên thực tế, ở nhiều nơi, các nhà văn hóa mới chỉ là nơi hội họp đơn thuần.

Rất nhiều nhà văn hóa hiện nay vẫn chưa thực sự hoạt động hiệu quả. Ảnh: mattran.org


Thôn Phương Thượng, xã Lê Hồ, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam có 7 đội sản xuất. Mỗi đội đều có một nhà văn hóa. Nhà văn hóa cấp xóm có diện tích rộng hơn một chút so với diện tích trung bình của ngôi nhà của người dân ở đây.

Đa phần các nhà văn hóa đều có sân tương đối rộng, có thể sử dụng làm nơi tập trung đông người hoặc để người dân đến chơi một số môn thể thao như cầu lông, bóng chuyền. “Tài sản” của nhà văn hóa thường chỉ có một chiếc bàn nhỏ và một số ghế ngồi.

Hiện nay, các nhà văn hóa này mới chỉ đóng vai trò là nơi để người dân họp khi mùa vụ sắp đến. Họ đến để nghe cán bộ thôn, xóm phổ biến, chỉ đạo kế hoạch sản xuất. Các hội đoàn thể, chủ yếu là cựu chiến binh, thanh niên xung phong, phụ nữ cũng sử dụng nhà văn hóa làm nơi tổ chức các cuộc họp khi có việc hoặc mỗi khi đến ngày truyền thống.

Thỉnh thoảng, có đơn vị bán hàng hóa di động về, nhà văn hóa thôn trở thành nơi họp chợ tạm thời. Đặc biệt, gọi là nhà văn hóa, nhưng lại không hề có sách báo hay tài liệu gì được trưng bày trong các nhà văn hóa cấp xóm, thậm chí cả nhà văn hóa của thôn.

Nhìn chung, nhà văn hóa nông thôn là một điểm mới, một sự thay đổi ở các vùng quê. Song, thực tế cho thấy, hệ thống nhà văn hóa nông thôn vẫn chưa phát huy hết công năng của mình, hoặc có thể nói là còn bị để phí. Tình trạng này không chỉ diễn ra ở thôn Phương Thượng, xã Lê Hồ, huyện Kim Bảng mà còn diễn ra ở hầu hết các địa phương khác trong tỉnh Hà Nam.

Ông Hoàng Văn Hải - một người dân ở xóm 7, xã Lê Hồ cho biết: Nếu nhà văn hóa có sách báo, tài liệu mới ông sẽ đến đọc sách báo hàng ngày. Thế nhưng, nhà văn hóa lại thường xuyên khóa cửa.

Trao đổi với cán bộ phụ trách công tác thanh niên của xã, cán bộ này cho biết những đề xuất, ý kiến của người dân, xã cũng biết. Nhưng do kinh phí có hạn, nếu đầu tư mua sắm cho cả xã cũng khá tốn kém. Còn việc huy động người dân đóng góp thì xã cũng không tính đến vì nhiều lý do.

Trước đây, xã Lê Hồ thường đều tổ chức liên hoan văn nghệ, biểu diễn thể dục thể thao cho thanh thiếu niên toàn xã mỗi dịp rằm Trung thu. Đó thực sự là những ngày hội cho không chỉ đối với thanh, thiếu niên. Nhưng hiện nay, sân vận động của xã đã được cho đấu thầu để làm nơi sản xuất.

Việc sử dụng hiệu quả hệ thống nhà văn hóa, thu hút người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên đến tham gia vào những hoạt động bổ ích cần được chính quyền và người dân quan tâm. Những khó khăn trong hoạt động của nhà văn hóa ở nông thôn là có thực, rất cần sớm có biện pháp khắc phục.


Hoàng Nhương
Đầu tư hơn 20 tỷ xây dựng nhà văn hóa truyền thống
Đầu tư hơn 20 tỷ xây dựng nhà văn hóa truyền thống

Ngày 1/7, tại thị trấn Khe Sanh, UBND huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) đã tổ chức khởi công xây dựng công trình Nhà văn hóa truyền thống các dân tộc Vân Kiều và Pa Cô. Đây là công trình chào mừng kỷ niệm 45 năm ngày chiến thắng Khe Sanh giải phóng huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN