Vui, buồn mùa lễ hộiNăm 2015, Hội Gióng ở đền Sóc, một trong những lễ hội lớn trong năm đã bị dư luận lên án hết sức gay gắt về tình trạng tranh cướp lộc, thậm chí, có người còn cầm gậy để đánh nhau, làm mất đi hình ảnh đẹp về lễ hội trong lòng du khách. Năm nay, lễ hội Gióng diễn ra khá an toàn, nề nếp. Tình trạng bạo lực không còn, không chỉ giò hoa tre được bảo vệ an toàn xuống đến đền Hạ, mà ngay cả mâm lễ trầu cau, năm nay cũng được giữ nguyên xuống đến đền Mẫu, chỉ khi có hiệu lệnh hô “tán lộc”, mọi người mới ào vào cướp lộc. Phải thừa nhận rằng, đây là năm hiếm hoi mâm lễ trầu cau còn nguyên vẹn về đến đền Mẫu.
Năm 2016 là một trong những năm hiếm hoi đoàn rước lễ trầu cau ở Hội Gióng Sóc Sơn không bị cướp lộc dọc đường. |
Chợ Viềng (huyện Vụ Bản, Nam Định), phiên chợ “bán rủi, mua may” đầu năm của người dân Nam Định cũng đang có những tiến bộ trong công tác tổ chức. Du khách không còn phải chịu cảnh chen chúc mua bán, giao thông tắc nghẽn, mà thay vào đó, là những gương mặt hồ hởi vì đem về được những món đồ may mắn trong năm.
Một số lễ hội khác như lễ hội Gò Đống Đa, lễ hội Hai Bà Trưng (Mê Linh, Vĩnh Phúc), hội đền Cổ Loa (Đông Anh)… diễn ra khá an toàn, vừa tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho những du khách khi đi tham quan, vừa để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách…
Xây dựng hình ảnh lễ hội văn hóa, văn minhPhải thừa nhận rằng, trong nhiều năm qua, bằng những nỗ lực không ngừng, cùng với sự vào cuộc của nhiều cơ quan, ban ngành, đoàn thể, những hành ảnh lễ hội ở Việt Nam đang dần đẹp hơn lên. Công tác tổ chức lễ hội đang đi vào quy củ, nề nếp, những mặt trái của lễ hội đang dần được rút kinh nghiệm và khắc phục.
Kiểm tra di tích phủ Tây Hồ trước, trong và sau mùa lễ hội trong nhiều năm gần đây, Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL Vũ Xuân Thành cho biết, nạn sư giả, tình trạng ăn xin, ăn mày, đổi tiền mệnh giá nhỏ hưởng chênh lệch vốn khá phổ biến tại phủ đã cơ bản được khắc phục. Một số đối tượng trộm cắp, móc túi trong khu vực lễ hội đã được các lực lượng chức năng quận Tây Hồ phát hiện và xử lý…
Kết quả trên có được nhờ sự đổi mới trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội từ Trung ương đến địa phương. Trong đó, ở tầm quản lý vĩ mô, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có những văn bản, gửi Ban Tuyên giáo Trung ương; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các tổ chức chính trị - xã hội về phối hợp chỉ đạo công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Theo đó, Bộ VHTTDL đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo, định hướng các cơ quan truyền thông, tuyên truyền hướng tới việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 63 tỉnh/thành tích cực tham gia, phối hợp với ngành văn hóa, thể thao và du lịch trong việc quản lý và tổ chức lễ hội; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý việc sử dụng, lưu thông tiền tệ đúng quy định… các hội, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội…
Các địa phương có lễ hội cũng quán triệt trong việc chỉ đạo của Bộ VHTTDL, tham gia tích cực vào công tác quản lý, tổ chức lễ hội xuân Bính Thân, quan tâm tới việc xây dựng nếp sống văn minh lễ hội...
Đơn cử, trước mùa lễ hội xuân Bính Thân, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 03 về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Ngoài việc yêu cầu hệ thống chính trị từ thành phố tới cơ sở nâng cao vai trò trách nhiệm, Thành ủy Hà Nội còn lưu ý các địa phương thực hiện nghiêm việc quản lý đốt đồ mã, đặt hòm công đức và tiền lễ tùy tiện; chú ý tới việc đảm bảo an ninh, an toàn; xây dựng nếp sống văn minh lễ hội...
Và quả thật, sau khi có Chỉ thị 03, nhiều lễ hội ở Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực. Đơn cử như ở Hội Gióng của đền Sóc, năm nay diễn ra trong an toàn. Đại diện BTC lễ hội Gióng ở Sóc Sơn cho biết, rút kinh nghiệm từ năm trước, năm nay, BTC đề nghị các làng lựa chọn kỹ càng những người tham gia trong đoàn rước, phải là những người có đạo đức tốt, có ý thức kỷ luật… bên cạnh đó, huyện cũng tổ chức tuyên truyền cho người dân ý thức tham gia lễ hội, phổ biến cho du khách về những quy định khi đến lễ hội, đồng thời tổ chức những nhóm tình nguyện viên tham gia vào việc giữ gìn vệ sinh chung…
Bên cạnh những lễ hội có hình ảnh đang đẹp dần hơn trong lòng du khách, vẫn còn những lễ hội diễn ra tình tạng tắc nghẽn, xô đẩy, tranh cướp… làm không ít người bức xúc.
Lễ hội cướp phết ở huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc vốn là một lễ hội có ý nghĩa, mang đậm giá trị văn hóa, nhưng những năm gần đây, lễ hội này đang trở nên xô bồ, nhiều thanh niên chỉ vì cướp quả cầu phết, mà không ngần ngại dẫm đạp lên những người xung quanh, thậm chí, có thanh niên mang cả gậy gộc vào đánh nhau, khiến công an phải can thiệp, xử lý…
Tương tự, ngày 9 tháng Giêng năm Bính Thân, tức ngày 16/2/2016 lễ hội xuân chùa Ngọa Vân (thị xã Đông Triều, Quảng Ninh) lần đầu tiên diễn ra với quy mô lớn. Song do chưa có kinh nghiệm trong công tác tổ chức, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn ở khu vực đón cáp treo, gây nên cảnh chen lấn xô đẩy… khiến nhiều người lần đầu tham gia lễ hội, nhưng không khỏi ngao ngán, thất vọng. |