Theo kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị, Lễ hội khai mạc vào tối 6/7 tại Di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải với chương trình nghệ thuật đa sắc thái, chuyển tải thông điệp về khát khao hòa bình và tinh thần hội nhập của Việt Nam, trọng tâm là mảnh đất Quảng Trị.
Vĩ tuyến 17 - cầu Hiền Lương - sông Bến Hải (giáp ranh hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) là biểu tượng khắc ghi nỗi đau chia cắt đất nước suốt 21 năm (1954 - 1975). Tròn 70 năm về trước, Hiệp định Geneve ký kết ngày 21/7/1954 đã lấy Vĩ tuyến 17 trên sông Bến Hải làm giới tuyến quân sự tạm thời trong hai năm để chuẩn bị tổng tuyển cử thống nhất hai miền Nam - Bắc. Ngày nay, Di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải không chỉ là điểm đến tri ân mà còn là hiện thân, nơi hội tụ của khát vọng hòa bình và thống nhất non sông.
Một chương trình chính khác tại Lễ hội Vì hòa bình là “Ước nguyện hòa bình” vào tối 26/7 tại Bến thả hoa bờ Bắc sông Thạch Hãn và Di tích Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị với các hoạt động như: Lễ dâng hoa, dâng hương, thả hoa đăng, cầu nguyện. Đặc biệt, tiếng chuông cầu nguyện hòa bình diễn ra đồng thời với các hoạt động tri ân tại tất cả nghĩa trang, bia tưởng niệm, nhà thờ các Anh hùng liệt sỹ. Trong 81 ngày đêm (từ ngày 28/6 - 16/9) của mùa hè “đỏ lửa” năm 1972, Thành cổ Quảng Trị phải oằn mình hứng 328.000 tấn bom đạn, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống Hiroshima của Nhật Bản năm 1945. Trong thời gian đó, hàng nghìn chiến sỹ đã anh dũng vượt sông Thạch Hãn vào Thành cổ chiến đấu và đã nằm lại đây.
Ngoài ra còn có nhiều hoạt động khác như: Đạp xe vì hòa bình, Giao lưu âm nhạc “Giai điệu hòa bình”, Lễ hội Văn hóa ẩm thực, Giao lưu nghệ thuật Diều quốc tế...
Lễ hội Vì hòa bình được tổ chức vào tháng 7 là mùa tri ân và tôn vinh giá trị hòa bình trên “vùng đất lửa” Quảng Trị. Vào tháng 7 hằng năm, dòng người từ mọi miền Tổ quốc lại về với Quảng Trị, vùng đất gánh chịu nhiều đau thương, mất mát, chứng kiến bao cảnh tàn khốc và hủy diệt của chiến tranh để tưởng nhớ và tri ân những người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống vì hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất non sông.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 72 nghĩa trang liệt sỹ, trong đó có hai Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Đường 9 và Trường Sơn - nơi an nghỉ của gần 60.000 Anh hùng liệt sỹ trên khắp cả nước. Với gần 500 di tích lịch sử cách mạng, Quảng Trị được xem như bảo tàng sinh động về di tích chiến tranh cách mạng của Việt Nam; trong đó có các hệ thống di tích gắn liền với cuộc chiến tranh vệ Tổ quốc như: Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Đường Hồ Chí Minh, Địa đạo Vịnh Mốc và Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh, Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 Ngày đêm năm 1972...
Lễ hội được kỳ vọng sẽ lan tỏa thương hiệu du lịch của Quảng Trị là “Ký ức chiến tranh - Khát vọng hòa bình”. Theo ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, ngoài tôn vinh giá trị hòa bình, lễ hội là dịp tưởng niệm, tri ân các Anh hùng liệt sỹ và nạn nhân chiến tranh. Qua đó, quảng bá hình ảnh, giá trị văn hóa, sản phẩm du lịch, mảnh đất và con người Quảng Trị; thu hút du khách góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.