“Mở cửa” để nâng cao chất lượng đào tạo âm nhạc

Mở cửa trong lĩnh vực đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp tại Việt Nam là một trong những yếu tố quyết định để đổi mới và nâng cao chất lượng học tập giảng dạy, tăng chất lượng đầu ra cũng như hiệu quả xã hội của quá trình đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp.

 

Một buổi tập luyện của sinh viên Học viện Âm nhạc Quốc gia. Ảnh: Kiều Hà

Nhiều bất cập trong đào tạo tài năng âm nhạc


Theo đánh giá của các giảng viên, các nhà nghiên cứu âm nhạc, một trong những bất cập trong cơ chế, quy trình và phương pháp đào tạo tài năng âm nhạc của ta là vẫn duy trì hệ thống đào tạo với thiết chế và cơ chế bao cấp, nên đã không còn đáp ứng được yêu cầu đào tạo tài năng giai đoạn mới. 

Cho đến nay, cả nước chỉ còn vài nhạc viện lớn vẫn kiên trì đào tạo tài năng ở một số loại hình nghệ thuật nhất định. Hầu hết quy mô đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp bị thu hẹp, chỉ còn được duy trì một cách “đối phó” khiến cho chất lượng nguồn nhân lực suy giảm dần. 

Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo cũng rất lúng túng khi bị chi phối bởi cơ chế thị trường, hoặc “bất đắc dĩ” chạy theo cơ chế thị trường, không có cơ chế tự chủ rõ ràng để có thể mạnh dạn xây dựng những khung chương trình theo chuẩn quốc tế.

“Trong phương pháp giảng dạy, chúng ta vẫn áp dụng tư duy dạy học theo kinh nghiệm truyền nghề là chính. Vì vậy, khi đi thi quốc tế, các tay đàn của Việt Nam chúng ta có thể không thua kém về phương pháp kỹ thuật, nhưng vấn đề liên quan đến kiến thức âm nhạc, kiến thức xã hội, kiến thức khoa học thì vẫn còn một khoảng cách khá lớn. 

Và đây là điều đáng suy nghĩ, nhất là khi trên thế giới đang chú trọng đến việc rèn luyện phương pháp tiếp thu bằng trí tuệ, phát triển tài năng bằng nhận thức khoa học, biết tiếp thu kiến thức bằng hệ thống tư duy và sáng tạo…”, PGS.TS Ngô Văn Thành - nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đánh giá.

Một số giảng viên, nhà nghiên cứu nhận xét, hiện nay, phương thức đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp ở Việt Nam chưa theo kịp với thời kỳ hội nhập, chương trình đào tạo quá dài, quá nặng vì có tính hàn lâm cao. Bên cạnh đó, căn bệnh thành tích chung của ngành đào tạo giáo dục hiện nay là đề cao bề nổi hơn chiều sâu.

Có một số người dị ứng với chính sách mở, cứ khư khư ôm “tháp hàn lâm”, tự biến mình thành ốc đảo giữa những biến động xã hội, dẫn đến tình trạng cả thầy lẫn trò cứ “việc ta ta làm”, không quan tâm đến đời sống âm nhạc thị trường bình dân. 

Sinh viên học quá nhiều thứ cao siêu, xã hội chưa thực sự cần nên khi ra trường khó khăn khi làm nghề… Trong khi đó, một số người tư duy nhanh nhạy, nhưng lại không được đào tạo nghiêm túc, nên cũng chưa theo kịp sự phát triển.

Đổi mới để hội nhập và phát triển

GS.TS Trần Thu Hà (nguyên Giám đốc Nhạc viện Hà Nội - nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia) đánh giá, trong xu thế mở cửa, hội nhập như hiện nay, sự nghiệp đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp ở Việt Nam đang đứng trước những thử thách mới, những yêu cầu rất phức tạp. 

Đó là yêu cầu tăng trưởng về chất lượng, yêu cầu đa dạng về phong cách, về thể loại… để đáp ứng trước những đòi hỏi của người nghe, và đặc biệt là yêu cầu hội nhập với thế giới, để có thể cọ sát, sánh vai với các nước, nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng của dân tộc.

Theo GS. TS Trần Thu Hà, cần xây dựng một quy trình đào tạo chặt chẽ, mang tính khoa học, với đầy đủ các bước, từ phát hiện tài năng, bồi dưỡng đào tạo, rèn luyện, cọ sát, thẩm định kết quả qua những kỳ thi quốc gia và quốc tế, sử dụng và phát huy những tài năng âm nhạc cho sự nghiệp văn hóa, nghệ thuật của đất nước. 

Trong đó, điều quan trọng và mang tính quyết định là phải xây dựng được một đội ngũ thầy giáo có chất lượng cao và phát triển mạnh hơn về số lượng, chú trọng nâng cao trình độ bằng nhiều cách, trong đó có việc tăng cường hoạt động giao lưu giữa các trường, ở các nước  khác nhau, tổ chức và tham gia các trại hè, fesitval, các kỳ thi quốc tế trình độ khác nhau….

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải thay đổi quy trình, phương pháp đào tạo, bằng cách rút ngắn lộ trình, nhưng tăng cường giao lưu, hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới, để có thể đi bằng con đường ngắn hơn, nhưng có kết quả cao hơn. Mặc khác, cần đưa vào chương trình giảng dạy một tỷ lệ các tác phẩm đương đại nhiều hơn, để sự nghiệp đào tạo mang hơi thở thời đại nhiều hơn nữa…

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu cho rằng, một trong những giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp là “mở cửa” ngay trong giáo trình và phương pháp giảng dạy. 

Theo đó, các giáo trình đào tạo âm nhạc cần linh hoạt, luôn cập nhật thường xuyên những kiến thức mới về âm nhạc, thầy giáo gợi ý, hướng dẫn học trò tự tìm hiểu, tra cứu tài liệu qua sách vở, qua mạng… các học trò tự chọn lọc, xử lý để tự rút ra được những cảm nhận, đánh giá của riêng mình…

Trước đây, chúng ta vẫn quen với mối quan hệ một chiều, trò chỉ biết thụ động làm theo thầy. Hiện nay, chúng ta cần phá vỡ thói quen này, bằng cách xây dựng mối quan hệ thầy trò theo tinh thần mở. “Âm nhạc là một ngành nghề sáng tạo, cũng như các ngành nghề sáng tạo khác, rất cần sự đối thoại bình đẳng giữa trò với thầy, qua đó thầy gợi mở cho trò cách tiếp cận và xem xét vấn đề, còn có quyền tranh luận cởi mở những suy luận độc lập, kể cả đối lập”, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Minh Châu nói.

Internet cũng là cách “mở” mang tính xã hội cho hoạt động đào tạo. Qua internet, các sinh viên có thể thực hành viết bài cho các hoạt động âm nhạc, góp phần giáo dục âm nhạc một cách thiết thực, chuyển tải các clip chương trình biểu diễn và quảng bá sách, giáo trình… 

Internet cũng là một phương tiện giảng dạy từ xa và tổ chức các diễn đàn online hữu hiệu. Một khi thư viện đã được số hóa còn có thể mở ngân hàng dữ liệu online cung cấp văn bản, bản nhạc, âm thanh và hình ảnh âm nhạc cho nhiều đối tượng khác nhau trong và ngoài nước.

Việc quảng bá kiến thức âm nhạc chuyên nghiệp qua mạng sẽ góp phần nâng cao dân trí, tức là không giới hạn trong đào tạo chuyên nghiệp, mà còn mở rộng ra cả lĩnh vực giáo dục kiến thức phổ thông… Nếu làm làm tốt những giải pháp này, đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp ở Việt Nam chắc chắn sẽ có những bước phát triển mới để hội nhập với thế giới.

Phương Hà
Cuộc thi tài năng trẻ âm nhạc toàn quốc - 2016
Cuộc thi tài năng trẻ âm nhạc toàn quốc - 2016

“Cuộc thi tài năng trẻ âm nhạc toàn quốc - 2016” (bộ môn nghệ thuật thanh nhạc) diễn ra từ ngày 28/11- 3/12/2016, tại Hà Nội. Cuộc thi do Cục Nghệ thuật biểu diễn, Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam; phối hợp tổ chức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN