Không phải Văn phòng Hội không bố trí phòng làm việc cho ông mà lúc ấy nhà cửa khó khăn, phần đông chúng tôi phải ở tại phòng làm việc của cơ quan, nhà văn Hoàng Văn Bổn nhường phòng làm việc của mình cho anh em ở.
Mỗi buổi sáng, ông dòng dòng đạp xe từ nhà bên bờ sông Đồng Nai trong xóm Lò Heo gần Cầu Mới (Hóa An) đến cơ quan. Ông dựng xe ở dưới nhà rồi lên phòng tôi ở, ngồi uống ly trà rồi hội ý tòa soạn. Có bữa mệt, ông ngả lưng vội trên chiếc giường cá nhân của tôi. Chiếc mũ phớt, chiếc cặp da đen và chiếc xe đạp Pơ- giô khung sườn sơn màu xanh lá cây là những vật “bất ly thân” của ông những năm đó. Những buổi hội ý tòa soạn tạp chí Văn nghệ Đồng Nai những ngày ấy cũng nhanh gọn. Mọi người hiểu nhau, thạo việc, ai vào việc nấy. Khôi Vũ, Nguyễn Đức Thọ, Đàm Chu Văn, Cao Xuân Sơn,... và sau thêm Nguyễn Thị Tư, ai cũng say sưa đi thực tế và viết.
Cố nhà văn Hoàng Văn Bổn (bên trái) và nhà thơ Đàm Chu Văn. |
Ngày 15 của mỗi tháng là thời hạn nộp bài. Các biên tập viên văn, thơ đều phải viết ký, thực hiện ghi chép không phân biệt người chuyên viết văn hay chuyên làm thơ. Việc này cũng làm cho tôi và Cao Xuân Sơn “lăn tăn” một chút vì chúng tôi là “dân thơ” nhiều khi say với tứ thơ chợt đến, phải “bấm bụng” gác lại hoàn thành bút ký nộp cho đúng hạn. Nhưng chính cái sự lăn tăn, tưởng như khó chịu sau này chúng tôi mới thấy có ích. Những chuyến đi viết bài cho chúng tôi thêm vốn sống, vốn hiểu biết, rèn luyện tác phong nghề nghiệp. Và qua tiếp xúc, va đập trong công việc, trong thực tế cũng tạo cho chúng tôi những xúc cảm sáng tác.
Tôi hiện có gần chục cuốn sổ tay ghi chép rất tỉ mỷ những thu lượm được từ những chuyến đi thực tế ấy. Thời ấy còn trong cơ chế bao cấp, ngày rộng tháng dài, nhiều vị lãnh đạo, giám đốc hầu hết từ trong rừng ra, có bề dày hy sinh cống hiến, các vị đều dành nhiều thời gian kể cho chúng tôi nghe cuộc đời hoạt động cách mạng của mình và những trăn trở của ngày hôm nay. Những tư liệu này chúng tôi “giải mã” dần trong các sáng tác của mình. Có tư liệu gần đây đọc lại tôi thấy vẫn còn giá trị mặc dù đã hai, ba chục năm qua rồi.
Trở lại với nhà văn Hoàng Văn Bổn, ông trao đổi nhiều với chúng tôi về kinh nghiệm sáng tác trong các câu chuyện bên bàn trà nước hàng ngày. Trong lãnh đạo cơ quan, ông chỉ triệu tập họp hành và phát biểu kết luận những nội dung thật cần thiết, không nói dài lan man, mất thì giờ. Đặc biệt, ông thường lảng tránh các cuộc gặp gỡ vô bổ ở bên ngoài để tập trung thời gian cho sáng tác. Đối với hội viên, ông chăm chút các cây bút trẻ, những mầm non chớm hé trong sáng tác. Khi có một, hai hội viên nhiều tuổi nhưng ý thức xây dựng hội kém, chất lượng sáng tác hạn chế, lại hay thắc mắc ỉ ôi, ông buộc phải lên tiếng. Ông nói: Bằng tuổi này, tài thì đã tài rồi, để yên cho anh em người ta làm việc.
Lãnh đạo Tỉnh tin cậy ông bởi cuộc đời hoạt động cách mạng và thành tựu sáng tác đồ sộ, không mệt mỏi của ông. Có điều gì chưa rõ trong nội dung sáng tác của anh em văn nghệ sĩ, khi được ông giải thích, cắt nghĩa, các đồng chí lãnh đạo đều yên tâm, ủng hộ.
Khi tôi được giao trách nhiệm phụ tá cho ông trong công tác tổ chức và công tác Đảng ở cơ quan, ông tâm sự: lãnh đạo văn nghệ sĩ khó lắm, phải bằng tài năng và tâm huyết. Một vài hiện tượng cá biệt thiếu xây dựng thì không nói làm gì, anh em người ta nhìn ra hết và chính cuộc sống sẽ đào thải, còn đa phần anh em đều ủng hộ cái đúng, cái hay. Hội viên có nể phục thì người ta mới tin theo. Cái gì mập mờ giả trá rồi cũng theo thời gian lộ mặt. Lãnh đạo văn nghệ sĩ không thể dùng uy quyền, mệnh lệnh được. Lãnh đạo mà như không lãnh đạo mới là giỏi.
Âm thầm, lặng lẽ, sau mỗi đêm miệt mài sáng tác, những trang viết của nhà văn Hoàng Văn Bổn một dày thêm, cao thêm. Hàng chục tiểu thuyết, hàng trăm truyện ngắn, bút ký của ông liên tiếp ra đời trong một, hai chục năm sau hòa bình. Và công việc lãnh đạo hội cũng xuôi bề mát mái. Thời gian nhà văn Lý Văn Sâm và Hoàng Văn Bổn lãnh đạo là thời gian đào luyện, trưởng thành của các cây bút trẻ: Khôi Vũ, Nguyễn Đức Thọ, Đàm Chu Văn, Cao Xuân Sơn, Trương Nam Hương,v,v... và nhiều cây bút khác, nở rộ những tác phẩm chất lượng cao, những gỉải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam, Bộ Quốc phòng, báo Văn Nghệ, tạp chí Văn Nghệ Quân đội, v,v... và lần lượt được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Riêng hai nhà văn Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn sau này được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Chúng tôi coi đấy là thời hoàng kim của Văn nghệ Đồng Nai.
Nhà văn Hoàng Văn Bổn
Sinh ngày 7/5/1930 tại xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai Mất ngày 12/5/2006. Là Hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam, năm 1957 Từng kinh qua các công tác:
- Trưởng Ban biên tập Xưởng phim Quân đội nhân dân Việt Nam - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai, Tổng biên tập báo Văn nghệ Đồng Nai, Giám đốc Nhà xuất bản Đồng Nai.
- Ủy viên Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam
Đã sáng tác, xuất bản 35 bộ tiểu thuyết, tập truyện ngắn, bút ký, ký sự, …và 25 kịch bản phim tài liệu được dàn dựng và công chiếu. Trong đó có những tác phẩm nổi tiếng như: Trên mảnh đất này (Tiểu thuyết), Hàm Rồng (ký sự), Hòn Mê (Ký sự), Người điên kể chuyện người điên (Truyện ngắn), Tướng Lâm Kỳ Đạt (Truyện thiếu nhi), Lũ chúng tôi (Truyện thiếu nhi),Tuổi thơ ngọt ngào (Truyện thiếu nhi) ..và các bộ phim tài liệu: Chiến đấu giữ đảo quê hương, Hàm Rồng, Những cô gái C3 quân giải phóng, Lịch sử không lặp lại, Chiến thắng mùa xuân 1975 lịch sử,… Ông đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật và nhiều giải thưởng văn chương của Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Bộ Quốc phòng,.. 4 giải Bông sen Vàng, 2 Bông sen Bạc, Giải Jones Irens về kịch bản phim tại các Liên hoan phim quốc tế và trong nước. |