Men theo đoạn đường đất, căn nhà ba gian nhỏ của nghệ nhân Nguyễn Thị Sủng nằm lọt thỏm ở mé đồi. Năm nay đã 87 tuổi song cụ Sủng vẫn say đắm với những khúc Xoan, mà như cụ nói thì, cả cuộc đời gắn bó với nó không gì thay thế được.
Ký ức đẹp của đào Xoan
Lau đôi mắt giờ đã mờ do tuổi tác, nghệ nhân Nguyễn Thị Sủng nhớ lại thuở trước mẹ và chị gái theo phường Xoan nên thường cất giọng ca luyện Xoan ở nhà. Cứ thế, âm điệu trữ tình của Xoan ngấm dần vào cô bé, tự nhiên như từng hơi thở. Mới 15 tuổi, cô bé Sủng đã làm đào trong phường Xoan Thét.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Sủng đang diễn Quả Cách. |
Trong trí nhớ của cụ Sủng, ngày mồng 6 tháng Chạp hàng năm là ngày thật vui. Khi ấy, đào, kép tập hợp tại nhà trùm hoặc cửa đình để luyện Xoan. Tuy nhiên trước đó, các thành viên trong phường Xoan phải đi lội hồ… ngâm chân. Bởi lẽ, các nghệ sĩ dân gian này ngày thường vốn chân lấm bùn, đến mùa hát Xoan phải làm sao cho đôi chân thon gót hồng sạch sẽ mới được bước vào cửa đình linh thiêng để hát thờ.
Cũng theo cụ Sủng, mỗi năm, hát Xoan có ba cuộc hội ngộ lớn, đó là ngày mồng 3 tháng Giêng khởi đầu cuộc lưu diễn xuân, mồng 10 tháng 3 giỗ Tổ vua Hùng và đại tiệc thờ vua Hùng mồng 10 tháng 9. Vào những thời điểm đó, không khí Xoan náo nức trải khắp các phường Xoan gốc (Thét, An Thái, Phù Đức, Kim Đới). Đây cũng là thời điểm các làng sở tại mời phường Xoan đến hát thờ.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Sủng sinh năm 1927 ở khu 9, xã Kim Đức, TP Việt Trì. Trong suốt cuộc đời hát Xoan, nghệ nhân Nguyễn Thị Sủng đã được nhận kỷ niệm chương của Hội văn nghệ dân gian Việt Nam và rất nhiều bằng khen của Viện trưởng viện âm nhạc, UBND tỉnh Phú Thọ trao tặng. |
Khi những lá non đầu xuân xòe cánh cũng là lúc cả phường Xoan đi phụ giá theo kiệu tới các làng sở tại để hát Xoan. Khác với kép trong phường, các đào Xoan phải đi dưới chân kiệu, vừa đi vừa hát từ làng mình cho tới đình làng sở tại.
“Có lần phường Xoan Thét qua đình Tử Du và Sậu, trên đường hẻo lánh với bạt ngàn nứa phủ, câu Xoan vẫn cứ ngân điệu du dương trên môi đào, kép. Tới miếu thờ Quan mộ hạ quá hẹp, chỉ vừa hai chỗ cho hai người đứng, các thành viên còn lại trong phường Xoan phải xếp bám theo núi dốc”, cụ Sủng kể.
Cuối cuộc lưu diễn, phường Xoan thường được làng sở tại biếu ván xôi con gà. Mọi người để dành xôi lại gửi nhà dân đến hôm về đem giã bánh dày làm quà cho gia đình. Những lần được biếu lợn thì cả phường Xoan sẽ làm bữa liên hoan vui vẻ.
Truyền nghề cho thế hệ trẻ
Gần sáu mươi năm gắn bó với nghiệp này, đến bây giờ dù mắt đã mờ, răng đã rụng, song giọng hát của nghệ nhân Nguyễn Thị Sủng vẫn còn khỏe lắm. Cụ hát vẫn rành rọt, tay múa chân đưa mềm dẻo các điệu Xoan từ Giáo trống giáo pháo, Ngư tiều canh mục, đến Đưa hương, Đóng đám… Nghệ nhân Sủng cũng là người hiếm hoi còn nhớ những chữ hát thờ vua Hùng. “Đi qua phố núi Thậm Thình. Bâng khâng nhớ nước non mình ngàn năm. Vua Hùng một sớm đi săn. Chưa tròn bóng nắng nghỉ chân chốn này… Chung quanh vẫn đất nước nhà. Đền đài lăng tẩm sơn hà vẫn đây. Khí thiêng còn mãi đến nay. Lửa hương đời dõi cỏ cây sơn đài”, cụ Sủng tay múa, miệng hát, điệu hát đã theo cụ trong suốt cả cuộc đời.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, trùm phường Xoan Thét kể rằng: “Các điệu Xoan ngấm vào cụ Sủng như máu thịt. Nhiều trùm phường như trùm Đọc và tôi đã từng theo học cụ. Nhiều học trò của cụ Sủng hiện nay cũng đã được phong nghệ nhân”.
Hiện nay nghệ nhân Nguyễn Thị Sủng đang làm cố vấn cho lớp đào tạo nghệ nhân kế cận và truyền dạy hát Xoan Phú Thọ cho gần 150 học viên. Cách dạy Xoan của cụ vẫn theo lối của thế hệ trước là truyền khẩu. Cụ hát mẫu, trò ca theo. Cứ thế tạo thành bè, nhịp điệu của Xoan vừa vang vừa vọng. Người hát Xoan vì thế thả hồn vào từng câu hát một cách tự nhiên và truyền cảm.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Sủng dạy Xoan một cách say sưa. Buổi tối, nhiều người dân ở xã Kim Đức vẫn thấy cụ Sủng tay cầm đèn, tay chống gậy đi bộ một mình tới nhà văn hóa khu, hoặc UBND xã để dạy hát Xoan cho mọi người. Con đường quê tối tăm, quanh co chẳng ngăn nổi bước chân đam mê truyền dạy hát Xoan của cụ Sủng. Có những hôm đi bộ xa hàng cây số vã mồ hôi, đôi chân nhức mỏi, cụ nhẩm đôi câu hát Xoan đã thấy nhanh đến nơi. “Những hôm trời mưa rét, tôi vẫn đi dạy. Đến chết tôi mới thôi hát Xoan”, cụ Sủng mỉm cười nói.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Hùng Vương, cho biết: “Đến nay tuổi cụ đã cao, sức khỏe yếu nhưng cụ còn nhiệt tình, say sưa lắm. Cụ Sủng là người hiếm hoi còn giữ được bản sắc cổ của hát Xoan từ xưa đến nay”.
Bài và ảnh: Đỗ Hà