Đến thăm gia đình anh Phùng Quang Oánh tại một căn phòng trọ tại quận 7 - đây cũng là xưởng chuyên sản xuất rối nước của gia đình anh Quang Oanh - vừa bước vào sân, trước mắt chúng tôi hiện ra rất nhiều con rối nước quen thuộc trong các vở diễn tại các sân khấu lớn của Thành phố Hồ Chí Minh.
Anh Quang Oánh chia sẻ: "Xuất thân từ gia đình thuần nông tại Sơn Tây, suốt ngày được nhìn thấy những hình ảnh bà cụ chăn vịt, cô gái cấy lúa, con trâu, con gà… nên những hình ảnh này đã thấm sâu vào tâm trí tôi. Vì vậy, khi tạo hình những con rối nước, tôi đã truyền những hình ảnh sinh động, dân dã đó vào chúng".
Tính đến nay, anh Quang Oánh đã hơn 25 năm trong nghề, số lượng con rối nước được anh làm có thể tính bằng đơn vị hàng nghìn để phục vụ thị trường miền Nam.
Xung quanh nhà anh Quang Oánh luôn có nhiều con rối nước ngộ ngĩnh |
Được biết, năm 1992, chàng trai trẻ Phùng Quang Oánh quyết tâm thi vào trường Cao đẳng Nhạc họa Hà Nội, chuyên ngành điêu khắc với mong muốn thực hiện mơ ước trở thành người tạo hình cho những con rối nước. Thông qua trường lớp đào tạo bài bản, cộng với sự chịu khó, tỉ mẫn, đam mê sáng tạo của người trẻ, anh Oánh đã học tập, trau dồi thêm kinh nghiệm từ những nghệ nhân làm rối nước đi trước để rồi anh đúc kết kinh nghiệm, làm ra những con rối theo phong cách tạo hình của riêng mình.
Anh Quang Oánh cho biết: “Để tạo hình một con rối nước đạt chuẩn, cần nhất là phải hiểu được nguồn gốc, văn hóa, tập tục của vùng miền. Thêm vào đó, hình ảnh rối nước có sinh động hay không còn tùy thuộc vào sự tạo hình của người thợ, được thể hiện qua gương mặt, thần thái của nhân vật trong vở diễn rối nước”.
Từ đúc kết của người xưa cộng với kinh nghiệm bản thân, sản phẩm rối nước đầu tiên của anh Oánh đã chinh phục các trung tâm biểu diễn nghệ thuật múa rối nước ở các tỉnh, thành cả nước. Hàng loạt đơn đặt hàng sản xuất rối nước được gửi đến xưởng sản xuất rối nước của anh Oánh, được giới trong nghề đánh giá cao về chất lượng.
Anh Quang Oánh tỉ mẩn sơn vẽ màu cho những con rối nước |
Anh Quang Oánh chia sẻ: "Để hoàn thiện mỗi con rối, tôi phải mất đến gần 3 ngày chăm chỉ làm việc. Vì vậy, mỗi con rối được chào đời được mang đi biểu diễn trên sân khấu đối với tôi như một đứa con mình sinh ra và nhìn thấy chúng “trưởng thành”".
Theo anh Oánh, mỗi con rối, tùy theo độ khó được bán với giá từ 800.000 – 1.300.000 đồng/con. Trung bình mỗi vở diễn sử dụng từ 5-10 con rối và có thể tái sử dụng nhiều lần được hơn 200 suất diễn.
Bên cạnh việc là đơn vị duy nhất cung cấp những con rối nước tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành phía Bắc, nghệ nhân Phùng Quang Oánh còn cùng với bạn bè lập sân khấu rối nước mini, biểu diễn lưu động phục vụ bà con ở nhiều nơi tại các tỉnh miền Nam.
Có thể nói, qua bàn tay khéo léo, cần mẫn trong công việc, dần dần tại Thành phố Hồ Chí Minh anh Oánh đã được những người làm nghệ thuật rối nước biết đến là nơi duy nhất sản xuất, cung cấp tất cả những con rối nước tại thành phố. Hầu hết, những con rối nước của nghệ nhân Phùng Quang Oánh đều có mặt tại tất cả các trung tâm biểu diễn múa rối nước của thành phố, như Nhà hát múa rối nước Rồng Vàng, nhà hát nghệ thuật Phương Nam…
Ông Quang Oánh mong muốn có nhiều bạn trẻ theo nghề để giữ gìn môn nghệ thuật của dân tộc |
Không chỉ cung cấp rối nước cho các đoàn nghệ thuật, nơi sản xuất rối nước của anh Oánh còn thường xuyên tiếp các đoàn khách du lịch nước ngoài, sinh viên thực tập tìm đến. Anh Quang Oánh chia sẻ: “Thấy mọi người thích thú với những con rối nước, tôi cũng rất vui mừng vì mình có thể giới thiệu một phần nét đẹp của bộ môn nghệ thuật rối nước truyền thống có từ hàng nghìn đời nay của dân tộc đến với thế hệ trẻ”.
Với hơn 25 năm theo đuổi công việc này, điều trăn trở nhất hiện nay của nghệ nhân Quang Oánh là làm sao để bảo tồn và phát triển nghề thủ công làm rối nước của dân tộc. Bởi trong gia đình có 3 người con thì hiện tại, chỉ có 1 người con duy nhất của anh thường xuyên hỗ trợ và có ý định theo nghề của cha.
Anh Oánh cho biết: “Nghề này khá vất vả, thu nhập không nhiều, chỉ đủ sống. Vì vậy, ngoài làm rối tôi vẫn nhận điêu khắc gỗ, làm rối trên cạn để lưu niệm, chạm khắc nhiều tượng Phật di lặc, bình rượu,… để bán cho những ai yêu thích nghệ thuật khắc gỗ. Do đó, tôi hy vọng khi các em sinh viên đến nhà tôi tìm hiểu về môn nghệ thuật này sẽ có người yêu thích và theo học. Khi đó, tôi sẵn sàng chỉ dẫn, truyền nghề để có thể giữ gìn, bảo tồn, phát triển những con rối nước của dân tộc”.