Nặng lòng với ca trù
Ít ai ngờ, bà chủ cửa hàng bán vật liệu xây dựng ở cuối phố Bích Câu lại là nghệ nhân ca trù Vân Mai nổi tiếng của Hà Nội. Chúng tôi đến cửa hàng khi chị đang bận rộn tư vấn cho khách hàng. Khi nghe chúng tôi nói đến ca trù, chị hào hứng hẳn, giao ngay khách hàng cho cô con gái phụ trách, rồi kéo chúng tôi ra bàn ngồi trò chuyện.
Nghệ nhân Vân Mai trong một tiết mục biểu diễn ca trù. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Nghệ nhân Vân Mai sinh ra ở quê lúa Thái Bình, gần làng chèo Khuốc nổi tiếng, nên “mê” văn nghệ. Ông trời ưu ái cho chị chất giọng vừa trong, vừa khỏe, nên chị có thể hát tốt được nhiều thể loại, từ hát chèo, đến hát quan họ, hát chầu văn… Nhưng sau này, chị cũng không gắn bó với những loại hình nghệ thuật này.
Một lần, vô tình Vân Mai nghe được tiếng hát của cụ Quách Thị Hồ trên sóng Đài tiếng nói Việt Nam, nghe thấy điệu hát lạ chưa bao giờ được nghe, chị tìm hiểu và biết đó là hát ca trù. “Ngày ấy, khi thấy tôi lân la hỏi, các cụ bảo, hát ca trù khó lắm. Tôi cũng biết là khó, nhưng không hiểu sao tôi vẫn rất thích, nên thường xuyên mở đài nghe, rồi tập hát theo. Thế rồi càng nghe nhiều, tôi càng mê, nên quyết tâm tìm thầy xin học”, nghệ nhân Vân Mai kể lại.
Hạ quyết tâm học ca trù, nhưng phần vì chị đến với ca trù muộn, phần có lẽ vì duyên số lận đận, nên dù nhiều lần tìm đến nhà nghệ nhân ca trù Kim Đức, chị không được bà nhận dạy. Nghe danh cụ Phạm Thị Mùi ở giáo phường ca trù Lỗ Khê (Đông Anh, Hà Nội), chị cũng lặn lội đến tận nơi, nhưng tiếc là, khi đó cụ Mùi đã già yếu, không còn dạy được. Loay hoay mãi mà không tìm được thầy, chị quyết tâm tự mình học hát ca trù qua những băng đĩa mà mình sưu tầm được của các nghệ nhân.
Học hát ca trù vốn đã rất khó, với Vân Mai lại càng khó hơn, bởi chị không có thầy dạy, phải tự mày mò, lắng nghe từng nhịp phách, từng câu hát để rồi tự tập theo. Không có người đánh đàn, chị thuyết phục chồng đi học đàn về để đệm cho mình tập hát. Thương vợ, anh Trúc, chồng chị đã học đàn đáy. Và thế là, hai vợ chồng chị, vừa cùng nhau kinh doanh, vừa cùng nhau luyện đàn hát.
Chị dày công sưu tầm các băng, đĩa của các nghệ nhân ca trù nổi tiếng xưa như cụ Đinh Thị Bản, cụ Đinh Thị Hảo (cụ Châu Doanh), cụ Chu Thị Năm, Chu Thị Bốn, Cô Ba Thỉnh… là những băng đĩa được thu thanh từ những năm 1930 - 1945. Cứ lúc rảnh rỗi, chị lại nghe, học hát theo. Chị tập gõ phách cả lúc xem ti vi, khi sắp đi ngủ. Gõ kiểu này chưa ổn, chị lại tập kiểu khác, cho đến khi nào ưng mới thôi. Nhiều hôm ngồi ăn cơm, chị cũng “lơ đãng” gõ cả trong bữa ăn, đến nỗi cô con gái nhỏ của chị, nghe nhiều cũng thuộc nhịp, có hôm còn nhắc nhở: “mẹ gõ sai nhịp rồi”.
Trải qua thời gian dài cần mẫn tập luyện, giọng hát của Vân Mai trở nên mượt mà hơn, tay phách cũng nhịp nhàng hơn. Tay đàn của anh Trúc, chồng chị, từ chỗ cứng queo, cũng dần mềm mại, nhuần nhuyễn hơn. Không ít người khi thấy hai vợ chồng chị dắt nhau học đàn, hát, đều lắc đầu ngán ngẩm bảo “tội gì vất vả thế”. Nhưng Vân Mai chỉ cười, nói: “Mình không hề thấy vất vả, bởi vì mình đang được làm điều mà mình rất thích”.
Chinh phục “đỉnh tháp” ca trù Gần 20 năm miệt mài với ca trù, đến nay, Vân Mai đã biết hát khoảng 25 thể cách khác nhau của ca trù như dâng hương, thét nhạc, hát nói, gửi thư, hát ru, hát nói, hát mưỡu… Giọng hát của chị ngày càng thành thục, nhuần nhuyễn. Nhiều người sau khi nghe Vân Mai hát đã nhận xét, trong giọng hát của Vân Mai các “hột” luyến nảy một cách tự nhiên. Bản thân Vân Mai biết, để đạt được đến độ “nổ” hột hàng tràng một cách tự nhiên, để có thể ngân, rung, nhấn, vuốt “nuột” như hiện nay... chị đã phải tự mình khổ luyện hàng chục năm trời, chứ không phải tự nhiên mà có được.
Không chỉ chinh phục người nghe bằng chất giọng mượt mà, trong vắt, nghệ nhân Vân Mai được giới chuyên môn đánh giá cao khi chị có công phục hồi điệu hát “Non mai hồng hạnh”, một điệu ca trù cổ đã thất truyền 70 năm.
Nghệ nhân Vân Mai kể, trong số các đĩa ca trù mà chị sưu tầm được, có đĩa nhạc của cụ Châu Doanh (Đinh Thị Hảo) có ghi lại bài “Non mai hồng hạnh”, nhưng đây là một điệu hát rất khó, đòi hỏi kỹ thuật cao. Khoảng những năm 2006, trong một lần trò chuyện với nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan, nghe ông nói chuyện, “Non mai hồng hạnh” là điệu hát vô cùng quan trọng trong lễ thờ tổ ca trù, và là một điệu hát khó, là đỉnh cao của nghệ thuật ca trù, đã rất lâu rồi không có người biết hát và hát được điệu này, nên các nhà nghiên cứu rất lấy làm tiếc. Rồi nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan khuyên, nếu có thể, Vân Mai cố gắng tập và hát để giữ lại điệu hát này, bởi theo ông, hát "Non mai hồng hạnh" đòi hỏi phải có kỹ thuật và rung giọng rất tốt, phải ém hơi, nẩy hột điêu luyện. Và khi đã hát được "Non mai hồng hạnh" thì hát các bài khác của ca trù rất dễ và hay.
Sau cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, Vân Mai về mang đĩa hát của cụ Châu Doanh ra nghe và tập. “Trong vòng một tháng đi du lịch cùng gia đình, tôi cứ nghe, rồi tập hát theo, và dần dần cũng hát được. Mặc dù khi đó tôi hát còn chưa nhuần nhuyễn, nhưng khi anh Loan nghe tôi hát, đã rất xúc động, anh Loan bảo, chưa nghe thấy ai hát “Non mai hồng hạnh” tốt như Vân Mai”, nghệ nhân Vân Mai nhớ lại.
Năm 2011, Vân Mai mang điệu “Non mai hồng hạnh” đi tham dự liên hoan ca trù, và lập tức nhận được giải Vàng. GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cũng từng thừa nhận, “Non mai hồng hạnh” là “đỉnh tháp” của nghệ thuật ca trù, bởi tất cả những kỹ thuật cao nhất, khó nhất, phức tạp nhất của ca trù đều có trong điệu hát này.
Hiện nay, bên cạnh việc không ngừng rèn luyện để tiếp tục nâng cao hơn nữa kỹ thuật hát ca trù, nghệ nhân Vân Mai dành thời gian mở truyền dạy ca trù miễn phí cho lớp trẻ. Nghệ nhân Vân Mai tâm sự: “Mong muốn lớn nhất của tôi bây giờ là mong sao có thể truyền dạy được nghệ thuật ca trù cho thật nhiều học trò, để các em gìn giữ nghệ thuật ca trù cho các thế hệ mai sau”.