Ngô Tất Tố - một tên tuổi lớn
Nhà văn Ngô Tất Tố (1894 – 1954) sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà Nho nghèo ở làng Lộc Hà, tổng Hội Phụ, phủ Từ Sơn, Bắc Ninh (nay là thôn Lộc Hà, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội). Ông là một nhà văn, nhà báo, nhà Nho học và nhà nghiên cứu có ảnh hưởng ở Việt Nam giai đoạn trước năm 1954.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá: Nhà văn Ngô Tất Tố là một tên tuổi lớn, một ngôi sao sáng thuộc thế hệ lớp đầu của nền văn hóa Quốc ngữ. Ông là người đã có đóng góp to lớn, người đặt nền móng cho tiến trình văn học Việt Nam hiện đại. Sự nghiệp của Ngô Tất Tố đa dạng, phong phú và đạt đến tầm xuất sắc trên 5 lĩnh vực lớn: Văn học, báo chí, khảo cứu, dịch thuật, địa lý.
Ngô Tất Tố là một nhà yêu nước, từ truyền thống yêu nước của gia đình, ông đến với văn hóa Việt. Bằng các hoạt động rộng lớn và phong phú, ông góp công to lớn vào cuộc khởi động gian khổ và mạnh mẽ để văn hóa nhập vào quỹ đạo lớn vì Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội. Từ một nhà yêu nước, Ngô Tất Tố trở thành chiến sỹ cách mạng, là thành viên Hội Văn hóa Cứu quốc, người hướng dẫn tinh thần cho lực lượng võ trang địa phương những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Ông là một trong những người sáng lập Hội Văn nghệ Việt Nam.
Theo Giáo sư Phong Lê, mặc dù nghiệp văn của Ngô Tất Tố nằm trọn nửa đầu thế kỷ XX, nhưng người đọc vẫn đặt ông vào hàng những đại văn gia thế kỷ, bởi ông luôn là con người của thời sự, hiện đại. Ánh sáng trong tác phẩm của ông luôn có sức rọi sâu và xa. Bởi sự nghiệp của ông là dự cảm, là phát ngôn, là hiện thân những vấn đề lớn của đất nước, của nhân dân, của thế kỷ.
Giáo sư Phong Lê cho rằng, Nhà văn Ngô Tất Tố thuộc lớp tiền bối, nhưng trong ý tưởng của nhiều tầng lớp bạn đọc, ông vẫn là người của thế hệ mới, người của thời hiện đại. Ngô Tất Tố tinh thông Nho học, am hiểu Đông phương học nhưng cũng rất tân thời. Trong toàn bộ trước tác của ông với tư cách nhà văn, nhà báo, nhà phóng sự, nhà tiểu thuyết, nhà tiểu phẩm, bao trùm là một nhà văn hóa, nhà học giả… Những tác phẩm như “Tắt đèn”, “Việc làng”, “Tập án cái đình” nói với ta bao điều nhức nhối trong sinh hoạt của người nông dân và nông thôn Việt Nam trước năm 1945. Hơn ai hết, Nhà văn Ngô Tất Tố là người hiểu, chia sẻ, cảm thông với người dân. Ông thấu hiểu sâu xa về cuộc sống và con người, xã hội và thời cuộc, tri thức và văn hóa, văn chương và học thuật.
Một nhà báo sắc sảo
Không chỉ là nhà văn thấu hiểu và viết sâu sắc về cuộc sống của người nông dân, nông thôn, Ngô Tất Tố còn là nhà một báo sắc sảo thời bấy giờ.
Nhà thơ Vũ Quần Phương đánh giá, dù nổi danh ở nhiều lĩnh vực, nhưng trong lĩnh vực báo chí và văn chương, Nhà văn Ngô Tất Tố được đánh giá cao. Bởi đó là nơi bộc lộ rõ nhất trách nhiệm công dân và chủ nghĩa nhân đạo cao cả của ông đối với sự tồn vong của đất nước và cảnh sống bần cùng của người dân, nhất là nông dân. Trong lĩnh vực báo chí, Vũ Quần Phương và nhiều bạn viết cùng lứa tuổi ông đều kinh ngạc, thích thú trước gia tài báo chí của Ngô Tất Tố. “Đọc những bài báo của Ngô Tất Tố, tôi thấy như đang đọc một nhà báo tân học như đọc Vũ Bằng, Tam Lang hồi đó…”, Nhà thơ Vũ Quần Phương nói.
Ngô Tất Tố không chỉ mới trong những câu văn mà mới cả trong mạch nghĩ, đó là mạch nghĩ đương thời. Ngô Tất Tố đã viết báo trong một nghĩa vụ công dân đấu tranh cho lẽ phải, cho đạo lý của việc đang xảy ra. Nó là sự lên tiếng của công dân trước thời cuộc, trước vận nước. Ông vạch trần các thứ bánh vẽ, lừa dân của tầng lớp thống trị. Vạch ngay khi bọn gian viết chưa khô mực, bọn bịp nói vừa dứt lời…
Các tác phẩm của Nhà báo Ngô Tất Tố có tính cập nhật rất phong phú, cập nhật trong chính trị, kinh tế và trọng đạo lý. Ông nhanh chóng trở thành cây bút báo chí năng động chính vì phương pháp tư duy ấy. Trong khuôn khổ những bài báo không dài lắm, với một văn phong dễ đọc, dễ gần, Ngô Tất Tố đụng chạm đến cả những nhân vật thế lực trong guồng máy thống trị xã hội.
Quan sát sắc sảo và tầm nghĩ rộng xa, một nhà báo viết nhanh viết nhạy, Ngô Tất Tố đã có hàng trăm tiểu phẩm như những ký họa nhanh và sắc về muôn mặt đời sống, vừa chân thật, giàu kịch tính, đủ làm hồ sơ xác định chân tướng một giai đoạn xã hội Việt Nam thời đó. Những bài học nghề nghiệp từ cách thâm nhập và tận dụng chi tiết đời sống, đến các thao tác và kỹ xảo nghề nghiệp của Ngô Tất Tố ở lĩnh vực báo chí vẫn luôn gần gũi và có ích với chúng ta hôm nay.
Đánh giá về hoạt động báo chí của Ngô Tất Tố, Giáo sư Phong Lê khẳng định, nghề báo cũng chính là lĩnh vực mà Ngô Tất Tố chiếm lĩnh ở vị trí cao. Tác giả Ngô Tất Tố - qua nhận xét của Nhà văn Vũ Trọng Phụng, đó là “một tay ngôn luận xuất sắc trong đám nhà Nho”.
Theo Giáo sư Phong Lê, Ngô Tất Tố có một “di sản báo chí” đặc sắc, gồm hàng nghìn bài viết. Từ kho tiểu phẩm đồ sộ của Ngô Tất Tố, ta có thể hình dung ra một bên là đời sống xã hội phong kiến – thuộc địa ở những mặt tối tăm nhất và bên kia là đời sống văn chương báo chí trong thế nương tựa vào nhau, làm nên đặc thù đời sống văn hóa những năm 1930 của thế kỷ 20.
“Ngô Tất Tố đứng cùng vị trí vinh quang với nhiều đồng nghiệp cùng thời như Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Nam Cao… Nhưng ông có một vị thế riêng, ở giai đoạn 1930-1945 và cho đến hôm nay. Bởi bên cạnh đỉnh cao về văn chương, Ngô Tất Tố còn là một chân dung lớn, một sự nghiệp lớn trên cả hai tư cách: Nhà văn - nhà văn hóa, điều mà chỉ một số ít người đạt được.”, Giáo sư Phong Lê khẳng định.