Sau hai cuốn sách lớn “Tổng thư mục Ngô Tất Tố” (xuất bản năm 2011) và “Tổng tập tản văn Ngô Tất Tố” (xuất bản năm 2012), nhân kỷ niệm 120 năm năm sinh của Ngô Tất Tố, nhóm Nghiên cứu và Biên soạn về Ngô Tất Tố cộng tác với Nhà xuất Thông tin Truyền thông xuất bản cuốn sách “Chân dung Ngô Tất Tố”.
Cuốn sách “Chân dung Ngô Tất Tố” có bảy chương và 460 trang đã hệ thống lại toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của Ngô Tất Tố, vẽ nên một bức tranh toàn diện và sinh động nhất về chân dung một nhà văn, nhà báo, nhà văn hóa lớn qua danh mục các tác phẩm đã công bố, đã được đăng báo, in thành sách trong ba phần tư thế kỷ vừa qua cùng những tư liệu quý giá mới được phát hiện của nhóm Nghiên cứu và Biên soạn. Đồng thời, nhóm Nghiên cứu và Biên soạn cũng đính chính lại những thông tin chưa chính xác về nhà văn, nhà báo Ngô Tất Tố. Những điều đính chính trên sẽ giúp mọi người có những thông tin chính xác, đáng tin cậy hơn khi tìm hiểu, nghiên cứu về Ngô Tất Tố và sự nghiệp của ông, đồng thời thêm yêu mến và trân trọng tài năng, cốt cách một trong những nhà văn, nhà báo, nhà văn hóa tài năng trong thế kỷ XX của Việt Nam.
Ngô Tất Tố là một trong những cây bút tiêu biểu của dòng văn học hiện thực phê phán những năm 30, 40 của thế kỉ XX. Ngô Tất Tố không chỉ là nhà viết tiểu thuyết, phóng sự, mà còn là một nhà báo cự phách, một nhà khảo cứu dịch thuật có tài, một nhà văn hóa lớn của dân tộc. Thành công của Ngô Tất Tố là thành công của quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh, của một người cầm bút tự thấy phải hoạt động, phải xông pha, phải lăn lộn với cuộc sống nhân sinh. Ông luôn khiến mọi người nể trọng bởi bút lực dồi dào, bởi tinh thần “phản tỉnh” bản thân và xã hội một cách sâu sắc, tinh tế trong bất cứ lĩnh vực văn chương nào.