Người đàn bà trọn lòng với sử thi

Với ước muốn những người con, những thế hệ trẻ của người M’nông không quên bản sắc dân tộc mình, nghệ nhân Điểu Thị Mai đã dành trọn cuộc đời để sưu tầm, lưu trữ các điệu dân ca, sử thi M’nông.

Niềm đam mê được... tiếp sức

Dù đã ngoài 42 tuổi nhưng đôi chân của chị Điểu Thị Mai sống tại Bon Bu Prâng, xã Đăk N’Drung, huyện Đăk Song, tỉnh Đăk Nông vẫn tiếp tục trải dài trên mọi con đường của Tây Nguyên. Chỉ cần nghe ở đâu có già làng biết về văn hóa dân tộc mình là chị lại bắt đầu cuộc hành trình không ngừng nghỉ.

Niềm vui, hạnh phúc của chị Điểu Thị Mai mỗi ngày khi ngồi bên bàn làm việc.


Ngay từ thuở ấu thơ, chị Mai đã mê sử thi rồi. Khi được nghe tiếng hát về sử thi, về những lời ru ngọt ngào chan chứa tình cảm của người mẹ dành cho con, là chị có thể thuộc ngay lời hát đó.

Cùng với sự ủng hộ của chồng, chị không chỉ làm tốt các công việc được giao mà còn chăm lo tốt cho gia đình. “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”. Công việc của chị đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức. Nhưng chị vẫn cố gắng thu xếp thời gian để chăm lo cho mái ấm của mình. “ Đi họp về là mình tranh thủ vô bếp nấu ăn, giặt giũ và tối mình lại ngồi vào bàn viết và viết những gì mình thu thập được”. Chồng chị Mai hết sức thông cảm và giúp đỡ chị rất nhiều. Ngoài việc giúp vợ chăm con, chồng chị còn phải lo việc nương rẫy cùng với đứa con trai lớn. “Đôi lúc thương chồng lắm, muốn ở nhà phụ chồng nhưng công việc mình cũng không thể bỏ dở” - chị Mai tâm sự. “Nếu không có anh chắc mình cũng không thể cố được đến bây giờ”. Anh không chỉ hy sinh, chăm lo con cái mà mỗi lần đi đâu anh đều là “tài xế bí mật” cho chị, anh bảo để chị đi một mình không an tâm.

Chị Mai chia sẻ: “Mỗi lần đi gần thì anh chở rồi anh lại tranh thủ về lo công việc gia đình, sau đó lại đến đón chị sau. Còn những lúc mà có chuyến đi xa phải ở lại đến 3, 4 ngày thì vợ chồng mình đem cả con bé nhỏ theo”.

Do đặc thù công việc nên cứ nghe ở đâu có già làng biết về văn hóa dân tộc mình là chị đi ngay, dù có xa đến mấy. Nhưng không phải đi đến gặp là các già làng sẽ hát cho nghe luôn. Chị phải nói chuyện, tâm sự với họ. Nhiều khi còn phải giao lưu rượu thịt. Khi họ đã hiểu tấm lòng của chị thì họ mới cất lên tiếng hát, mới mở lời từ đáy bụng.

Anh Điểu Teng, chồng chị Mai cho biết: “Vợ mình công việc vất vả, con thì đang nhỏ nên mình cần phải ủng hộ vợ mình. Mình tự hào khi có vợ tham gia giỏi các hoạt động của xã hội, mà còn giúp lưu giữ một phần nào văn hóa đã dần mất của dân tộc. Mình sẽ luôn ủng hộ việc làm của vợ và đảm nhận hết việc nhà để vợ có thời gian nghiên cứu, chép lại sử thi. Thấy vợ làm việc có ích vợ vui là mình vui rồi”.

Hành trình không ngừng nghỉ

Bên cạnh việc sưu tầm về sử thi, chị Mai còn nghiên cứu về ẩm thực, các bài hát ca dao, đồng dao của dân tộc mình và tự nghiên cứu, tự sáng tác. Đối với ẩm thực, 3 tháng chị sưu tầm xong một quyển. Đến nay Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đăk Lăk cho in 2 quyển 400 trang. Chị có ước muốn luôn cháy bỏng là làm thế nào để soạn từ vựng sử thi từ lớp 1-12 thành một bài văn hóa tiếng M’nông để lồng ghép vào các trường học. Bởi vì theo chị, những người M’nông hiện nay chỉ biết nói tiếng M’nông mà không biết đọc, biết viết văn phạm của dân tộc mình như biết đọc, biết viết tiếng phổ thông.

Hiện nay chị Mai đang làm việc ở Bảo tàng của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cho 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Vào năm 2009 chị đã mở 2 lớp trẻ em và người lớn tại nhà văn hóa cộng đồng, dạy tục ngữ, ca dao; giúp sinh viên, tiến sĩ hoàn thành tốt luận án về sử thi và ca dao ở Hà Nội và TP.HCM.

Theo chị Nguyễn Thị Thịnh, Hội phụ nữ Bon Bu Prâng: Trong quá trình tham gia hội, chị Điểu Thị Mai là hội viên luôn tham gia tích cực trong các phong trào văn hóa, văn nghệ; tham gia lễ hội cồng chiêng vào các dịp 20/10; 8/3, chào mừng ngày quốc tế phụ nữ và khởi nghĩa Hai Bà trưng... Chị còn viết ra một lời ru của người M’nông; vận động chị em trong chi hội đánh nhạc cụ của dân tộc mình, sáng tác điệu múa cho văn nghệ tại Đắk Song.

“Mình rất muốn những gì mình làm ngày hôm nay không chỉ lưu giữ lại nét đẹp văn hóa của dân tộc mình mà còn giúp thế hệ trẻ sẽ biết nhiều hơn và yêu hơn tiếng dân tộc mình”, chị Điểu Thị Mai chia sẻ.

Bài và ảnh: Lang Hường
Bảo tồn và phát huy giá trị của sử thi Êđê
Bảo tồn và phát huy giá trị của sử thi Êđê

Người Êđê gọi sử thi là klei khan. Klei nghĩa là lời, bài; khan nghĩa là hát kể. Hát kể klei khan không phải là hát kể thông thường mà bao gồm ý nghĩa ngợi ca.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN