Trong bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành, Chính phủ Pháp đã quyết định áp đặt lệnh phong tỏa trên cả nước từ đầu tháng 3 này. Theo đó, các trường học và những cửa hàng kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu phải đóng cửa, người dân được khuyến cáo nên ở nhà.
Vừa cố thỏa mãn sở thích ăn bánh mì vừa muốn phòng chống virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, một số người Pháp mua bánh mì baguette với số lượng ít ỏi còn lại trong các siêu thị và cất vào tủ cấp đông. Dù điều này có thể khiến những chiếc bánh mì kém ngon hơn so với bình thường, nhưng việc làm đơn giản là rã đông và làm nóng bánh mì giờ đây lại trở thành hành động hết sức thiết thực, có ý thức về sức khỏe cộng đồng cũng như trách nhiệm công dân, và chắc chắn tốt hơn là không có chiếc bánh mì nào.
Tại một đất nước đang áp dụng lệnh phong tỏa, việc mua bánh mì là lý do hết sức bình thường để đi ra ngoài. Tuy nhiên, tại thị trấn ven biển Địa Trung Hải Sanary-sur-Mer, chỉ mua một chiếc bánh mì có nguy cơ bị cảnh sát phạt 135 euro (146 USD). Người đứng đầu thị trấn Ferdinand Bernhard đã ban hành quy định cấm người dân mua bánh mì để hạn chế họ ra ngoài.
Với một số người Pháp lúc này, từ bỏ những chiếc bánh mì nóng hổi với vỏ ngoài giòn rụm và ruột mềm, thơm ngậy vị bơ trở nên quan trọng hơn và chỉ là một sự hy sinh nhỏ bé so với nhiều sự hy sinh lớn lao khác vì dịch COVID-19. Với họ, ở nhà thay vì đi mua bánh mì hằng ngày chính là biện pháp bảo vệ sức khỏe của chính mình, cũng như một cử chỉ thể hiện tinh thần đoàn kết với các y, bác sĩ tại Pháp đang từng ngày từng giờ cứu lấy tính mạng của các bệnh nhân COVID-19 tại các vùng dịch.
Những ổ bánh mì dài đã xuất hiện tại Pháp cách đây hàng thế kỷ. Bánh mì baguette là một thứ không thể thiếu trong bữa ăn hằng ngày của người dân nước này. Theo thống kê, người dân Pháp tiêu thụ 320 chiếc baguette mỗi giây. Trung bình mỗi người sẽ ăn nửa chiếc/ngày. Mỗi năm, quốc gia với 66,99 triệu dân này tiêu thụ hàng tỷ bánh baguette.