Thông cáo của bộ trên cũng xác nhận tính đến thời điểm này, tại Pháp có tổng cộng 14.459 ca nhiễm SARS-CoV-2. Trong số 6.172 người đang được điều trị tại các bệnh viện có 1.525 người đang trong tình trạng nguy kịch. Một nửa trong số các ca bệnh nặng này là những người dưới 60 tuổi.
Theo phóng viên TTXVN tại Paris, kể từ trưa 17/3, toàn nước Pháp đã bước vào thời điểm lịch sử chưa từng có trong thời bình. Để đối phó với đại dịch COVID-19, chính phủ đã áp đặt hạn chế di chuyển tối đa trong thời gian ban đầu là 15 ngày và có thể gia hạn tùy theo diễn biến tình hình.
Tuy nhiên, việc tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp hạn chế ra đường không có nghĩa là phải dừng lại tất cả các hành động hỗ trợ tương thân tương ái. Người dân Pháp vẫn luôn có thể tiếp tục truyền thống giúp đỡ mọi người, mà gần như không cần rời khỏi nhà của mình.
Dịch COVID-19, cho dù làm xáo trộn toàn bộ cuộc sống thường nhật, nhưng không phải là trường hợp khẩn cấp về y tế duy nhất. Do đó, Ngân hàng máu của Pháp đã ra lời kêu gọi tiếp tục hiến máu. Theo đó, việc hiến máu không thể bị gián đoạn trong thời gian phong tỏa, do dự trữ hồng cầu hiện tại còn chưa đáp ứng đủ 15 ngày và dự trữ tiểu cầu chỉ còn dưới 3 ngày.
Chính vì vậy, những tình nguyện viên vẫn có thể đến các trung tâm hiến máu, với lý do "hỗ trợ những người dễ bị tổn thương", được quy định trong Giấy chứng nhận tự khai về mục đích di chuyển trên đường, bắt buộc phải mang theo đối với bất kỳ ai rời khỏi nhà. Tất cả các biện pháp phòng ngừa được áp dụng triệt để, tránh các rủi ro lây truyền virus. Điều kiện duy nhất là những người hiến máu không được có triệu chứng giống cúm.
Để giải quyết một cuộc khủng hoảng y tế, điều cốt lõi nằm ở công tác nghiên cứu. Quyên góp cho các tổ chức y tế là một cách hỗ trợ hiệu quả. Viện Pasteur, nơi đã phân lập và nuôi cấy thành công các chủng virus SARS-CoV-2 trong nỗ lực phát triển một loại vaccine chống lại đại dịch, hay Quỹ nghiên cứu y học chuyên về các loại virus mới, đang rất cần các nguồn lực tài chính để đẩy mạnh hoạt động. Mạng lưới y tế Paris, nơi đang ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 tại Pháp, đã lập ra một quỹ khẩn cấp cho phép huy động nhanh chóng các nguồn lực bổ sung cho nghiên cứu. Mạng lưới này gồm 39 bệnh viện, trong đó có 3 trung tâm chuyên điều trị các bệnh truyền nhiễm.
Người cao tuổi vốn đặc biệt dễ bị tổn thương trước COVID-19, với nhiều biến chứng nghiêm trọng, cũng có nguy cơ bị tổn thương tinh thần nặng nề vì cô đơn trong thời gian phong tỏa không thể gặp người thân. Vì vậy, nhiều sáng kiến đã được đưa ra để duy trì mối quan hệ, bất chấp khoảng cách. Ví dụ trên mạng xã hội Facebook, một nhà tâm lý học làm việc trong một trung tâm dưỡng lão đã đề nghị các phụ huynh khuyến khích con mình vẽ tranh tặng ông bà, sau đó gửi qua thư điện tử. Các bức tranh sẽ được in ra và chuyển cho người cao tuổi đang được chăm sóc trong trung tâm.
Trên toàn lãnh thổ Pháp, các hệ thống tình nguyện viên địa phương vẫn hoạt động tích cực, nhằm giúp những người dân gặp khó khăn trong việc đi lại mua sắm thực phẩm hoặc thuốc men.