Ở vào tuổi bát thập, sau khi đã hoàn thành 8 đầu sách của riêng mình, tưởng anh có thể gác bút nghỉ ngơi theo lẽ thường tình và cũng là mong mỏi của những người thân yêu trong gia đình, nhưng không, Nguyễn Thế Nghiệp vẫn trăn trở với những nghĩ suy về quê hương Tứ Tổng một vùng đất giàu truyền thống văn hóa và cách mạng của Hà Nội. Anh muốn viết một quyển sách nói về vùng quê nơi anh đã chào đời.
Từ cuối năm 2020 Nguyễn Thế Nghiệp đã bỏ công sưu tầm, lục lọi các sách vở, văn kiện, tài liệu, dựng đề cương và cặm cụi viết tiểu thuyết Tứ Tổng, theo phương thức một tác phẩm văn học. Qua nhân vật chính Hoàng Tân và một loạt các nhân vật chính diện và phản diện, mỗi nhân vật đều có cuộc sống riêng, tính cách riêng, người ta thấy hình bóng những người ở quê anh, những cán bộ hoạt động cách mạng, những cụ bá, ông chánh, ông lý và những con người bình thường khác, được tái tạo, xuất hiện như là những nhân vật trong sáng tạo văn học, qua đó cho thấy bản chất mộc mạc, chân thành của con người và vẻ đẹp thiên nhiên trù phú nơi quê hương anh đã sinh ra và lớn lên. Có thể là các nhân vật chính và một số sự kiện trong tác phẩm đã được hư cấu khéo léo trên cơ sở hiện thực. Cũng có thể sự việc và con người trong những bối cảnh nào đó được diễn tả như nó đã diễn ra trong đời thực. Tác giả đã khái quát hóa, điển hình hóa nhân vật, nhưng không hề thoát ly đời sống thực tế. Những người chưa biết, chưa hiểu nhiều về Tứ Tổng, một vùng cửa ngõ của Thủ đô, đọc tác phẩm văn học này sẽ thêm yêu mến, thêm hiểu biết và tự hào về Tứ Tổng xưa (nay là Tứ Liên, Nghi Tàm, Hà Nội), địa phương từng được Đảng và Nhà nước ta phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp.
Cho đến khi tiểu thuyết Tứ Tổng ra mắt bạn đọc vào đầu năm 2022, Nguyễn Thế Nghiệp đã có 8 đầu sách được xuất bản:
1. Sáng mãi một tình yêu - NXB quân đội (2011)
2. Có một thời như thế - NXB Văn hóa - Thông tin
3. Như cánh chim bằng - NXB Hội Nhà văn (2015)
4. Gs Đào Nguyên Cát - Vị trưởng lão làng báo-NXB Thông tấn (2015)
5. Có một nhà khoa học như thế - NXB Thanh niên (2017)
6. Hùm xám đường số 4 - NXB Văn học (2017)
7. Gs Đào Nguyên Cát - có sửa chữa , bổ sung - NXB Thông tấn
8.Vững bền hơn núi, hơn sông - NXB Thông tấn (2020).
Trước đó, Thế Nghiệp đã là đồng tác giả của các tập sách in chung với nhiều người khác như: Những tuyến đường hữu nghị - NXB GTVT; Mùa hoa xuyên khung - NXB Phụ nữ; Có một thời đẹp mãi, tập 2, 3 - NXB Thông tấn; Có một thời đẹp mãi, tập 4-NXB Văn hóa -Thông tin; TTXVN &KPL Trưởng thành cùng năm tháng - NXB Thông tấn.
Tiểu thuyết Tứ Tổng lẽ ra đã được phát hành vào cuối năm 2021, nhưng một vài điều phát sinh trong quá trình in ấn đã khiến cho cuốn sách mãi tới cuối tháng 1/2022 mới đến tay bạn đọc.
Sau khi giới thiệu quyển sách viết về quê hương Tứ Tổng, Thế Nghiệp gửi sách cho bạn bè, và đích thân mang đến tận nhà tặng cho các đồng nghiệp cao tuổi… Nhân dịp này, nhà văn lão thành Hạ Bá Đoàn, một đồng môn hơn tuổi cùng học lớp Văn K7 ĐHTH Hà Nội (1962-1965/66) đã tặng anh bộ Tổng tập Hạ Bá Đoàn gôm 3 tập Tiểu thuyết “Đi tìm hiện thực của những ước mơ” và một số tác phẩm khác, cùng với những tập thơ của con gái ông là luật sư Hạ Thị Hồ Hoa. Sau đó khi gặp nhà văn đồng môn Nguyễn Đoàn, Nghiệp lại được tặng một số quyển phiếm đàm rất hấp dẫn…
Vậy là trong bản năng làm nghề của Thế Nghiệp lóe lên ý nghĩ về tập sách “Bạn văn của tôi”… Nghĩ là làm, Nghiệp lần lượt gặp các bạn bè, đồng nghiệp thân quen, nêu ý tưởng và vạch kế hoạch thực hiện “dự án” mới này. Anh lần lượt gặp nhóm các anh em đồng môn Văn K7: Phan Huy, Phạm Đình Lợi, Hạ Bá Đoàn, Nguyễn Đoàn, Lê Văn Hy và các đồng nghiệp Nguyễn Quốc Uy, Trần Mai Hưởng, những người từng đảm nhiệm trọng trách là Tổng Giám đốc cơ quan Thông tấn Quốc gia để hỏi chuyện, phỏng vấn riêng từng người…
Không những thế, Nghiệp còn dành thời gian đọc các tác phẩm thơ văn và những bài báo của bạn bè đã công bố để hiểu thêm, hiểu kỹ về những đứa con tinh thần của tác giả trước khi đặt bút viết. Ngoài các bạn đồng môn và đồng nghiệp nói trên, Nghiệp còn có nhiều bạn bè công tác trên các lĩnh vực khác nhau, và anh đã viết về họ với tất cả tấm lòng và sự hiểu biết cặn kẽ, chân thành. Đó là nhà quản lý, doanh nhân kiêm nhà thơ Nguyễn Thế Quang; Giáo sư Đào Nguyên Cát, vị trưởng lão của làng báo Việt Nam; nhà khoa học và nhà thơ Đàm Đức Vượng; các nhà văn Nguyễn Thế Kiên và Phan Sĩ Quán; luật sư và nhà thơ Hạ Thị Hồ Hoa (trưởng nữ của nhà văn đồng môn Hạ Bá Đoàn). Người cuối cùng là Trung tá Đặng Văn Việt, từng được mệnh danh là “Hùm xám đường số 4”, tác giả cuốn hồi ký “Đường số 4 rực lửa”, giải nhất cuộc thi văn học nghệ thuật toàn quốc năm 2000.
Trong quá trình tìm hiểu thực tế để viết về người “anh hùng thầm lặng” này, Thế Nghiệp đã trở thành người bạn vong niên thân thiết của Trung tá Đặng Văn Việt, sinh năm 1920 và mất năm 2021, thọ 101 tuổi. Đối với mỗi bạn văn, Nghiệp luôn cân nhắc kỹ và tìm ra mặt mạnh, đi sâu vào những nét riêng để tiếp cận và thể hiện cho được phong cách, thành tựu và những đóng góp của từng người. Mỗi bài viết như vây, Nghiệp đều hỏi đi hỏi lại rất kỹ từng chi tiết, khi hoàn chỉnh, anh đăng lên trang facebook cá nhân hoặc gửi cho từng người, yêu cầu bổ sung, sửa chữa cho đến khi cả hai bên ưng ý mới thôi.
Quả đúng như Nguyễn Thế Nghiệp tâm sự trong bài viết ở cuối sách: Viết sách đòi hỏi sự tự nguyện, tự giác và đam mê; phải sống thật với chính mình và có tấm lòng rộng mở với bạn bè…
Chính nhờ có “sự đam mê nghề nghiệp và tấm lòng rộng mở với bạn bè” thôi thúc mà đầu năm đưa in tiểu thuyết “Tứ Tổng”, cuối năm lại cho ra sách “Bạn văn của tôi”. Có thể nói rằng ít ai làm được như bạn văn Thế Nghiệp. Viết đến đây tôi chợt nhớ tới những điều nhà văn đồng môn Hạ Bá Đoàn, năm nay 86 tuổi, đã ghi lại khi tỉnh dậy lúc nửa đêm trong ngày ông nhận được quyển sách Nghiệp gửi tặng:
- Facebook hỏi: Bạn đang nghĩ gì?
- Tôi nghĩ đến Nguyễn Thế Nghiệp ông bạn văn của mình là đồng môn khoa văn ĐH Tổng hợp Hà nội. Chúng tôi chia tay, ra trường mỗi người mỗi ngả, vậy mà sau hơn nửa thế kỉ, đồng môn đã cho tôi "gặp lại" nhiều người qua tác phẩm “Bạn văn của tôi” - Thật là một sự kiện kì diệu!
Tôi đọc liền một mạch, như thấy hiển hiện rõ ràng khuôn mặt, tính cách, những nét đẹp về thời oanh liệt và sự phong phú văn chương của mỗi người. Tôi còn hiểu thêm cả những bạn văn của Nghiệp do "hữu duyên thiên lý năng tương ngộ". Nguyễn Thế Nghiệp còn khéo léo kể về cuộc đời mình và vợ con gắn vào mỗi nhân vật miêu tả. Tất cả đều rất thật, với giọng văn chân tình, đã cho tôi những kỉ niệm sâu sắc, những bài học quý giá.
Đời người, mấy ai đã làm được như Thế Nghiệp?
Quá tuyệt vời nhận xét của nhà văn lão thành Hạ Bá Đoàn: Ngưỡng mộ và chúc mừng bạn đồng môn Nguyễn Thế Nghiệp!