Nhạc sĩ Lê Nguyên Vỹ và phát kiến in ảnh lên vân lá

Viết nhạc từ cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, với nhiều ca khúc ấn tượng trong giới chuyên môn nhưng lại không nổi tiếng. Mới “tập” làm thơ tự do khoảng 10 năm nay, chủ yếu làm cho vui thì lại nổi tiếng “rầm rầm”, đi đâu người ta cũng kêu “nhà thơ”. Thế nhưng câu chuyện dưới đây không đề cập đến hai điều trên, mà chủ yếu là về phát kiến kỹ thuật diệp ảnh (rọi ảnh trên vân lá), với những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, sắp trình làng.

 

Cũng xin nhắc lại, Lê Nguyên Vỹ vốn nổi tiếng với kỹ thuật in ảnh lên đá, chỉ cần vào mạng gõ hai từ “thạch ảnh” (thuật ngữ này cũng do ông nghĩ ra) thì đủ thấy độ lan tỏa của nó. Năm 2007, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam đã chứng nhận ông là “người làm thạch ảnh đầu tiên ở Việt Nam” với hàng trăm tác phẩm và hàng ngàn vật phẩm thạch ảnh đã có mặt tại nhiều nước trên thế giới. Mấy tháng gần đây, Lê Nguyên Vỹ dành nhiều công sức để tìm cách in ảnh lên vân lá cây, nay đã thành công, ông đang nghĩ đến việc làm một triển lãm chân dung văn nghệ sĩ nhằm kỷ niệm phát kiến này.

 

Nhạc sĩ Lê Nguyên Vỹ.

 

Ưu thế của diệp ảnh

 

So với thạch ảnh hay giáp cốt ảnh mà Lê Nguyên Vỹ từng thực hiện thì diệp ảnh có ưu thế về trọng lượng, nó rất nhẹ, dù kỹ thuật làm khó hơn nhưng thời gian làm lại nhanh hơn. Diệp ảnh cũng dễ dàng đóng thành tập, phù hợp với nhiều hình thức lưu trữ và trưng bày, đặc biệt là trong các album.

 

Nếu với thạch ảnh, Lê Nguyên Vỹ mất gần 18 năm để mày mò và thuần thục, thì với diệp ảnh chỉ cần 6 tháng, vì ông đã kế thừa… chính mình. Sau khi thử nghiệm trên nhiều loại lá, hiện mới có lá bồ đề và lá phong đáp ứng được yêu cầu. Vì hai loại lá này có vân khá bền, sau khi loại bỏ “cơm lá”, vân còn lại dày, nên có thể tráng men để in ảnh rất đẹp.

 

Đầu ra của diệp ảnh hay thạch ảnh có thể là hàng mỹ nghệ, trang trí, hoặc là tác phẩm nghệ thuật. Bên cạnh những cửa hàng bán đồ lưu niệm đây đó, Lê Nguyên Vỹ vẫn âm thầm sáng tác trên chất liệu này, với ý định làm một triển lãm chân dung và phong cảnh. Cũng xin nói thêm, tại Việt Nam việc phát kiến ra một vật liệu hay một kỹ thuật thường ít được chú trọng, tại nhiều nước thì ngược lại, họ xem việc này cũng quan trọng như việc sáng tạo ra một tác phẩm thành công.

 

Từng thành công với việc in 1.000 chữ trên khoảng 4 cm2, Lê Nguyên Vỹ đã làm cho người xem ngạc nhiên khi thấy rõ mồn một các tác phẩm như Bình Ngô đại cáo, Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ văn, Tuyên ngôn độc lập… trên các viên sỏi nhỏ. Ông đang dần hoàn thiện để đưa những bản văn này lên lá, một xấp lá thì chẳng khác gì một quyển sách.

 

“Tôi đang tìm những loại lá có diện tích lớn hơn để in những chân dung mà tôi chụp; riêng những văn nghệ sĩ hoặc danh nhân đã mất, tôi sẽ xử lý hình tư liệu để làm nên tác phẩm mà bản thân thấy ưng ý. Tôi chỉ muốn nói rằng, một chiếc lá tưởng chừng như mong manh, dễ tiêu hủy, nếu cần, nó vẫn lưu giữ dài lâu hình ảnh của một ai đó; vẫn truyền lưu được những phiên bản tác phẩm kinh điển của Việt Nam và thế giới. Lá trong trường hợp này, cũng vững bền như đá”, Lê Nguyên Vỹ nói.

 

Một diệp ảnh chân dung tự họa.

 

Suốt đời “phá phách”

 

Sinh 1950 tại Đà Nẵng, có thể nói Lê Nguyên Vỹ dành phần lớn cuộc đời của mình cho việc tìm tòi, phá phách. Tại Đà Nẵng, ngay sau 1975, khi điều kiện kinh tế và thị trường còn rất khó khăn, ông đã là người đầu tiên làm da simili, yên xe đạp bọc da, làm cá hộp, khuôn đúc, in chữ lên bao nilon… Nếu gặp lúc “căn cơ” về sở hữu trí tuệ hay chuộng kỷ lục như ngày nay, Lê Nguyên Vỹ đã là chủ của hàng chục danh hiệu “người đầu tiên làm… ở Việt Nam”.

 

Nếu gặp thời, chắc ông đã là tỷ phú, chứ không phải là một nhạc sĩ nghèo như hiện nay. “Chỉ cần ai đó nói với tôi rằng tại Việt Nam chẳng ai làm được cái gì đó, rồi bỏ tiền ra đầu tư, tôi sẽ rất hứng thú và sống chết với nó. Đơn giản, vì tôi không thích làm mãi một điều gì; không thích làm cái gì giống thiên hạ; quan trọng hơn nữa, thay đổi để tự do là lẽ sống của tôi”, Lê Nguyên Vỹ cho biết.

 

Trước đây, khi cắt nghĩa về đam mê thạch ảnh, ông từng tâm sự: “Thay vì học một nghề gì đó, tôi đã bỏ gần trọn 18 năm để nghiên cứu phương pháp tạm ổn cho thạch ảnh. Bạn thử hình dung, người đàn ông với vợ và một bầy con, cứ lui hui suốt 18 năm mà không làm ra đồng bạc nào, nghiên cứu và nghiên cứu. Cuối cùng, làm kiếm được mỗi ngày chưa đầy trăm ngàn đồng; nhưng rồi cũng ổn, đâu có sao”. Lê Nguyên Vỹ từng mượn nợ, cầm nhà, bán xe máy để đeo đuổi những phát kiến này.

 

Vừa rồi, khi Lê Nguyên Vỹ vào Sài Gòn để tìm không gian và đối tác làm triển lãm vật liệu mới cho nghệ thuật. Gặp nhau, tôi hỏi điều gì chảy trong máu làm ông “điên” như vậy. Ông chân tình: “Chắc là âm nhạc, vì lúc nào trong đầu cũng có một tiết tấu nào đó, nó thúc giục mình phải tìm tòi không ngừng nghỉ. Và có lẽ, chắc cũng do một éo le thường tình. Tôi làm thơ, chụp ảnh, trang trí mỹ thuật… rồi thạch ảnh, diệp ảnh, tất cả đều là bá láp, theo nghĩa chẳng quan trọng gì. Thế mà vài thứ trong đó lại được nhiều người chú ý, xưng này gọi kia. Riêng với viết ca khúc, tôi muốn “làm thiệt” và tự thấy mình làm cũng không đến nỗi nào, thì chẳng mấy ai ngó đến…”.

 

Theo thethaovanhoa.vn

Nghệ sỹ nhiếp ảnh Mai Nam và những bức ảnh về Bác Hồ
Nghệ sỹ nhiếp ảnh Mai Nam và những bức ảnh về Bác Hồ

Đến với nghề nhiếp ảnh một cách tự nhiên, trong suốt cuộc đời cầm máy, ông đã có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Nhưng để lại ấn tượng sâu sắc với ông chính là những giây phút ông chụp những bức ảnh về Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN