Đại diện NXB Văn hóa - Văn nghệ TP Hồ Chí Minh cho biết, tác giả Hồ Yên Thục với cách viết khá lạ so với các dòng sách viết về nghề giáo, bên ngoài sôi nổi, hài hước nhưng ẩn sâu bên trong lại trầm ngâm, suy nghĩ về nghề nghiệp và giáo dục thời hiện đại.
““Nhật ký cô giáo - Học kỳ xuân” có thể xem là cuốn sổ ghi chép đầy ngẫu hứng của tác giả Hồ Yên Thục khi mỗi ngày “lên lớp” nếu không phải là một ngày “lên thẳng trên mây” thì hẳn là một ngày “tuột mood ngay xuống đất”. Sinh viên là nhân vật trung tâm của mẩu chuyện, nhưng xen lẫn vào lối dẫn chuyện khéo léo, sự sắp xếp các đoạn tự sự và hội thoại đa tuyến (nhân vật) lại chính là nỗi niềm của một nữ giảng viên đại học trẻ trung - đại diện cho nghề giáo - luôn tự rèn giũa mình (về tác phong lẫn kinh nghiệm) trong nghề nghiệp và đứng trước bộn bề lo toan cuộc sống, công việc”, vị đại diện này cho biết thêm.
Đọc “Nhật ký cô giáo - Học kỳ Xuân”, người đọc sẽ hiểu, có chí ít một nghề, mà chủ thể thực hiện nhiệm vụ và chủ thể được phụng sự/cung cấp dịch vụ, không được đi trễ, dù chỉ là vài phút, bởi ngay sau tiếng trống báo tiết, là giáo viên - giảng viên đã phải sẵn sàng triển khai chương trình đào tạo (syllabus). Ở đó, người nữ giảng viên vẫn đón nhận được sự chân thành từ các học viên của mình, những người anh chị đồng nghiệp có lúc chia sẻ những giải pháp nghề nghiệp cho cô đồng nghiệp trẻ còn hoang mang để bắt nhịp. Để rồi cảm xúc của cô giáo trẻ vỡ òa, thăng hoa, khi những anh chị bạn đồng nghiệp cùng với mình hoàn thành chương trình trồng người...