Hàng trăm câu chuyện, ảnh và hiện vật của các nhân chứng lịch sử trong chiến dịch Điện Biên năm xưa đã được lựa chọn và giới thiệu đến công chúng tại triển lãm “Ký ức Điện Biên”, khai mạc ngày 6/5 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, 36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.
Những mối tình đáng nhớ
Triển lãm “Ký ức Điện Biên” là những câu chuyện cảm động của các nữ dân công, nữ quân y, những người đã trực tiếp tải đạn, tải lương, cứu chữa, chăm sóc thương bệnh binh. Là ký ức của các nữ văn công, những người đã đem điệu múa, lời ca đến động viên khích lệ tinh thần chiến đấu của đồng bào và chiến sĩ ta trên mặt trận Điện Biên Phủ.
Nhưng đặc biệt nhất, ấn tượng nhất là câu chuyện về những mối tình giữa các chàng trai, cô gái - những chiến sỹ Điện Biên năm xưa đã đơm hoa kết trái từ trong khói lửa Điện Biên.
Các nữ chiến sỹ Điện Biên năm xưa thăm triển lãm. Ảnh: Mạnh Hà. |
Là con gái phố cổ Hà Nội, nhưng mới 16 tuổi, bà Ngô Thị Tuyết An đã vào bộ đội và đóng quân ở Thái Nguyên. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, bà An là y tá của Đội điều trị 2. Cũng chính nơi đây, bà đã gặp gỡ và yêu một chiến sỹ cùng đơn vị - ông Dương Đình Đạc - hiện nay là chồng của bà.
Bà Ngô Thị Tuyết An kể lại: Công tác trong cùng đơn vị, nên hai người có tình cảm và yêu nhau. Cuối năm 1953, Đội điều trị 2 dự kiến sẽ tổ chức đám cưới tập thể cho 5 cặp nam nữ, trong đó có cặp đôi Tuyết An - Đình Đạc. Nhưng gần đến ngày tổ chức, đơn vị xác định bà An thuộc thành phần gia đình tư sản dân tộc, chi bộ ra nghị quyết buộc họ không được tiếp tục quan hệ yêu đương. Vì hai người vẫn bí mật gặp nhau, nên ông Đạc bị chi bộ kỷ luật khai trừ lưu Đảng 6 tháng, chuyển sang Đội điều trị 1 để cắt đứt hoàn toàn mối liên hệ. Bị chia cắt, nhưng hai người vẫn một lòng một dạ yêu và chờ nhau. Cuối cùng, niềm tin và tình yêu của họ đã chiến thắng. 2 năm sau (năm 1955), khi cả hai người đang thực hiện nhiệm vụ trao trả tù binh, ông bà đã được tổ chức đám cưới tại Nghệ An. Hiện nay ông bà sống hạnh phúc cùng các con cháu của mình.
Cũng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, bà Lê Thị Bích Hoàn công tác tại Đội điều trị 2 đã gặp và yêu ông Vũ Trọng Kính, một đồng chí cùng đơn vị. Chiến dịch kết thúc, bà Hoàn làm nhiệm vụ chuyển thương từ Điện Biên về Sầm Sơn, Thanh Hóa. Khi đang trên đường đi từ Điện Biên đến Hát Lót (Sơn La) thì được lệnh về đơn vị nhận nhiệm vụ mới. “Tôi bàn giao công việc cho một đồng chí khác để nhận nhiệm vụ. Đến nơi, tôi vô cùng bất ngờ khi biết Thủ trưởng Tổng cục chính trị đứng ra tổ chức lễ cưới cho tôi và anh Vũ Trọng Kính, cùng với đám cưới cho đồng chí Phan Thanh Trà và đồng chí Bế Thị Trang. Lễ cưới có rất nhiều đơn vị tham dự, bánh quy là chiến lợi phẩm của địch. Không gì diễn tả được niềm vui, hạnh phúc của tôi khi được đi bên anh trong ngày toàn thắng” - bà Hoàn chia sẻ.
Lễ cưới trong hầm De Castries
Sinh ra trong một gia đình có dòng dõi quý tộc ở Thừa Thiên Huế, nhưng bà Nguyễn Phước Ngọc Toản lại sớm theo cách mạng. Năm 1950, bà Toản thi vào trường cấp III, sau đó thi đỗ trường Y, bà Toản học trường Đại học Y Khoa ở Việt Bắc.
Khi bà Toản đang theo học tại trường Đại học Y khoa, trong một lần, ông Cao Văn Khánh - khi đó là Đại đoàn phó Đại đoàn 308 đến thăm trường, hai người gặp nhau và tình yêu nảy nở sau đó.
Cuối năm 1953, Bộ tổng tư lệnh điều động Đại đoàn 308 lên Tây Bắc chuẩn bị mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Trước khi hành quân, ông Khánh đã lên gặp bà Toản ở Chiêm Hóa (Tuyên Quang). Lúc chia tay, ông bà cùng hẹn đến ngày chiến thắng sẽ làm hôn lễ tại gia đình. Sau đó bà Toản cũng ra mặt trận phục vụ chiến đấu ở đội điều trị 2 Cục Quân y.
Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, bà Ngọc Toản đi bộ từ Tuần Giáo đến Mường Thanh để làm nhiệm vụ phiên dịch cho việc trao trả một nữ tù binh Pháp (vì bà Toản rất giỏi tiếng Pháp). Tại đây bà đã gặp người yêu của mình. Giữa cảnh hoang tàn đổ nát của chiến trường, ông bà đã gặp nhau và quyết định tổ chức đám cưới tại đây.
Được sự đồng thuận của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đám cưới của ông bà được tổ chức vào ngày 22/5/1954, ngay trong hầm của tướng De Catries. “Đám cưới không có xe hoa, chỉ có xe tăng, hầm được trang trí bằng các tấm dù Pháp đủ màu, đủ chỗ cho gần 40 đại biểu. Trang phục cưới là bộ quân phục cũ màu cỏ úa, chúng tôi đi bên nhau dưới ánh đèn măng-sông, ngập tràn nụ cười và những lời chúc phúc trong niềm vui thắng trận” – bà Toản kể lại.
Còn rất nhiều câu chuyện xúc động về tình yêu được “kể” trong triển lãm “Ký ức Điện Biên”. Như chuyện tình của chàng trai Hà Nội Phan Thanh Trà với cô gái Tày Bế Thị Trang, chuyện tình của bà Ngô Thị Thái Nghiêm, y tá Đội điều trị 6 với một đồng chí cùng đơn vị… Những câu chuyện tình đó đã nảy nở từ trong khỏi lửa chiến tranh, đã đơm hoa, kết trái - tạo thành sức mạnh tinh thần to lớn, góp phần vào chiến thắng chung vĩ đại của dân tộc.
Phương Lan