Phát huy giá trị bộ mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm cho mai sau

Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang Nguyễn Thế Chính cho biết, Bộ Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm với 3.050 đơn vị ván khắc (tương đương 34 đầu sách kinh Phật) được lập hồ sơ, đưa ra đề cử, trình bày lần này đã thuyết phục được 100% số phiếu ủng hộ của đại biểu các nước có mặt (có tổng cộng 14 nước thì 10 nước có mặt, theo quy định thì nước có hồ sơ tham gia không được bỏ phiếu).


Trước đây Việt Nam đã từng đệ trình Mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm lên UNESCO nhưng chưa được, vì phải làm rõ Mộc bản kinh Phật của chùa Vĩnh Nghiêm có gì khác so với Trung Quốc, Ấn Độ (mặc dù tư tưởng Phật giáo là giống nhau). Theo Giám đốc Nguyễn Thế Chính, tính xác thực của Bộ mộc bản thì đã rõ, vì ở các ván khắc tương ứng với trang đầu hay trang cuối đều cho biết chính xác thời gian chế tác, người san khắc, địa điểm lưu giữ, bảo quản của mỗi bộ ván khắc.


Tuy vậy, Bộ Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm có những giá trị tư liệu độc đáo và giàu ý nghĩa nhân văn thể hiện ở chỗ: Thiền phái Trúc Lâm do Trần Nhân Tông - một hoàng đế đi tu sáng lập và là Phật phái riêng biệt đầu tiên của Việt Nam, trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc Phật giáo của Ấn Độ và Trung Quốc. Bộ mộc bản không chỉ được khắc bằng chữ Hán mà còn bằng chữ Nôm (loại văn tự của riêng người Việt Nam ra đời từ thế kỷ 11). Nghiên cứu Bộ mộc bản, chúng ta có lượng thông tin phong phú, đa dạng về lịch sử Phật giáo, tư tưởng hành đạo, nhập thế của thiền phái Trúc Lâm, văn học, phong tục tập quán cùng sự phát triển của nghề khắc in mộc thư và nghệ thuật chạm khắc gỗ của Việt Nam.


 

Mộc bản kinh phật chùa Vĩnh Nghiêm. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN



Các Bộ mộc bản chủ yếu ghi chép kinh luật nhà Phật, lịch sử hình thành và phát triển thiền phái Trúc Lâm, trước tác của 3 vị tổ thiền phái là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang; ngoài ra còn có các tác phẩm thơ, phú, nhật ký của Mạc Đĩnh Chi và một số vị cao tăng... mà những cái này ở Bộ Mộc bản kinh Phật các nước khác không có. Hơn nữa, thiền viện mang đặc trưng tư tưởng Thiền phái Trúc Lâm hiện nay phát triển mạnh mẽ và có ảnh hưởng sâu rộng đến phật tử ở nhiều nước chứ không phải chỉ riêng Việt Nam.


Phật tử và nhà tu hành không chỉ là người Việt ở nước ngoài mà còn thu hút đông đảo tăng, ni, Phật tử là người các nước sở tại. Nhiều người nước ngoài đã học tập chữ Nôm để nghiên cứu, khai thác kho tàng thơ văn chữ Nôm thời trung đại Việt Nam để giới thiệu rộng rãi văn hóa Việt Nam ra thế giới. Qua nghiên cứu các tác phẩm của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du mà tổ chức UNESCO đã vinh danh Nguyễn Trãi, Nguyễn Du của Việt Nam là Danh nhân văn hóa thế giới.


"Vui mừng lắm nhưng cũng lo lắng lắm, còn nhiều vấn đề khó khăn chứ không phải chuyện đơn giản", Giám đốc Nguyễn Thế Chính chia sẻ. Bình thường, chỉ là những miếng gỗ nhưng khi Bộ mộc bản trở thành Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có giá trị rồi thì rất dễ bị trộm cắp. Vì vậy, công tác quản lý, bảo quản, gìn giữ sao cho tốt và an toàn được đặt lên hàng đầu, tiếp đó là phát huy tối đa giá trị bộ mộc bản như thế nào để không chỉ cho hiện tại mà còn cho những thế mai sau. Về vấn đề này, cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải có kế hoạch cụ thể, đồng thời nghiên cứu mô hình, cách thức bảo quản của các nước và mộc bản triều Nguyễn, đồng thời phát huy tối đa giá trị to lớn của bộ mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm.


Bà Lê Thị Huyền, Phó Ban Văn hoá Xã hội của HĐND tỉnh Bắc Giang cho biết, không phải khi trở thành Di sản ký ức khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Bộ Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm mới có giá trị. Từ nhiều năm trước, những người làm quản lý văn hoá ở Bắc Giang đã nhìn nhận ra giá trị vô giá của Bộ mộc bản, coi đó như là báu vật của quốc gia. Vì vậy, cơ quan quản lý văn hoá tỉnh Bắc Giang đã tiến hành kiểm kê, lưu trữ, số hoá các mộc bản và tiến hành nghiên cứu. Trong quá trình dịch, Bộ mộc bản này cũng thu hút được sự chú ý và quan tâm của nhiều nhà khoa học bởi sự độc đáo và giá trị vô cùng.


Theo bà Lê Thị Huyền, cơ quan quản lý nhà nước về văn hoá cần phải có kế hoạch dịch và in ấn nội dung Bộ Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm ra tiếng Việt và nhiều thứ tiếng khác nữa để nhiều người biết, nhiều người đọc. Từ đó, giá trị của Bộ Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm mới được lan toả ra nhiều nước trên thế giới.


Xuân Tùng

 

Mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm: Giá trị vượt thời gian
Mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm: Giá trị vượt thời gian

Mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) vừa được UNESCO vinh danh, công nhận là di sản ký ức thế giới khu vực châu Á- Thái Bình Dương năm 2012. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để bảo tồn và phát huy giá trị công trình văn hóa đó cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN