Nhiều tiềm năng
Thừa Thiên - Huế đang gìn giữ kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng với 8 di sản được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới; gần 1.000 di tích, 500 lễ hội, hàng chục làng nghề tuyền thống, 1.700 món ăn... Đây là nguồn lực và tiềm năng thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững thông qua các hoạt động văn hóa và du lịch. Không chỉ dừng lại ở việc bán vé tham quan đơn thuần ở các di tích, tỉnh chú trọng phát triển sản phẩm du lịch đa dạng, đem đến cho du khách nhiều trải nghiệm mới và cả nguồn thu từ di sản.
Gần đây, không gian Đại Nam Thái Y Đường (thành phố Huế) đã phục vụ lưu trú, chăm sóc sức khỏe, khám bệnh trên cơ sở tái hiện lại mô hình Thái Y viện Triều Nguyễn, thu hút đông đảo du khách tham quan, trải nghiệm. Thái Y viện được thành lập vào năm 1804, dưới thời vua Gia Long, thực hiện khám, chữa bệnh cho hoàng tộc Triều Nguyễn và lưu giữ bài thuốc, kiến thức y học cung đình. Việc phục dựng không gian di sản này đã góp phần làm sống lại các giá trị y học truyền thống, tăng nguồn thu từ du lịch chăm sóc sức khỏe.
Chị Đặng Thị Bích đến từ Bình Dương chia sẻ, du khách đến đây được các lương y thăm khám, chẩn mạch, tham gia trị liệu, dùng các bài thuốc cổ truyền, giới thiệu về tinh hoa của y học cung đình; quy trình bào chế thuốc… Ngoài ra, du khách có thể mua các sản phẩm được bào chế từ bài thuốc cung đình về làm quà.
Thừa Thiên - Huế là địa phương đầu tiên của Việt Nam sáng tạo hình thái lễ hội đương đại và xây dựng thành công thương hiệu “Festival Huế” trên nền tảng văn hóa, di sản. Trải qua 24 năm với 12 kỳ tổ chức, Festival Huế là nơi hội tụ, giao thoa các nền văn hóa đặc sắc trên thế giới, kết nối đầu tư, tạo ra những sản phẩm du lịch đặc sắc thu hút du khách. Các chương trình, hoạt động trong Festival Huế không chỉ chú trọng đến nội dung, chất lượng mà dần được xã hội hóa. Festival Huế đã được thay đổi thành chuỗi các lễ hội quanh năm theo hình thức 4 mùa, góp phần phát huy giá trị di sản văn hóa của vùng đất Cố đô, tạo động lực kích cầu du lịch, phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ tính riêng “Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024” diễn ra từ ngày 7 - 12/6, đã thu hút khoảng 101.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm, trong đó 20% là khách quốc tế; doanh thu du lịch đạt 159 tỷ đồng. Công suất bình quân ở các khách sạn đạt 70%.
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết, phát triển kinh tế từ di sản không chỉ mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp mà còn góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử. Các mô hình khai thác Thái y Viện, Festival văn hóa, du lịch trải nghiệm trên thượng thành,… đã chứng minh tiềm năng lớn của di sản Huế trong việc xây dựng nền kinh tế bền vững. Bên cạnh đó, sự đa dạng của các di sản vật thể và phi vật thể đã được UNESCO công nhận cũng tạo nền tảng vững chắc để Huế phát triển thành một thành phố Festival đẳng cấp quốc tế, nâng cao vị thế của trên trường quốc tế và tạo cơ hội phát triển từ hoạt động văn hóa và du lịch.
Lợi thế vượt trội của Huế nằm ở sự đa dạng, tính liên kết của các di sản vật thể và phi vật thể, mở ra cơ hội phát triển các mô hình du lịch trải nghiệm đa chiều, kết hợp giữa tham quan, thưởng thức nghệ thuật, học hỏi lịch sử; tạo cơ hội phát triển công nghiệp văn hóa, sáng tạo độc đáo. Năm 2024, Thừa Thiên - Huế đón khoảng 4 triệu lượt khách du lịch, tổng thu ước đạt 8.500 tỷ đồng. Trong đó, các di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế đón hơn 2,5 triệu lượt khách; tổng doanh thu bán vé tham quan đạt hơn 1 tỷ đồng (tính đến hết ngày 20/11/2024).
Khai thác bền vững nguồn tài nguyên di sản
Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung, trong quy hoạch về di tích, hệ thống di sản Cố đô Huế có 30 giá trị nhận diện di sản thuộc 4 loại gồm: Giá trị văn hóa, lịch sử, con người xứ Huế; giá trị kiến trúc nghệ thuật với các cung điện, đền đài, lăng tẩm triều Nguyễn cùng các công trình kiến trúc độc đáo. Cùng với đó là giá trị sinh thái, cảnh quan và vị thế với sông, đồi núi và hệ thống cây xanh đặc trưng; giá trị xã hội thông qua các lễ hội, phong tục, tập quán, đời sống cộng đồng đậm chất văn hóa.
Thời gian qua, tỉnh đã tiên phong áp dụng công nghệ số để phát huy giá trị di sản, mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, văn hóa. Điển hình như Scan dữ liệu 3D các công trình, di sản quan trọng để lưu trữ dữ liệu, tái hiện trong môi trường số; định danh số cho cổ vật; ứng dụng Bảo tàng số và 3D mapping để tổ chức các buổi trình diễn ánh sáng và hoạt động tương tác trên nền tảng di sản. Tỉnh cũng xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu di sản, khai thác dịch vụ thực tế ảo và thực tế tăng cường tái hiện các công trình đã mất, mang đến cho du khách cơ hội khám phá di sản theo cách hoàn toàn mới. Ông Hoàng Việt Trung cho rằng, kinh tế di sản sẽ đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng và phát triển Huế trở thành một thành phố hiện đại, bền vững trong tương lai, biến giá trị văn hóa lịch sử thành giá trị kinh tế để nuôi sống lại di sản, thúc đẩy công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
Tiềm năng di sản văn hóa giúp Huế nâng tầm thương hiệu “Một điểm đến - 8 di sản” cũng như vị thế là thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”, “Thành phố văn hóa ASEAN”, “Thành phố bền vững môi trường ASEAN”, “Thành phố Xanh quốc gia”. Kho di sản cũng chính là “mỏ vàng”, đem lại lợi ích kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân nếu biết gìn giữ và khai thác đúng mức.
Huế xác định trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”. Vì vậy, một thách thức đặt ra trong quá trình phát triển là mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển di sản.
Trong hành trình tìm kiếm mô hình phát triển bền vững, Huế đẩy mạnh kêu gọi đầu tư để phát triển kinh tế, kiên định mục tiêu phát triển gắn với giữ gìn cảnh quan môi trường và bảo tồn các giá trị di sản, văn hóa. Địa phương luôn quan tâm đầu tư trùng tu, bảo tồn di tích Cố Đô Huế, di tích lịch sử văn hóa; tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống; tăng cường hợp tác quốc tế và chuyên gia để áp dụng các phương pháp bảo tồn tiên tiến. Tỉnh chú trọng phát triển ngành công nghiệp văn hóa nhằm thu hút khách du lịch mà không làm tổn hại đến các di sản; nâng cao ý thức của người dân về tầm quan trọng của di sản và cách thức bảo tồn.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, Huế định hướng phát triển kinh tế di sản gắn với du lịch và công nghiệp văn hóa; xây dựng nền tảng kinh tế của thành phố dựa trên 3 trụ cột (kinh tế du lịch, kinh tế di sản, kinh tế tuần hoàn); phát huy giá trị di sản bằng du lịch văn hóa, cảnh quan, đô thị và sinh thái. Tỉnh quy hoạch không gian để mỗi di sản trở thành hạt nhân tạo động lực phát triển.
Thời gian tới, tỉnh ưu tiên mọi nguồn lực đầu tư cho mục tiêu bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị di sản cố đô, bản sắc văn hóa Huế - con người Huế một cách bền vững, theo hướng “bảo tồn đi liền với phát triển”; khai thác các giá trị văn hóa, di sản để phát triển du lịch, dịch vụ. Tỉnh ưu tiên nguồn lực địa phương và huy động nguồn lực xã hội hóa thực hiện bảo tồn di sản, công nghiệp văn hóa, tổ chức các lễ hội, sự kiện văn hóa nghệ thuật có quy mô tầm cỡ quốc gia và quốc tế; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa.