Lo ngại về việc văn hóa đọc đang mai một, thậm chí mất đi trong cộng đồng; dự thảo đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2015-2020, định hướng 2030” đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng trong thời gian qua. Và ngày 28/7, cuộc hội thảo lấy ý kiến các bộ, ngành, cơ quan liên quan góp ý cho dự thảo đề án được Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) tổ chức tại Thư viện Hà Nội. Đây được xem là một tín hiệu đáng mừng cho việc xây dựng văn hóa đọc tại Việt Nam.
Quyết tâm vào cuộcMục tiêu mà dự thảo đề án tập trung là phát triển văn hóa đọc, nhằm tiếp thu tri thức nhân loại, làm giàu thêm vốn tri thức của dân tộc và con người Việt Nam. Bên cạnh đó, sẽ điều chỉnh các biểu hiện lệch lạc, hình thành thị hiếu lành mạnh, góp phần xây dựng con người có nhân cách, có tri thức, kỹ năng sống. Các cơ quan nhà nước, cơ sở đào tạo, thư viện và gia đình có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để người dân đọc sách, xây dựng môi trường đọc thân thiện...
Cần xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng. |
Dự thảo cũng đưa ra những chỉ tiêu chung, chỉ tiêu cụ thể cho từng giai đoạn, từng nội dung. Trong đó chỉ tiêu chung là nâng tỷ lệ người đọc thường xuyên từ 30% (hiện nay) lên 40% vào năm 2015 và 65% vào năm 2020; giảm tỷ lệ số người hoàn toàn không đọc từ 26% xuống còn 20% vào năm 2015 và 15% vào năm 2020. Bên cạnh đó là những chỉ tiêu cụ thể như đến năm 2020, 95% thư viện cấp tỉnh có trụ sở độc lập, trang thiết bị hiện đại và 50% số thư viện cấp huyện có điều kiện tương tự; 30% gia đình có tủ sách… Dự thảo cũng đưa ra những tỷ lệ như số phương tiện truyền thông phải có chuyên mục giới thiệu sách, việc biên soạn tài liệu hướng dẫn đọc; sự phối hợp giữa các ngành liên quan để tăng cường văn hóa đọc… như đến năm 2020, phấn đấu 100% các phương tiện truyền thông đại chúng ở Trung ương và địa phương có chuyên mục giới thiệu sách; 100% địa phương có chương trình phối hợp giữa ngành giáo dục, đào tạo và ngành văn hóa, thể thao và du lịch trong việc tuyên truyền giới thiệu sách cũng như các hoạt động liên quan đến phát triển văn hóa đọc trong nhà trường.
Đặc biệt, dự thảo hướng đến mục tiêu chung là hình thành thói quen đọc, để việc đọc trở thành nề nếp trong cuộc sống, học tập, lao động, sản xuất của người dân, mà trước hết là học sinh, sinh viên. Trong đó phấn đấu đến năm 2020, 70% các trường phổ thông các cấp, 100% các trường đại học đưa việc giáo dục kiến thức về sách, về thông tin, kỹ năng đọc, kỹ năng tìm thông tin, sử dụng thư viện trong học tập vào chương trình giảng dạy của nhà trường; 70% số học sinh, 80% số sinh viên trường có thói quen đọc và sử dụng thư viện phục vụ cho học tập, tìm hiểu, giải trí.
Thành phần biên soạn của dự thảo gồm Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo Vụ Thư viện, đại diện Thư viện Quốc gia Việt Nam, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo; đại diện các hội nghề nghiệp như Hội Xuất bản, Hội Thư viện Việt Nam, Hội Khuyến học; đại diện thư viện công cộng cấp tỉnh; đại diện thư viện cơ sở giáo dục và chuyên gia… điều này cho thấy sự toàn diện của dự thảo; cũng như sự quyết tâm dốc toàn lực để vực văn hóa đọc lên, đại diện Bộ VH,TT &DL cho biết.
Chuyển biến nhận thứcMột trong những nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên trong dự thảo đề án là tạo sự chuyển biến về nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể và dư luận xã hội về văn hóa đọc; qua đó để phát triển văn hóa đọc trong xã hội. Cụ thể, để nâng cao văn hóa đọc cho nhân dân cần có sự chung tay của toàn xã hội. Về phía Nhà nước cần tăng cường đầu tư cho hệ thống thư viện để hình thành môi trường đọc hiện đại, với nhiều tài liệu phong phú có khả năng đáp ứng nhu cầu đọc của nhiều đối tượng đọc khác nhau cũng như khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển văn hóa đọc. Về phía các nhà xuất bản, cần phát hành những cuốn sách hay, chất lượng, có giá trị khoa học, nhân văn cao, có khả năng hấp dẫn với bạn đọc, tránh chạy theo lợi nhuận hoặc theo thị hiếu của thị trường…
“Riêng hệ thống thư viện, cần tăng cường hơn nữa phương thức phục vụ bạn đọc, giới thiệu sách, quảng bá nguồn lực, các sản phẩm cũng như dịch vụ của mình đến với bạn đọc. Về phía nhà trường, các thầy cô giáo cần quan tâm đến việc đọc sách của học sinh, sinh viên. Trong gia đình, cha mẹ chú ý đến việc đọc sách của con cái và xây dựng tủ sách riêng”, đại diện Bộ VH, TT &DL chia sẻ.