Độ dài nghìn tập của bộ phim “Cô dâu 8 tuổi” của Ấn Độ đang phát sóng tại Việt Nam đã làm dấy lên làn sóng tranh cãi về những bộ phim dài kỳ (Soap opera), và sức thu hút của chúng với khán giả màn ảnh nhỏ.
Tuy có số lượng phát sóng gần 2.000 tập, “Cô dâu 8 tuổi” chưa phải là bộ phim dài nhất trong lịch sử Soap opera, hay còn gọi là phim “xà phòng”. Phim đạt kỷ lục Guinness về độ dài thuộc về “Guiding Light” của Mỹ với tổng cộng 15.700 tập. “Guiding Light” tiền thân là một vở kịch được phát thanh từ năm 1937. Tới năm 1952, bộ phim về gia đình này được chuyển thể thành kịch bản truyền hình và thu hút khán giả Mỹ nhiều thế hệ khi phát sóng. Đứng ở tốp hai cũng là loạt phim truyền hình về gia đình của Mỹ như “As the World Turns” (13.858 tập), “Days of our lives”(12.000 tập), “One Life to Live” (hơn 11.000 tập).
Hai diễn viên nhí của phim “Cô dâu 8 tuổi” dài gần 2.000 tập của Ấn Độ. |
Ngoài ra, nhiều phim dài kỳ khác cũng có số lượng phát sóng “khủng” nhưng chưa hề có dấu hiệu kết thúc như “The Young and the Restless” của Mỹ (hơn 10.000 tập), “Neighbours” của Australia (gần 7.000 tập), “Un Posto Al Sole” của Italy (4.000 tập)...
Với thời gian phát sóng kéo dài năm này qua năm khác, bất chấp nhiều loại hình nghệ thuật hấp dẫn mới ra đời, không thể phủ nhận Soap opera vẫn thu hút một số lượng nhất định khán giả say mê theo dõi.
Tại sao Soap opera lại được yêu thích đến vậy? Theo giới phê bình, lý do hàng đầu là bởi những bộ phim này xoay quanh đời sống thường nhật của những con người bình thường, sống trong một cộng đồng nhỏ. Việc Soap opera tập trung vào những sự kiện địa phương cho phép biên kịch tạo ra một kịch bản phức tạp, với 5 hay 6 tuyến nhân vật chồng chéo nhau. Do các câu chuyện thường tập trung vào những mối quan hệ cá nhân và gia đình, người xem dễ dàng thấy chính mình trong đó và đồng cảm với các nhân vật. Một số khán giả yêu thích Soap opera còn cảm thấy các nhân vật trong phim như những người bạn thực sự hay gia đình của mình. “Cô dâu 8 tuổi”, với nội dung phim nói về cuộc sống ngang trái mà nàng dâu bé nhỏ phải chịu đựng hàng ngày khiến khán giả thương cảm, là một ví dụ.
Xuất hiện trên màn ảnh nhỏ tròn 30 năm, “Neighbours” của truyền hình Australia cũng có mô típ đơn giản xoay quanh cuộc sống gia đình, trường học, chuyện tình yêu. Khán giả như sống cùng bộ phim với những cảm xúc gần gũi của quan hệ gia đình, bạn bè, hay trải qua những giây phút phải suy nghĩ về những vấn đề của xã hội như thất nghiệp, buôn bán ma túy, trộm cướp... Lúc đó, người xem không chỉ dõi theo, mà còn quan tâm đến cách giải quyết khó khăn trong cuộc sống của nhân vật và các vấn đề cần sự chung tay giải quyết của xã hội. Nhờ vậy, theo Tiến sĩ Garth Japhet, người sáng lập ra “Soul city” - Trung tâm sử dụng Giải trí - Giáo dục trong công tác thay đổi xã hội ở Nam Phi, “Soap opera có thể là chất xúc tác thực cho sự thay đổi của xã hội”.
Nhiều khán giả của Soap opera viết thư cho những nhân vật yêu thích, cho họ lời khuyên trước tình huống khó khăn, và đôi khi bắt chước theo phong cách ăn mặc và hành xử của nhân vật trong phim. Nếu một nhân vật yêu thích nào đó bị đối xử không công bằng, người xem sẽ có những phản ứng dữ dội. Điển hình trong Soap opera “Coronation Street” được yêu thích nhất nhì “xứ sở sương mù” phát sóng từ năm 1960, khi Deirde Barlow (nữ diễn viên Anne Kirkbride thủ vai) bị tuyên án tù oan, khán giả Anh thậm chí tiến hành một chiến dịch quy mô quốc gia nhằm trả tự do cho nhân vật đó.
Ngoài những hỉ nộ ái ố, Soap opera còn lôi kéo người xem tới trước màn hình bằng những phút giây thư giãn nhẹ nhàng và không đòi hỏi tập trung cao mới theo được mạch phim. Đó là do kịch bản phim có sự kết nối chặt chẽ giữa các tập phim mới với các sự kiện cũ, và mỗi tuyến truyện phim cần nhiều thời gian phát triển hoặc để ngỏ nhằm kéo dài thêm.
Một lý do quan trọng nữa khiến Soap opera thu hút số lượng lớn khán giả là việc sử dụng công nghệ “gay cấn tới phút cuối cùng” (cliffhanger ending). Điều này có nghĩa mỗi tập phim thường có kết thúc mở, trong đó nhân vật rơi vào tình thế khó khăn để kích thích sự hồi hộp của khán giả. Kết thúc này gần như đảm bảo chắc chắn rằng hàng nghìn khán giả sẽ chờ đợi xem tập tiếp theo.
Giám đốc sản xuất của “The Young and the Restless” chiếu trên kênh CBS (Mỹ), Maria Arena Bell, cho hay: “Trước đây các bộ phim dài kỳ chiếu từ thứ Hai tới thứ Sáu, các tình tiết phim phát triển chậm trong cả tuần, và vào thứ Sáu phải có một kết thúc mở để thu hút sự chú ý. Tôi vẫn hướng tới mô hình thứ Sáu như vậy, nhưng phương châm của tôi là ngày nào cũng phải là thứ Sáu”.
Còn rất nhiều yếu tố khác tạo nên một Soap opera thành công. Trên màn ảnh, một bộ phim hay đòi hỏi có các nhân vật mang dáng dấp của những con người thực trong đời sống và những tuyến truyện thuyết phục, đề cập những vấn đề chung của xã hội. Đằng sau đó, Soap opera cũng cần có những biên kịch, nhà sản xuất tài năng và nguồn tài chính dồi dào. Quan trọng nhất, sự thành công của bất kỳ một Soap opera không thể thiếu yếu tố may mắn là sự yêu mến của khán giả.