Phim tài liệu Việt Nam - cần nhiều nỗ lực để hội nhập

Phim tài liệu Việt Nam đang ở vị trí tương đối thấp so thế giới, chúng ta vẫn làm theo cách truyền thống, giống như những năm 1960 - 1970, trong khi hiện nay trên thế giới và các nước khác đã có rất nhiều cách làm phim, họ đã phát triển rất xa so với chúng ta. Để phim Việt Nam hội nhập và theo kịp thế giới, cần phải thay đổi cả hệ thống, từ thay đổi tư duy, cách tiếp cận đề tài và cả cách kiểm duyệt cũng như chấp nhận đề tài.

Đánh giá về vị thế của phim tài liệu Việt Nam trong khu vực và quốc tế, bà Phạm Thị Tuyết, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Hãng phim tài liệu khoa học Trung ương cho rằng, rất khó để có thể đưa ra sự so sánh một cách chính xác, vì các bạn khác chúng ta nhiều về cơ chế quản lý tác phẩm, về tài chính, khác nhau về văn hóa, cách biểu đạt tác phẩm... Tuy nhiên, bà Tuyết cũng thừa nhận, trải qua 6 kỳ liên hoan phim quốc tế, chúng ta còn nhiều bộ phim cần phải rút kinh nghiệm về cách thể hiện, thời lượng phim và phải cố gắng nhiều mới có thể theo kịp ngôn ngữ điện ảnh thế giới, song cũng có nhiều bộ phim sâu sắc rất đáng tự hào như phim “Còn lại với thời gian”, “Giọt nước giữa đại dương”, “Gieo chữ trên mây”... được đánh giá tốt, sâu sắc, dung dị, phù hợp văn hóa Việt Nam.

Cảnh trong phim “Giai điệu quê hương”, một trong 2 phim chiếu khai mạc liên hoan phim.


Một đạo diễn phim tài liệu Việt Nam đã chia sẻ, phim tài liệu chúng ta đang đứng ở vị thế khá thấp và còn xa mới theo kịp được với thế giới. Đạo diễn này cho biết, phim tài liệu Việt Nam và các đạo diễn Việt Nam thường đi lại lối mòn xưa, tiếp cận vấn đề một cách sáo mòn, cách kể chuyện rườm rà, nhàm chán và hết sức giáo điều. Những câu chuyện với cách kể còn hết sức ngô nghê, nặng về lời bình, thiếu phá cách, thiếu ngôn ngữ sáng tạo, và thiếu táo bạo, thiếu quyết liệt khi đi tìm những đề tài hay, không dám từ bỏ một con đường cũ để bước sang một con đường khác... Trong khi đó, trên thế giới, họ không chỉ hơn ta về công nghệ hiện đại, mà về cách nhìn nhận, cách kể chuyện của họ cũng khác mình rất nhiều.

Ví như bộ phim “Họp lớp” của đạo diễn Anna Odell (Thụy Điển), sẽ được giới thiệu trong liên hoan phim lần này có cách kể chuyện nửa phim truyện, nửa phim tài liệu. Đây là cách “truyện hóa” phim tài liệu mà ở nước ngoài đã làm rất nhiều, nhưng ở ta lại chưa chấp nhận, mà cứ phải theo mô típ cũ. Hoặc phim về các nhà khoa học, họ có người đóng diễn, mà ở ta thì không làm thế, chỉ kể chuyện mà thôi... Để phim tài liệu Việt Nam hội nhập với thế giới, theo đạo diễn này, cần phải thay đổi từ tư duy, cách tiếp cận, thể hiện để tài, thậm chí cả cách thức kiểm duyệt phim nữa... Bởi vậy, chắc còn cần một thời gian dài và rất nhiều nỗ lực nữa để phim tài liệu Việt Nam có thể hội nhập quốc tế.

Tuy hầu hết phim tài liệu vẫn đi theo lối mòn truyền thống, nhưng Việt Nam cũng đã bắt đầu xuất hiện những cách tiếp cận hiện thực mới, cách kể chuyện mới của các nhà làm phim trẻ, chủ yếu là các nhà làm phim độc lập như phim “Mặt trời đen” của Trương Quế Chi, đoạt giải tại Liên hoan phim ngắn quốc tế Oberhausen - Ðức, “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm (đoạt giải “Special Mention” tại Liên hoan phim tài liệu Ðông Nam Á ChopShots 2014 ở Jakarta, Indonesia), “Căn phòng của mẹ” của đạo diễn Síu Phạm, giải thưởng Best Unique Vision (Tầm nhìn độc đáo nhất) trong Liên hoan phim nữ hoàng thế giới tại New York (Mỹ) năm 2014... Đây là những bộ phim mà các nhà làm phim trẻ của chúng ta đã sẵn sàng đi xa khỏi cách làm phim tài liệu thông thường ở Việt Nam, và đã thành công.

Nhiều nhà làm phim tài liệu có kinh nghiệm cho rằng, một trong những cách để hội nhập với thế giới là việc thường xuyên tổ chức các liên hoan phim tài liệu quốc tế, đồng thời đưa phim Việt ra nước ngoài để cọ xát thực tế, đưa phim Việt ra ngoài thế giới. Tuy nhiên, để phim Việt có thể hội nhập được, cần hội đủ nhiều yếu tố. Theo bà Phạm Thị Tuyết, để đưa phim tài liệu Việt ra thế giới, bên cạnh vấn đề đề tài, cách thể hiện đề tài, chất lượng phim... tổ chức các liên hoan phim quốc tế tại Việt Nam, cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần phải chú trọng đến việc đưa phim tài liệu Việt tham dự các kỳ liên hoan phim quốc tế. Nhưng điều đầu tiên và quan trọng nhất là những nhà làm phim tài liệu Việt phải học cách tư duy, phải tiếp cận nhiều hơn với xu hướng thế giới. Ngoài nội dung, cần quan tâm đến cách làm phim, cách biểu đạt làm sao để người xem hiểu và tiếp cận vấn đề của mình một cách nhẹ nhàng, không khô khan, căng thẳng...
Phương Hà
Phim tài liệu - cầu nối văn hóa các nước
Phim tài liệu - cầu nối văn hóa các nước

Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 7 đang diễn ra tại Việt Nam là một cuộc đối thoại sôi nổi về phim tài liệu giữa Châu Âu và Việt Nam. Đây chính là cầu nối để người xem có thể đi tới những nền văn hóa khác một cách dễ nhất và nhanh nhất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN