Pháp giới thiệu phim tài liệu về lính thợ Việt Nam

Theo sáng kiến của Nhóm nghị sĩ hữu nghị Pháp-Việt và dưới sự bảo trợ của Chủ tịch Quốc hội Pháp Claude Bartolone, tối 5/5, Quốc hội Pháp đã tổ chức ra mắt bộ phim tài liệu "Gạo đắng" của đạo diễn Alain Lewkowicz.

Báo chí địa phương Pháp đưa tin về lao động Việt Nam trồng lúa trong Chiến tranh Thế giới thứ hai và phải làm việc vất vả như nô lệ.


Bộ phim nói về những người nông dân Việt Nam phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt trên các cánh đồng lúa ở vùng Camargue, miền nam nước Pháp, và sự lãng quên của nước Pháp đối với đóng góp của những lao động này vào sự phát triển của địa phương.

Phóng viên TTXVN tại Pháp đưa tin, phát biểu trước buổi chiếu, ông Pascal Deghilhem, Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Pháp-Việt, cho biết Quốc hội Pháp vinh dự được tổ chức trình chiếu bộ phim và việc làm này nhằm góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị giữa hai nước Pháp và Việt Nam, giữa quốc hội hai nước đồng thời cũng nhằm chia sẻ những ký ức chung giữa hai dân tộc.

Bộ phim được xây dựng dựa trên cuốn sách "Di cư cưỡng bức: Lính thợ Đông Dương tại Pháp" (1939-1952) của học giả-nhà báo người Pháp Pierre Daum, nói về 20.000 lao động Đông Dương mà tuyệt đại bộ phận là người Việt Nam, đã bị chính quyền thực dân đưa sang Pháp vào năm 1939 để lao động thay cho thanh niên Pháp bị động viên ra chiến trường.

Sau 3 tháng lênh đênh trên biển, họ vừa cập bến cảng Marseille là bị tống ngay vào nhà tù Baumettes trước khi được tổ chức thành các đại đội để đưa đến làm việc trong các binh xưởng, đặc biệt là các xưởng sản xuất thuốc súng. Từ thân phận người nông dân, họ bỗng trở thành công nhân trong các binh xưởng hay nói cách khác là "lính thợ".

Sau khi nước Pháp thất trận trước quân đội Đức quốc xã năm 1940, các xưởng sản xuất vũ khí bị đóng cửa, các lao động Đông Dương bị kẹt lại tại Pháp do chiến tranh và bị đưa xuống các vùng miền nam nước Pháp làm việc đồng áng, trên các ruộng muối hay làm các công việc tạp vụ. Họ buộc phải lao động cật lực song bị đối xử thậm tệ giống như các tù nhân hay nô lệ.

Trong cuộc di cư cưỡng bức đó, một bộ phận trong số họ đã phát triển nghề trồng lúa tại các vùng lân cận thành phố Marseille như Camargue và biến vùng đất này thành vùng chuyên canh lúa nổi tiếng của nước Pháp. Tuy nhiên, sự lao động vất vả và hy sinh thầm lặng của những người nông dân Việt Nam đã không được chính quyền Pháp lúc đó công nhận và bị rơi vào quên lãng sau chiến tranh.

Trao đổi bên lề buổi chiếu, ông Pascal Deghilhem cho biết Nhóm nghị sĩ hữu nghị Pháp-Việt đang nỗ lực vận động để Nhà nước Pháp công nhận quyền lợi của những lao động Việt Nam đã bị ép buộc sang Pháp trước đây và Quốc hội Pháp cũng là một bên có trách nhiệm trong việc khôi phục các quyền lợi này.

Còn học giả-nhà báo Pierre Daum thì cho biết qua bộ phim này, ông muốn công chúng hiểu biết thêm về một trang đen tối trong lịch sử của chế độ thực dân trước đây cũng như những nỗi thống khổ mà chế độ đó đã gây ra cho dân tộc Việt Nam. Ngoài ra, bộ phim cũng nhằm gây áp lực lên chính quyền Pháp đòi công nhận đóng góp của những người đã bị đẩy bật ra khỏi quê hương bản quán đến góp phần vào việc xây dựng nhiều vùng miền của nước Pháp.

Bộ phim do hãng Pointe Sud Productions kết hợp với đài truyền hình France Télévisions sản xuất sẽ được trình chiếu vào ngày 12/5 tại thành phố Arles trước khi được phát sóng chính thức lên kênh truyền hình France 3 vào ngày 18/5 tới.


TTXVN/Tin tức

50 năm phong trào thị dân Tokyo phản đối Chiến tranh Việt Nam
50 năm phong trào thị dân Tokyo phản đối Chiến tranh Việt Nam

Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Beheiren, hay còn gọi là phong trào “Liên minh thị dân vì hoà bình cho Việt Nam”, đã được tổ chức tại Công viên Shiba ở thủ đô Tokyo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN