Phố Trịnh Công Sơn ở Hà Nội

Đúng 8 giờ sáng ngày 26/8, lễ đặt tên phố Trịnh Công Sơn và đường Nguyễn Đình Thi đã được lãnh đạo quận Tây Hồ (Hà Nội) tổ chức trang trọng, với sự tham gia của các sở, ngành của thành phố Hà Nội, Hội Liên hiệp Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, đại diện gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nhà văn Nguyễn Đình Thi. Đây là hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

Ca sĩ Tùng Dương và nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn biểu diễn tại lễ đặt tên phố Trịnh Công Sơn.


Phố Trịnh Công Sơn tại Hà Nội được đánh giá là một trong những con phố êm đềm, thơ mộng nhất của Thủ đô, nằm ở đường ven Hồ Tây, với hàng me xanh trải dài và những hồ nước nhỏ lăn tăn sóng, khung cảnh lãng mạn, bình yên như những giai điệu da diết vang lên từ những sáng tác của Trịnh Công Sơn về Hà Nội. Con phố có chiều dài 900 m, rộng từ 9,5 - 12,5 m, nằm từ ngã ba ngõ 612 Lạc Long Quân đến giao với dốc ngã ba đê Âu Cơ (cạnh trường THPT Phan Chu Trinh) của quận Tây Hồ.

Còn phố Nguyễn Đình Thi bắt đầu từ đoạn ngã ba giao cắt đường Thanh Niên, cạnh vườn hoa Lý Tự Trọng; đến ngã ba giao cắt phố Trích Sài (đối diện nhà số 2), dài 2 km, rộng từ 7,5 - 9 m. Đoạn phố này trước đây được người dân gọi là đường Ven Hồ. Do chiều rộng tuyến phố này khá nhỏ, nên lượng xe lưu thông vừa phải, ít xảy ra ách tắc. Sáng sớm, người dân có thể thả bộ dọc theo vỉa hè của phố Nguyễn Đình Thi để cảm nhận sáng thu hồ Tây bảng lảng hơi sương…

Theo những người trong giới, việc Hà Nội chọn tên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nhà văn Nguyễn Đình Thi để đặt cho hai con phố đẹp nhất ven hồ Tây này là “hợp tình, hợp cảnh”. Bởi nhắc đến Trịnh Công Sơn, người ta nghĩ tới ca khúc để lại dấu ấn sâu đậm về Hà Nội là bài “Nhớ mùa thu Hà Nội” với những câu ca đẹp như thơ, như mùa thu Hà Nội và đặc biệt ở trong đó là hình ảnh của Hồ Tây đẹp đến nao lòng: “Hồ Tây chiều thu, mặt nước vàng lay, bờ xa mời gọi. Màu sương thương nhớ, bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời…”. Đây cũng là ca khúc mà gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã chọn để ca sĩ Tùng Dương thể hiện trong tiếng kèn saxophone của Trần Mạnh Tuấn tại lễ đặt tên sáng 26/8.

Còn với nhà văn Nguyễn Đình Thi, ca khúc “Người Hà Nội” sáng tác năm 1947 của ông giống như một bản hùng ca về Thủ đô với những hình ảnh: “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây. Đây lắng hồn núi sông ngàn năm. Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội”, đã trở thành một nhạc hiệu của hệ thống loa phát thanh của Hà Nội…

“Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nhà văn Nguyễn Đình Thi đã có những đóng góp lớn cho nền âm nhạc nước nhà. Đối với Nguyễn Đình Thi, ngoài những tiểu thuyết, áng thơ hay, thì những bài hát mà ông để lại đã trở thành di sản mang tính lịch sử. CònTrịnh Công Sơn là một con người rất tài hoa, tuy sinh ra ở xứ Huế và thành danh nghệ thuật ở Sài Gòn ,nhưng những tác phẩm của ông được công chúng Hà Nội, công chúng miền Bắc rất yêu thích, thể hiện khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước, tình đoàn kết toàn dân. Vì thế việc lấy tên hai người này đặt tên cho hai con phố Hà Nội là rất xứng đáng”, một nhà nghiên cứu chia sẻ.

DH
Đêm nhạc “Nối vòng tay lớn” tưởng nhớ nhạc sỹ Trịnh Công Sơn
Đêm nhạc “Nối vòng tay lớn” tưởng nhớ nhạc sỹ Trịnh Công Sơn

Đêm nhạc Trịnh Công Sơn sẽ được tổ chức vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6 tới đây tại ba nơi là TP Hồ Chí Minh, Huế và Hà Nội với tên gọi “Nối vòng tay lớn”

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN