Phong tục đón Tết độc đáo của các dân tộc thiểu số

Cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) nằm ở độ cao trung bình từ 1.000 - 1.600 mét so với mực nước biển, trên diện tích 2.356 km², trải dài qua địa bàn 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc. Đây là Công viên Địa chất toàn cầu duy nhất tại Việt Nam và thứ hai của Đông Nam Á được Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu (UNESCO) chính thức công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu năm 2010.

Không chỉ độc đáo, đặc sắc về di sản địa chất, địa tầng, kiến trúc cùng những nét văn hóa độc đáo của đồng bào vùng cao, mà đến với Cao nguyên đá Đồng Văn trong những ngày Tết Nguyên đán, du khách sẽ được thưởng thức, chiêm ngưỡng phong tục đón Tết độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

Nhịp sống trên Cao nguyên đá Đồng Văn. Ảnh: Nhật Anh - TTXVN


Cúng tất niên bằng bánh dày, rượu ngô và gà trống sống


Cao nguyên đá Đồng Văn có 17 dân tộc anh em cùng chung sống. Cũng như nhiều dân tộc thiểu số khác, đồng bào dân tộc Mông trong những ngày này đang tất bật chuẩn bị những món ăn truyền thống, cùng chơi các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc dân tộc.

Không giống như đồng bào dân tộc Kinh thường chuẩn bị hai mâm cỗ, một mâm cúng gia tiên tại bàn thờ trong nhà và một mâm cỗ cúng thiên địa ở ngoài trời, đồng bào dân tộc Mông trên Cao nguyên đá chuẩn bị đón Tết cổ truyền với những chiếc bánh dày, chai rượu ngô được bày trang trọng trên mâm cỗ cúng tất niên cùng với gà trống sống đã được cắt tiết. Trên bàn thờ lúc này không thể thiếu một nhúm lông gà có tẩm tiết gà dán vào mảnh giấy, rồi tất cả đem dán trên bờ tường - nơi mà đồng bào Mông quan niệm đó là chỗ trú ngụ của thần linh. Những bữa cúng sau, gia chủ sẽ cúng thần linh bằng thịt gà hay thịt lợn đã được luộc chín.

Đặc biệt, vào sáng mùng 1 Tết, người đàn ông Mông phải dậy nấu cơm và làm mọi việc trong nhà thay vì cả năm đàn bà con gái trong nhà đã làm. Đồng bào Mông quan niệm, con trai là trụ của gia đình nên tất cả mọi việc trong gia đình phải chịu trách nhiệm để giữ được truyền thống cho cả năm. Cũng trong buổi sáng ngày mùng 1 Tết, trong gia đình ai dậy thì cứ âm thầm mà dậy, không được gọi nhau vì theo quan niệm nếu gọi nhau sâu bọ nghe thấy sẽ đồng loạt “nhỏm dậy” phá hoại các loại cây trồng.

Trong 3 ngày Tết cổ truyền, mỗi gia đình Mông thường cắt, trổ giấy thành hình đồng tiền cổ như hình tròn đồng tâm, hình quả trám... Các họa tiết này được dán ở cột nhà, cửa ra vào và bàn thờ gia đình cầu mong mọi điều tốt lành.

Người Lô Lô đi ăn trộm lấy may


Lô Lô là một trong những dân tộc ít người tại Việt Nam, từ nhiều đời nay vốn định cư và sinh sống trên Cao nguyên đá Đồng Văn. Một mùa xuân mới lại về, đồng bào dân tộc Lô Lô đang cố gắng hoàn thành những công việc cuối cùng của một năm cũ, chuẩn bị đón một mùa xuân mới.

Theo các già làng ở bản Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (huyện Đồng Văn), dân tộc Lô Lô vốn tồn tại một tập tục lạ gọi là "khù mi" (ăn cắp chơi - ăn cắp lấy may). Đồng bào Lô Lô ở Hà Giang luôn quan niệm rằng vào thời khắc bước sang năm mới, nếu ai đó mang về nhà được một chút gì thì năm mới gia đình sẽ gặp điều tốt lành. Do đó, tối 30 Tết, mỗi gia đình phải đi ăn cắp cái gì đó và phải lấy cho đủ con số 12. Ví dụ, lấy ngô đủ 12 bắp; lấy gà, gạo, hoa quả cứ đủ con số 12. Đó là con số ứng với 12 tháng trong năm tới may mắn. Nếu mới lấy được 2 hoặc 3, 4... tức chưa đủ 12 mà đã bị phát hiện thì bỏ chạy và năm sau, tháng ứng với những con số phải bỏ chạy đó thì phải kiêng kỵ không được làm những công việc lớn do sợ rủi ro.

Đến ngày 15 tháng Giêng (rằm tháng Giêng) hết Tết, bà con dân tộc Lô Lô lại thu các mảnh giấy vàng (tượng trưng cho tiền) đã được dán vào các đồ vật trong nhà trước Tết mang đi đốt, phần để báo hiệu cho các đồ vật biết đã hết thời kỳ nghỉ ngơi bắt đầu làm việc và giấy đó cũng tượng trưng là tiền đốt tạ vàng cho ma nhà.

Đón giọng gà của dân tộc Pu Péo

Dân tộc Pu Péo ở Hà Giang chỉ có 628 người, trên tổng dân số trong toàn tỉnh, sinh sống chủ yếu tại các xã Phố Là, huyện Đồng Văn; xã Sủng Tráng và Phú Lũng, huyện Yên Minh, một số ít sinh sống tại xã Yên Cường, huyện Bắc Mê.

Người dân tộc Pu Péo luôn quan niệm, trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc, ai đón giọng gà hay cướp được giọng gà thì sang năm mới sẽ hát hay, gặp nhiều may mắn, thành đạt, hạnh phúc. Chính vì vậy, đêm 30 Tết khi giao thừa đến, những chàng trai dân tộc Pu Péo phải canh chừng mấy chú gà trống. Khi thấy gà vừa vỗ cánh, chuẩn bị gáy là các chàng trai này phải đốt ngay một quả pháo ném vào chuồng gà. Lũ gà giật mình, nhảy lên thi nhau gáy, ngay lập tức tất cả những người trong gia đình và hàng xóm xung quanh cùng nhau múa hát vang trời để át tiếng gà gáy.

Không chỉ duy trì phong tục đón giọng gà mà dân tộc Pu Péo còn có một phong tục đón Tết cổ truyền rất độc đáo. Trong những ngày Tết, người Pu Péo cũng có tục gói bánh chưng nhưng lại gói hai loại bánh: bánh chưng đen (mí uột lặng) ăn vào tối 29 Tết để kết thúc năm cũ và bánh chưng trắng (mí uột lìn) cúng vào tối 30 Tết để mừng năm mới. Sáng mùng một Tết, nam nữ dân tộc Pu Péo cùng nhau đi gánh "nước bạc, nước vàng" để cầu may. Trong 3 ngày Tết, dân tộc Pu Péo không rửa bát đũa sau mỗi lần ăn mà chỉ dùng giấy lau sạch. Họ tin rằng, nếu ngày Tết mà bát đũa sạch sẽ thì cả năm sẽ đói ăn.

Nét độc đáo trong ngày Tết của các dân tộc thiểu số nơi cực Bắc địa đầu của Tổ quốc từ bao đời nay vẫn giữ nguyên bản sắc văn hóa. Những năm qua, được Đảng, Nhà nước quan tâm với nhiều chính sách giúp bà con dân tộc thiểu số được làm chủ cuộc sống của mình, đời sống của bà con từng bước được nâng lên, tỷ lệ hộ đói nghèo giảm dần qua từng năm. Bà con các dân tộc nơi đây đã phát huy vốn văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm, tính nhân văn và tình cảm sâu sắc của các thành viên trong gia đình; tích cực tiếp thu khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, chăn nuôi, học hỏi các dân tộc anh em... xây dựng cuộc sống mới ngày càng ấm no hạnh phúc.


Minh Tâm

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN