Đây là một trong những sự kiện ý nghĩa nằm trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam năm 2023.
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ chia sẻ, hàng nghìn năm lịch sử đã hun đúc, kết tinh và hiện hữu trên vùng đất Phú Thọ một hệ thống tài sản quý báu là những di sản văn hóa đa dạng, phong phú và vô cùng đặc sắc. Việc bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa quý giá này nhằm phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, giáo dục truyền thống, tinh thần tự hào dân tộc, bồi đắp lòng yêu nước cho thế hệ trẻ, phát triển du lịch góp phần nâng cao đời sống nhân dân địa phương.
Nói đến các hiện vật thời đại Hùng Vương và giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên ở Phú Thọ không thể không nhắc tới một báu vật đặc biệt đó là những chiếc Nha chương - một minh chứng quan trọng trong việc nghiên cứu sự ra đời và phát triển của thời đại Hùng Vương ở Phú Thọ - vùng đất cội nguồn của dân tộc Việt Nam. Các hiện vật Nha chương được làm bằng đá ngọc với kỹ thuật chế tác rất tinh xảo, có hình dạng khá đặc biệt. Theo các nhà nghiên cứu, Nha chương là một vật dùng trong nghi lễ.
Hiện nay, Nha chương ở Việt Nam mới chỉ được phát hiện 8 chiếc tại 2 di chỉ khảo cổ Phùng Nguyên và Xóm Rền của tỉnh Phú Thọ, trong đó tại Bảo tàng Hùng Vương đang lưu giữ 4 chiếc. Việc nghiên cứu, tìm hiểu về những chiếc Nha chương đã cho thấy vùng đất Tổ Phú Thọ chính là quê hương tập trung nhiều hiện vật điển hình, đặc sắc của nền văn hóa Phùng Nguyên, góp phần hình thành nên nhà nước Văn Lang thời đại các Vua Hùng
Hiện, Bộ sưu tập Nha chương được trưng bày tại Bảo tàng Hùng Vương trong không gian trưng bày về văn hóa Phùng Nguyên nhằm giới thiệu tới khách tham quan những giá trị riêng có, độc đáo về nghệ thuật chế tác đá.
Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghề làm bánh chưng, bánh giầy” là loại bánh tượng trưng cho “Trời tròn - đất vuông” được gắn với tục thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của dân tộc Việt. Hai loại bánh này được gắn với câu truyện huyền sử về lòng hiếu thảo của hoàng tử Lang Liêu thời Hùng Vương dựng nước. Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, bánh chưng, bánh giầy vẫn được dân tộc Việt Nam gìn giữ vẹn nguyên về hình dáng, hương vị và được dâng lên thờ cúng tổ tiên.
Để bảo tồn và phát huy phong tục cổ truyền làm bánh chưng, bánh giầy ở Phú Thọ, ngày 8/5/2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định đưa Nghề làm bánh chưng, bánh giầy vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây cũng là tiền đề để tăng thêm sức hút du lịch hành hương về vùng đất Tổ, tạo nhiều điều kiện thuận lợi để bảo tồn và phát huy giá trị của kho tàng tri thức dân gian trong đời sống.
Nhắc đến Phú Thọ, không thể không nhắc đến hát Xoan Phú Thọ. Đây là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian cổ truyền của tỉnh Phú Thọ, được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Việc công nhận danh hiệu cao quý này nhằm tôn vinh công lao của những nghệ nhân, đồng thời đề cao nhận thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm của các nghệ nhân trong việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản.
Nhân dịp này, 20 cá nhân đã được Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ phong tặng danh hiệu Nghệ nhân hát Xoan lần thứ IV.