Dù gặp nhiều khó khăn nhưng Sân khấu Lệ Ngọc vẫn liên tiếp cho ra đời những tác phẩm sân khấu mới, hấp dẫn. Có thể nói, Sân khấu Lệ Ngọc là một điểm sáng của sân khấu xã hội hóa phía Bắc, mang đến cho công chúng những bữa tiệc sân khấu đầy hấp dẫn trong những ngày đầu Xuân năm mới 2022.
Tái ngộ khán giả Thủ đô
Mở màn cho chuỗi 5 đêm diễn tại Nhà hát Lớn, vở kịch “Làm vua” của Sân khấu Lệ Ngọc đã mang đến cho khán giả nhiều cảm xúc về một câu chuyện lịch sử cách đây hơn 1.050 năm nhưng được kể bằng phong cách đương đại.
Vở kịch “Làm vua” do tác giả Nguyễn Đăng Chương viết kịch bản, được Sân khấu Lệ Ngọc đầu tư dàn dựng, tái hiện lại một thời kỳ mang dấu ấn đặc biệt trong lịch sử của đất nước. Tác phẩm khai thác đề tài lịch sử, là khúc tráng ca về vị vua “cờ lau áo vải” Đinh Bộ Lĩnh, sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, đã lập ra nước Đại Cồ Việt. Từ câu chuyện lịch sử của dân tộc, tác giả phóng tác lên thành câu chuyện ca ngợi đức hy sinh to lớn của một vị quân vương trước trách nhiệm lớn lao đối với đất nước và nhân dân. Đó là “Làm vua” phải biết đặt lợi ích của Tổ quốc và nhân dân lên trên lợi ích cá nhân .
Vở diễn xoay quanh câu chuyện lịch sử khốc liệt của triều đại nhà Đinh với chuyện tình giữa Vua Đinh Tiên Hoàng, Hoàng hậu Dương Vân Nga và Thập đạo tướng quân Lê Hoàn. Cả ba nhân vật chính này đã chấp nhận hy sinh, vượt lên trên tình riêng để làm tròn trách nhiệm với nước, với dân...
Nghệ sỹ Văn Hải, người đảm nhiệm vai Vua Đinh Tiên Hoàng chia sẻ, khi nhận vai diễn, ông đã rất trăn trở với việc làm thế nào để có thể thể hiện nhân vật Đinh Tiên Hoàng vừa vĩ đại, lớn lao cũng như công lao của ông với lịch sử, song cũng rất đời thường, mộc mạc của một vị anh hùng áo vải. Chính vì vậy, ông dành nhiều thời gian nghiên cứu kịch bản, vai diễn, tập luyện từng lời thoại cho đến từng hành động trên sân khấu…
Vai diễn Đinh Tiên Hoàng đã để lại cho ông nhiều ấn tượng, nhiều cảm xúc: “Tôi đã rất nỗ lực để có thể thể hiện hình tượng về một vị vua vĩ đại, cương quyết nhưng cũng rất bao dung, cao thượng… Để khắc họa được chân dung một vị vua với nhiều giằng xé nội tâm là điều không dễ, nhưng tôi rất thích vai diễn này nên tôi luôn cố gắng nỗ lực hoàn thiện vai diễn của mình một cách tốt nhất, nhiều cảm xúc nhất”, nghệ sỹ Văn Hải tâm sự.
Nghệ sỹ Nhân dân Lệ Ngọc cũng đã thể hiện rất thành công vai Hoàng hậu Dương Vân Nga - một người phụ nữ đầy nghị lực, nhưng luôn bị giằng xé, xung đột nội tâm khi đứng giữa một bên là mối tình đầu của mình với Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, một bên là vua Đinh Tiên Hoàng.
Bên cạnh đó, diễn xuất tài tình của các nghệ sỹ trẻ như nghệ sỹ Anh Tuấn cương trực, quyết liệt khi thể hiện đấng quân vương tương lai Lê Hoàn, Lâm Cương vai Nam Việt Vương Đinh Liễn, Thanh Bình vai Định quốc công Nguyễn Bặc, Châu Sa vai Công chúa Phất Kim..., tất cả đã làm nên một vở kịch lịch sử hấp dẫn, được thể hiện theo phong cách hiện đại, mang đến nhiều cảm xúc cho người xem.
Theo đạo diễn Lê Quý Dương, ê kíp dàn dựng vở “Làm vua” được dựng theo hình thức sân khấu kết hợp giữa tính huyền thoại sử thi với kỹ thuật và ngôn ngữ dàn dựng hiện đại… để hiện thực hóa lại câu chuyện lịch sử huyền thoại với những thông điệp hướng tới cuộc sống hôm nay.
Không chỉ “Làm vua”, mà liên tiếp trong 5 đêm, từ ngày 21-25/2, sân khấu Lệ Ngọc “sáng đèn” liên tục để phục vụ khán giả Thủ đô. Ngoài “Làm vua”, hai vở kịch khác được sân khấu Lệ Ngọc biểu diễn trong đợt này là “Nước mắt của mẹ” và “Vụ án người đốt đền”. Ba vở diễn với 3 màu sắc khác nhau. Trong đó, vở diễn “Nước mắt của mẹ” đem đến cho công chúng những cảm xúc sâu lắng, nghẹn ngào khi mà tình cảm gia đình phải đối mặt với những vòng xoáy cuộc đời.
Còn vở “Vụ án người đốt đền” lại đem đến nhiều cung bậc cảm xúc, màu sắc và trải nghiệm khác nhau, khiến khán giả ngỡ ngàng. Không chỉ với nhiều tình tiết độc đáo, vở diễn còn mô phỏng chi tiết và tường tận vụ án chấn động nhất lịch sử Hy Lạp cổ đại; từng màn đối thoại kịch tính như hồi chuông cảnh tỉnh, phản ánh chân thực về xã hội đương thời, nơi mà lòng tham - dục vọng - danh tiếng đã bào mòn bản chất con người, khiến mỗi người xem phải suy ngẫm…
Nghệ sỹ Nhân dân Lệ Ngọc cho biết, sau 5 đêm diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội, các nghệ sỹ của Sân khấu Lệ Ngọc sẽ lên đường vào Nam để biểu diễn phục vụ khán giả yêu sân khấu ở đây. Theo dự kiến, 3 vở diễn này sẽ được các nghệ sỹ biểu diễn tại Nhà hát Lớn Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 14-24/3/2022.
Điểm sáng sân khấu xã hội hóa
Có thể nói, những năm gần đây, Sân khấu Lệ Ngọc trở thành một “hiện tượng” nổi bật của sân khấu xã hội hóa phía Bắc khi liên tục cho ra mắt những vở diễn mới với hàng trăm suất diễn, thu hút hàng ngàn khán giả đến rạp.
Ngay trong những ngày dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động sân khấu hầu như đóng băng, thì Sân khấu Lệ Ngọc vẫn liên tiếp ra mắt các vở diễn mới như “Vụ án người đốt đền” - kịch bản văn học của Grigori Gorin, đạo diễn - kịch bản sân khấu và thiết kế sân khấu Lê Quý Dương; “Làm vua” của tác giả Nguyễn Đăng Chương, đạo diễn Lê Quý Dương; “Nước mắt của mẹ” của tác giả Toàn Thắng, Nghệ sỹ Nhân dân Lê Hùng đạo diễn; “Dế mèn phiêu lưu ký” - tác giả Lê Chí Trung, Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn Tiến Dũng đạo diễn; “Cuộc chiến COVID” - tác giả Minh Nguyệt, Nghệ sỹ Nhân dân Lê Hùng đạo diễn. Dự kiến, đầu tháng 3/2022, Sân khấu Lệ Ngọc sẽ cho ra mắt vở “Vang bóng một thời” của tác giả Nguyễn Hiếu, Nghệ sỹ Ưu tú Bùi Như Lai đạo diễn.
Nhìn vào lực lượng tác giả, đạo diễn và nghệ sỹ tham gia trong các vở diễn có thể thấy hoạt động nghệ thuật của Sân khấu Lệ Ngọc là liên tục, không ngừng nghỉ với những tác phẩm sân khấu chất lượng, được giới trong nghề đánh giá cao, công chúng đón nhận. Trong đó, có nhiều vở diễn đã giành giải thưởng lớn như: “Tình bạn và công lý” đoạt giải Vàng tại Liên hoan sân khấu Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân 2020; “Làm vua” - giải Vàng Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021; “Cuộc chiến COVID” - giải A Giải thưởng sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật về chủ đề “Phòng, chống dịch bệnh COVID-19” của Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam; “Quan Âm Diệu Thiện” - giải Vàng Liên hoan sân khấu Trung Quốc - ASEAN lần thứ 8…
Một trong những điều đáng ghi nhận là Sân khấu Lệ Ngọc đã trở thành “bệ phóng” cho nhiều nghệ sỹ tài năng yêu nghề được thỏa mãn đam mê, từng bước khẳng định mình tại các cuộc liên hoan, cuộc thi sân khấu chuyên nghiệp. Có thể kể đến đạo diễn Quang Tú giành Huy chương Vàng với vở “Tình bạn và công lý”; nghệ sỹ Lâm Cương giải "Nam diễn viên xuất sắc nhất" tại Liên hoan Sân khấu quốc tế Trung Quốc 2017, Huy chương Bạc Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021; nghệ sỹ Anh Tuấn Huy chương Vàng Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021; nghệ sỹ Anh Đào Huy chương Bạc Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2019, Huy chương Bạc Liên hoan Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2021; nghệ sỹ Huy Hoàng giải Nam diễn viên xuất sắc tuần lễ Asian Trung Quốc tại Nam Ninh 2019 và Huy chương Bạc Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021...
Chia sẻ về quan niệm làm sân khấu, Nghệ sỹ Nhân dân Lệ Ngọc cho biết, với chị, sân khấu phải mang đến cho khán giả những điều khán giả cần và nghệ sỹ phải lấy khán giả là trung tâm. Chính vì vậy, Sân khấu Lệ Ngọc luôn tìm cách để đưa những món ăn tinh thần phong phú nhất, đa dạng nhất đến với khán giả. Từ đề tài dân gian, mang đậm bản sắc văn hóa, tâm hồn Việt cho đến những vở diễn lịch sử, mang đậm hơi thở cuộc sống đương đại… Tất cả để mang đến cho khán giả những kịch mục hấp dẫn, “bữa tiệc” văn hóa đa sắc màu, phục vụ mọi tầng lớp công chúng, mở rộng cửa chào đón nhiều đối tượng sáng tạo, diễn viên ở nhiều lứa tuổi, trình độ, kiến thức, kinh nghiệm và các loại hình sân khấu khác nhau... “Mong muốn của tôi là có thể kéo được ngày càng nhiều người đến với sân khấu và yêu sân khấu Việt”, Nghệ sỹ Nhân dân Lệ Ngọc chia sẻ.