Vừa qua, một loạt cuốn sách “có vấn đề” được nhân dân, báo chí, truyền thông phản ánh như bìa sách phản cảm của cuốn sách “Bộ luật dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành luật” (của NXB Lao động - Xã hội), hay những cuốn sách tái bản cẩu thả, nội dung kém, tự tiện thay đổi tên sách so với tác phẩm gốc, bị xem là “ăn cắp bản quyền trắng trợn”. Xa hơn nữa là những cuốn sách “vấp” phải phán ứng gay gắt của độc giả. Điều này làm dấy lên lo ngại về việc buông lỏng quản lý xuất bản cũng như trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân làm việc trong lĩnh vực xuất bản đối với những ấn phẩm được xuất bản. Ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục xuất bản Bộ VHTT&DL (ảnh) đã trả lời PV Tin Tức xung quanh vấn đề này.Thưa ông, đâu là nguyên nhân dẫn tới những lùm xùm do liên kết xuất bản vừa qua?Xưa nay, nhiều người cứ nhầm tưởng các nhà xuất bản thì xuất bản còn Cục thì kiểm duyệt, nhưng hoàn toàn không phải thế. Bởi vì muốn đọc 30 nghìn đầu sách, 300 triệu bản sách mỗi năm thì hơn 30 con người ở Cục không làm được mà phải cần tới 3.000 người. Vì vậy quyền xuất bản đó được giao cho các giám đốc, tổng biên tập NXB với những chức năng nhiệm vụ riêng và họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước nhân dân. Khi có sai phạm thì Cục xuất bản giám sát và xử lý. Mỗi năm Cục đã xử lý, phát hiện, đình bản, ngừng phát hành, tiêu hủy hàng trăm cuốn sách có sai phạm (năm 2014 hơn 200 vụ).
Trong vấn đề này, thì phải nói thật là cần những vị giám đốc, tổng biên tập có tài, có tâm, cần những biên tập viên có nghề, biết nghề, hiểu về nghề, hiểu biết luật để đủ tư cách, phẩm chất mới làm được việc thay mặt nhân dân để làm bọ lọc tinh nhạy trước khi cho sản phẩm ra với công chúng. Nhiều giám đốc NXB giờ hỏi về Luật Xuất bản cũng chưa nắm rõ thì tránh sao được sai phạm. Tôi cho rằng, một trong những điều sai phạm dễ dàng được phát giác là vì trong những năm qua Bộ Thông tin truyền thông đã ra nghị định tạo ra một hành lang pháp lý để phục vụ ngành xuất bản, in, phát hành rất rõ ràng, vì vậy xã hội đã “lắp kính” để nhìn nhận nhanh hơn hệ thống quy phạm pháp luật để phát hiện ra những sai phạm. Chứ lâu nay lưới rách, cá bị cất lên thì chui xuống, nhưng giờ lưới đã được vá thì cá không chui đi đâu được và bị lộ diện ra ánh sáng hết. Điều này rất tốt và chúng tôi có căn cứ để xử lý hơn.
Quan điểm của ông về vấn đề liên kết xuất bản như thế nào? Tôi cho rằng liên kết xuất bản là tốt và tạo cơ hội để xã hội hóa nhằm tạo sự đa dạng cho ngành xuất bản. Đây cũng là thời điểm đặt ra những thách thức cho ngành xuất bản. Lâu nay một số NXB núp dưới bóng “liên kết” nhưng thực ra là bán giấy phép lấy tiền và không thèm nhìn mặt “con” mình đẻ ra, cho nên có nhiều ông giám đốc NXB khi bị phát hiện sai phạm mới tá hỏa. Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, trách nhiệm phát triển ngành xuất bản và quản lý xuất bản không phải duy nhất một cơ quan là bộ Thông tin truyền thông mà đó chỉ là cơ quan trực tiếp tham mưu và thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc này… Cục xuất bản cần sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và hệ thống ngành dọc bao gồm Công an, Hải quan, các Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch đầu tư. Các bộ ngành liên quan phải phối hợp với nhau, các địa phương thì phải quản lý trên địa bàn. Đặc biệt, các cơ quan chủ quản là nơi được nhà nước cho phép thành lập các NXB phải đầu tư con người, đội ngũ chứ hầu hết là bắt tay ngang, thậm chí như tôi đã nói, có người là giám đốc mà không thạo luật, nặng hơn nữa đó là chỉ đầu tư cái ban đầu, tượng trưng sau đó không cấp ngân sách cho NXB, trong khi bị nạn lậu sách, cạnh tranh chèn ép thì một số NXB rơi vào khánh kiệt và họ buộc phải “năng động” để nuôi bộ máy.
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng nhiều nhà sách làm việc lành mạnh để đem lại lợi ích cho đất nước, nhiều người kinh doanh sản phẩm văn hóa đóng góp cho xã hội, tự bỏ tiền và công sức ra làm những cuốn sách có ý nghĩa. Đội ngũ tâm huyết ấy rất đáng trân trọng, cần ghi nhận công bằng, tôn vinh một cách công bằng. Còn lại bên cạnh đó chuyên lẩn khuất một đội ngũ in lậu, làm dối, lợi dụng kẽ hở của xuất bản, và sự chưa vào cuộc đều tay của các địa phương, việc yếu thế của các nhà xuất bản để trục lợi.
Tới đây, Cục Xuất bản sẽ có những biện pháp nào để đẩy lùi những tệ nạn này, thưa Cục Trưởng?Tất cả sách vi phạm vừa qua không có cuốn nào của NXB làm cả, mà là do liên kết. Người ta thường đổ cho liên kết, nhưng không ai hiểu rằng, để có thành tựu của xuất bản hiện nay, thì có thành tựu rất lớn của việc mở rộng liên kết. Liên kết chính là một bước đi mang tính tất yếu cho hoạt động xuất bản, vì chúng ta không thể bao cấp toàn bộ cho ngành xuất bản được mà phải huy động nguồn lực xã hội trong phát triển. Việc chúng ta có 30 nghìn đầu sách mỗi năm, 300 triệu bản sách một năm có công lao phần lớn là sách liên kết. Vì thế không thể phủ nhận vai trò của họ trong vấn đề này. Việc của chúng ta là nâng cao chất lượng quản lý nhà nước để liên kết đúng và lành mạnh như bản chất của nó. Còn bây giờ gọi đó là dịch vụ giấy phép. Như các ông xe ôm cạnh tranh nhau khách vậy.
Giấy phép đang từ 5 nghìn, có thể giảm giá còn một nghìn hay năm trăm đồng để bán cho dễ. Một cơ quan chủ quản không thể hiện hết vai trò trách nhiệm đối với một NXB được thành lập thì đồng nghĩa với việc đưa đến cho xã hội những người làm công tác xuất bản làm việc với mọi giá. Lỗi ấy một phần do cơ quan chủ quản buông lỏng quản lý, chỉ đạo với các NXB, họ không thể không nhìn nhận trách nhiệm của mình. Tới đây, khi có sai phạm, ngoài việc xử lý tập thể thì chúng tôi sẽ xử lý tới từng cá nhân. Đây cũng là dịp các cơ quan nhà nước có cơ hội để xử lý các NXB làm ăn gian lận, người ngay bị kẻ gian ăn cắp (nạn in lậu). Tôi cho rằng, đây là thời điểm cho những người làm ăn chân chính. Tôi cũng tiếp tục đề nghị xã hội giám sát chặt chẽ hơn nữa. Giải pháp quan trọng hơn là xây dựng những NXB đủ tiềm lực để chịu trách nhiệm của mình. Và Cục Xuất bản sẵn sàng ủng hộ, tiếp thu và kiên quyết đẩy lùi từng bước đối với hiện tượng tiêu cực xưa nay trong ngành Xuất bản.
Xin cảm ơn Cục trưởng!Trần Hoàng Thiên Kim (Thực hiện)