Ngày 7/2, tại chùa Hương Nghiêm, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Tuyên Quang đã tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận di tích quốc gia thành nhà Bầu và khai hội chùa Hương Nghiêm. Dự buổi lễ có đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo tỉnh và thành phố Tuyên Quang, cùng đông đảo du khách gần, xa và nhân dân địa phương. Cán bộ Viện Khảo cổ học Việt Nam và Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang thám sát kiến trúc thành nhà Bầu. Ảnh: tuyenquangtv.vn
|
Tại buổi lễ, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao Bằng công nhận di tích thành nhà Bầu thuộc xóm Tân Thành, xã An Khang, thành phố Tuyên Quang, trở thành di tích quốc gia.
Thành nhà Bầu được xây dựng trên khu vực đồi Bông Thượng và đồi Bông Hạ (khu vực xóm Tân Thành, xã An Khang, thành phố Tuyên Quang) do hai anh em Vũ Văn Uyên và Vũ Văn Mật xây dựng vào những năm 30 đến 60 của thế kỷ XVI. Thành xây dựng thuận theo địa hình tự nhiên trên các sườn đồi, tường thành xây bằng gạch vồ (loại gạch đặc trưng của thế kỷ XVI).
Từ chân tường thành có con đường lát đá xanh làm lối đi lên mặt thành. Trên mặt tường thành đặt các bệ súng thần công, đạn đá hướng ra sông Lô, trấn giữ thủy lộ Bắc tiến thời bấy giờ. Trong thành có nhà ở của quan lại; có trường thi, trại lính, kho lương, kho đạn, miếu thờ... Ngoài thành có sông Lô làm hào ngoài nhằm ngăn cản kẻ địch từ xa.
Những năm đầu thế kỷ XVI, triều đình phong kiến nhà Lê xảy ra các cuộc tranh giành quyền lực và xung đột giữa các phe phái dẫn đến đất nước bị chia cắt làm hai miền. Chính quyền họ Mạc thống thị vùng Bắc Bộ, gọi là Bắc triều, họ Trịnh nắm quyền hành từ Thanh Hóa trở vào, gọi là Nam triều. Một cuộc nội chiến ác liệt kéo dài hơn nửa thế kỷ đã khiến đời sống nhân dân vô cùng khổ cực. Trên khắp đất nước đã nổ ra hàng loạt các cuộc nổi dậy của nông dân, trong đó có cuộc nổi dậy của hai anh em Vũ Văn Uyên và Vũ Văn Mật người làng Đông Ba, huyên Gia Phúc (nay là huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương).
Khởi đầu, anh em họ Vũ tập hợp binh sỹ và dấy quân ở huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Cuối cùng nghĩa quân định cư ở Khau Bầu, xã Đại Đồng, trấn Tuyên Quang. Tại đây, dòng họ Vũ đã đóng tại 11 doanh, mỗi doanh được xây thành đắp lũy hiểm trở và đều mang tên thành nhà Bầu. Hai anh em họ Vũ đã dẹp yên cả vùng Hưng Hóa – Tuyên Quang, đồng thời chiêu mộ lực lượng phò tá nhà Lê. Vì có công giúp vua Lê dẹp loạn nên Vũ Văn Uyên được ban quyền thế trấn giữ Tuyên Quang và Vũ Văn Mật được phong là Gia quốc công.
Trải qua 5 thế kỷ nhưng di tích thành nhà Bầu vẫn có ý nghĩa to lớn đối với công tác nghiên cứu lịch sử dân tộc và giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ trẻ. Đồng thời, đây cũng là điểm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách đến với Tuyên Quang.
Quang Cường