Thành Nhà Mạc Lạng Sơn nằm trong khu vực phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn đã được xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia và được đầu tư, tôn tạo nhằm phục vụ khách du lịch và người dân quanh vùng tham quan, vãn cảnh. Tuy nhiên hiện nay, khu di tích này đang nằm trong tình trạng bị ô nhiễm môi trường bởi các loại rác thải.Dấu tích của thành Nhà Mạc Lạng Sơn hiện nay còn lại gồm 2 đoạn tường dài khoảng 300m, mặt thành rộng khoảng 1m, xây bằng những khối đá lớn giữa hẻm núi, từ chân núi dẫn lên cổng thành hơn 100 bậc tam cấp được xây dựng để tạo thuận lợi cho du khách lên tham quan. Vào tới trong thành là một khu đất trống rộng hàng trăm m2; bao xung quanh ngoài những đoạn tường thành có 3 đỉnh núi cao hàng chục mét. Để du khách lên các đỉnh núi thăm quan, ngắm cảnh là hàng trăm bậc thang được xây dựng uốn lượn, do vậy đây là một địa điểm lý tưởng để cho du khách và người dân tham quan, vãn cảnh.
Vào những ngày lễ, tết, ngày nghỉ lượng du khách về đây tham quan tương đối đông, một phần do vị trí của di tích thuận tiện nằm trong quần thể Di tích núi Tô Thị, Động Tam Thanh, Nhị Thanh, một phần vì sự độc đáo của danh thắng này nên không chỉ du khách phương xa mà các bạn trẻ trong vùng và người dân sinh sống xung quanh danh thắng cũng chọn nơi đây là điểm dã ngoại, tập thể dục để được thưởng thức không khí trong lành.
Một đoạn di tích Thành Nhà Mạc ở Lạng Sơn (chụp tháng 11/2010). Ảnh : An Đăng-TTXVN |
Tuy nhiên hiện nay, toàn bộ khu Thành Nhà Mạc Lạng Sơn đang bị ô nhiễm và xuống cấp nghiêm trọng bởi các loại rác do lâu ngày không được dọn dẹp, vệ sinh; cùng với đó là việc sạt lở do bong tróc của các sườn dốc, tạo nên khung cảnh nham nhở. Dọc theo các bậc tam cấp dẫn lên cổng thành chỗ nào cũng gặp các loại rác do du khách để lại, lâu ngày không được dọn dẹp; thậm chí nhiều chỗ còn vương vãi bơm, kim tiêm…
Bác Nguyễn Thị Bé, một du khách từ Nam Định lên cho biết: Đây là lần đầu tiên tôi được lên tham quan các danh lam, thắng cảnh ở Lạng Sơn nên phấn khởi lắm, nhất là được tham quan Động Tam Thanh, Thành Nhà Mạc, rồi đi chợ Đông Kinh, Đền Mẫu… Tuy nhiên khi lên Thành Nhà Mạc thì tôi thấy hơi thất vọng vì là một di tích độc đáo như vậy mà nhiều rác quá, vừa tham quan, vừa dò dẫm sợ đạp vào kim tiêm.
Khách từ phương xa đến thì vậy, còn dân sinh sống ngay tại gần khu di tích này cũng ái ngại khi lên đây ngắm cảnh, tập thể dục. Bác Hoàng Văn Đức, ở đường Tô Thị ngay giáp khu di tích cho biết: Trước kia mỗi buổi sáng sớm hay tối đến chúng tôi thường cùng nhau đi bộ lên Thành Nhà Mạc vừa tập thể dục, vừa ngắm cảnh để hít thở không khí trong lành, nhưng bây giờ ngại lên lắm, một phần vì rác rưởi, một phần vì tệ nạn hút chích nên không muốn lên.
Theo Ban quản lý di tích thì từ năm 2004 UBND tỉnh Lạng Sơn đã giao khu di tích Thành Nhà Mạc cho công ty TNHH Hoàng Việt Anh đầu tư quản lý và khai thác nhưng đến nay dự án vẫn còn dở dang nên các khu xử lý chất thải, các công trình vệ sinh, thu gom rác, biển báo, nội quy… chưa đưa vào sử dụng nên khu di tích đã xuống cấp nghiêm trọng; từ bãi cỏ, lối đi, hốc đá trở thành nơi chứa rác; các đỉnh núi tràn ngập vỏ chai, túi ni lông, vỏ hộp bánh kẹo…
Ông Nguyễn Bá San, Trưởng ban quản lý di tích Lạng Sơn cho biết: Cách đây 3 năm, Ban quản lý di tích cũng đã tham mưu cho tỉnh đưa khu di tích này vào Chương trình mục tiêu quốc gia nhằm chống xuống cấp. Do vậy Ban quản lý di tích Lạng Sơn chỉ có thể quản lý về mặt Nhà nước, đưa ra hướng dẫn sử dụng, còn việc khai thác và quản lý trực tiếp thì lại do đơn vị khác thực hiện.
Thái Thuần