Mỗi dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng, có một sản vật không thể thiếu trong mâm cỗ dâng lên Vua cha, đó là bánh chưng và bánh dày. Hai loại bánh dẻo thơm được làm từ những hạt gạo tinh túy của đất trời, đã trở thành biểu tượng văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Biểu trưng của đất, trời
Bánh chưng, bánh dày do Hoàng tử Lang Liêu, con út của Vua Hùng thứ 6, sáng tạo nên, có vị trí đặc biệt trong tâm thức của người Việt. Đặc biệt, đây là hai sản vật được chế biến từ hạt lúa nếp thơm, một “thành quả” tiêu biểu của nghề trồng lúa nước từ thời Vua Hùng; như một minh chứng cho việc từ thời Hùng Vương, người Việt đã biết chế biến các sản vật từ lúa nước, biết tuyển chọn những hạt gạo thơm lành, thuần khiết hơn bất cứ loại sơn hào hải vị nào, để làm nên những chiếc bánh thơm thảo này.
Thi gói bánh chưng tại Lễ hội Đền Hùng 2014. |
Theo quan niệm của người xưa, bánh chưng và bánh dày tượng trưng cho trời đất. Bánh được gói bằng lá có màu xanh lá cây. Bánh chưng hình vuông tượng trưng cho đất, còn bánh dầy hình tròn tượng trưng cho trời.
Điều kỳ diệu của hai loại bánh này là đã tồn tại suốt từ thời Hùng Vương
dựng nước cho đến ngày nay, trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, bánh chưng và bánh dày vẫn trường tồn cùng dân tộc và được cộng đồng các dân tộc Việt Nam gìn giữ. Bánh chưng, bánh dày đã trở thành linh hồn của người Việt và trở thành thứ bánh truyền thống được người Việt Nam dâng lên thờ cúng tổ tiên mỗi dịp Tết đến, xuân về. Và chính vì thế, nên vào mỗi dịp Tết Nguyên đán dân gian ta có câu “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”.
Đặc biệt, vào dịp giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm, con cháu Lạc Hồng ở bốn phương trời hành hương về đất Tổ, thành kính dâng lễ vật tri ân công đức tổ tiên. Và dù lễ vật được dâng lên Vua Hùng là những mâm cao, cỗ đầy, sơn hào hải vị, nhưng không thể thiếu được bánh chưng và bánh dày. Bên cạnh đó, hội thi gói bánh chưng, giã bánh dày cũng đã trở thành nét đẹp truyền thống ở nhiều làng quê quanh núi Nghĩa Lĩnh. Hai năm trở lại đây, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ tổ chức Hội thi “Gói, nấu bánh chưng, giã bánh dày” với quy mô cấp tỉnh. Đội nhất, nhì sẽ tham gia tranh tài cùng các đội của các tỉnh bạn về dự Lễ hội Đền Hùng.
Lễ vật dâng Vua cha
Đạt giải nhất trong Hội thi gói, nấu bánh chưng tại Lễ hội Đền Hùng 2013, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) vinh dự được giao trọng trách chuẩn bị bánh chưng làm lễ vật dâng tiến Vua Hùng trong Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng năm nay. Đội nghệ nhân xuất sắc đoạt giải là gia đình anh chị Hoàng Văn Chính, Nguyễn Thị Ảnh (khu 3, xã Cát Trù) được thay mặt con dân cả nước làm bánh tiến Vua. Gia đình anh chị cũng vừa giành chiến thắng tại Hội thi gói bánh chưng tỉnh Phú Thọ năm 2014.
Thi giã bánh dày tại Lễ hội Đền Hùng. |
Anh Chính không giấu được niềm vui chia sẻ: “Gia đình tôi rất vinh dự và tự hào khi được đại diện cho cả nước làm bánh dâng lên Vua cha. Và đó cũng là tình cảm của địa phương tôi nói chung và gia đình tôi nói riêng gửi gắm vào đó”.
Chị Ảnh, vợ anh Chính, cũng không ngần ngại chia sẻ bí quyết chọn nguyên liệu ngon của bánh chưng. Theo chị, để làm một chiếc bánh chưng có hình thức đẹp, vuông thành sắc cạnh, màu sắc tươi tắn, gạo rền, thơm hương... là một kỳ công. Gạo nếp phải chọn những loại gạo dẻo, mười hạt như mười, có hương thơm đặc trưng và không lẫn tẻ. Đỗ xanh cần phải là loại hạt nhỏ và được chế biến từ khi vỡ đỗ, ngâm cho tróc vỏ, đãi sạch, để ráo đến khi đã nấu chín, như vậy nhân bánh mới thơm ngon. Ngoài đỗ, nhân bánh cần có thêm thịt ba chỉ hoặc nạc vai tươi sống trộn kèm gia vị muối, tiêu... vừa đủ tạo điểm nhấn và mùi thơm. Khi gói bánh, phải gói chặt tay thì bánh nấu mới rền, dẻo. Nếu gói lỏng tay bánh sẽ không được vuông vắn và nhão. Bánh gói xong xếp vào một chiếc nồi lớn, nên lót đáy nồi bằng một ít lá nhỏ hoặc cuống lá. Bánh xếp từng cặp một, úp vào nhau, chèn cho chặt, đổ ngập nước và bắt đầu luộc”.
Cũng theo chị Ảnh, nấu bánh chưng tuy đơn giản, nhưng phải trực để đốt than, pha nước trung bình 1-2 tiếng một lần, đun lửa đỏ hợp lý, đúng quy cách thì chiếc bánh mới có thể chín ngon, thơm bánh, bánh bóc ra có màu xanh, chín đều, bánh rền. Sau khi bánh chín, vớt ra, rửa sạch sau đó xếp 2 chiếc úp vào nhau để lên một chiếc bàn và dùng một tấm ván đặt lên, đặt thêm một số vật nặng để ép cho bánh ráo nước, rền và ngon, có màu tươi xanh hấp dẫn.
Thi giã bánh dày tại Lễ hội Đền Hùng. |
Còn theo các nghệ nhân huyện Thanh Ba, đội giành giải nhất Hội thi giã bánh dày tỉnh Phú Thọ năm 2014: Để làm được chiếc bánh dày ngon, dẻo, thơm, thì khâu quan trọng nhất phải là chọn gạo. Gạo được chọn làm bánh phải là gạo nếp ngon, được phơi sấy đủ nhiệt độ, không quá nắng để gạo không bị gãy nát, thơm ngon và tăng hương thơm cho bánh. Tiếp theo là quy trình nấu và giã bánh: Gạo được đồ chín đổ cả vào cối giã nhuyễn khi hơi cơm vẫn nghi ngút khói bốc lên. Sau đó những thanh niên trai tráng giã thật nhuyễn và nhịp nhàng. Cơm càng được giã kỹ càng dẻo, tạo thành bột trắng mịn màng. Sau đó, những cuộn cơm trắng ngần được vê tròn xếp vào lá dong. Tiêu chí đạt được bánh phải tròn, thành cao. Sau đó bánh được bày trên mâm trang trí đẹp, có dán chữ "Phúc" màu đỏ.
Ông Phạm Bá Khiêm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cho biết: Việc tổ chức hội thi nấu bánh chưng, giã bánh dày dịp Giỗ Tổ là một hoạt động thiết thực vừa tôn vinh nét đẹp truyền thống, vừa giữ được nghề làm bánh chưng bánh dày, vừa có tính giáo dục sâu sắc cho thế hệ trẻ cần nhớ về cội nguồn.
Bánh chưng, bánh dày hơn bất cứ một món ăn truyền thống của người Việt bởi lẽ tấm bánh đã gói trọn nghĩa tình, chứa đựng ước mơ đoàn kết của con người Việt Nam. Đó cũng là phong tục đẹp để tỏ lòng thành kính, tri ân công đức tổ tiên đã có công khai sáng nghề trồng lúa nước.
Vũ Bắc