Tôn vinh giá trị văn hóa các dân tộc Việt Nam - Bài 1: Sắc màu vùng cao làm giàu thêm văn học nghệ thuật nước nhà

Ngày 17/11/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định lấy ngày 19/4 hàng năm là “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam”.

Từ đó đến nay, các hoạt động trong “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” đã diễn ra trên khắp mọi miền Tổ quốc, lan tỏa và thấm sâu trong cộng đồng các dân tộc. Đây thực sự là ngày hội lớn để đồng bào các dân tộc gặp gỡ, giao lưu, hòa mình trong các lễ hội truyền thống, không gian văn hóa đặc sắc; góp phần tôn vinh giá trị văn hóa tốt đẹp, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân.

Điều này rất phù hợp với một trong những nhiệm vụ trọng tâm được nêu trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Đó là “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế…”.

Nhân Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2022, phóng viên TTXVN thực hiện chùm ba bài viết chủ đề "Tôn vinh giá trị văn hóa các dân tộc Việt Nam" nhằm khẳng định đóng góp quan trọng của văn hóa, văn nghệ các dân tộc trong quá trình đất nước phát triển, hội nhập quốc tế.

Chú thích ảnh
Tiết mục múa dệt thổ cẩm của dân tộc Thái tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, chào mừng Năm mới 2022. Ảnh minh họa: Tuấn Đức/TTXVN

Bài 1: Sắc màu vùng cao làm giàu thêm văn học nghệ thuật nước nhà

Dân tộc, miền núi là mảng đề tài thu hút nhiều tác giả theo đuổi, sáng tác, cho ra đời những tác phẩm đặc sắc, làm giàu thêm cho nền văn học nghệ thuật nước nhà. Lực lượng sáng tạo mảng đề tài này ngày càng đông đảo, với sự tham dự của nhiều tác giả là người dân tộc thiểu số cùng đội ngũ người xuôi nặng lòng, tâm huyết với văn hóa và con người vùng cao.

Từ văn học bước lên phim ảnh, âm nhạc

“Vợ chồng A Phủ” - tác phẩm văn học về đề tài dân tộc miền núi nổi tiếng đã một lần nữa khẳng định tên tuổi của Nhà văn Tô Hoài. Tác phẩm đã xuất sắc giành giải Nhất ở thể loại truyện ngắn - Giải thưởng do Hội nghệ sỹ Việt Nam trao tặng năm 1954-1955. Ông được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996 với tác phẩm này. Hơn thế nữa, tác phẩm còn được đưa lên màn ảnh nhỏ, trở thành bộ phim kinh điển của điện ảnh cách mạng nước ta.

Càng đặc biệt hơn khi “Vợ chồng A Phủ” được chính tay Nhà văn Tô Hoài chuyển thể thành kịch bản. Đạo diễn Mai Lộc cùng ê kíp đã làm thành bộ phim hấp dẫn, cảm động, lôi cuốn người xem bằng hình ảnh đẹp về miền núi cao Tây Bắc. Phần âm nhạc xuất sắc của Nhạc sỹ Nguyễn Văn Thương, ca khúc “Bài ca trên núi” qua giọng hát của nghệ sỹ Kiều Hưng cũng được đông đảo người yêu nhạc đón nhận. Bộ phim đã được trao Giải thưởng Bông sen bạc trong Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 2 năm 1973...

Đến năm 2019, ca sỹ Hoàng Thùy Linh lại khiến người yêu âm nhạc cả nước xôn xao khi cho ra mắt ca khúc “Để Mị nói cho mà nghe” dựa trên cảm hứng từ tác phẩm văn học “Vợ chồng A Phủ”. Sản phẩm này được đánh giá cao cả nội dung và hình thức, không chỉ làm khuynh đảo thị trường âm nhạc mà còn được khán giả, giới chuyên môn đánh giá cao. “Để Mị nói cho mà nghe” được vinh danh ở Giải Mai Vàng, We Choice; giành chiến thắng ở hầu hết các hạng mục của giải “Làn sóng xanh” 2019 gồm: “Ca khúc của năm”, “Bài hát hiện tượng”, “Hòa âm phối khí”, “MV của năm”, “Nữ ca sỹ của năm”, “Sự kết hợp xuất sắc” và “Ca sỹ đột phá”…

Nhà văn Đỗ Bích Thúy quê gốc ở Nam  Định nhưng sinh ra ở Hà Giang, được đắm mình trong không gian văn hóa của các dân tộc vùng đất nơi địa đầu Tổ quốc. Dù đã sống và làm việc ở Hà Nội nhiều năm qua nhưng với sức viết bền bỉ, chị đã có gia tài gồm 20 đầu sách về chủ đề miền núi, từ truyện ngắn, truyện vừa, tản văn cho đến cả tiểu thuyết như “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá”, “Chúa đất”, “Người yêu ơi”…Tất cả đều mang đậm hơi thở đồng bào, cuộc sống với những con người, số phận ở vùng cao...

Đặc biệt, “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” được Đạo diễn Ngô Quang Hải chuyển thể thành kịch bản và dựng thành bộ phim “Chuyện của Pao” nổi tiếng. Trong lễ trao Giải Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2006, “Chuyện của Pao" đã giành giải “Phim truyện nhựa hay nhất” cùng ba Cánh diều vàng khác cho “Quay phim xuất sắc nhất”, “Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất” và “Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất”. Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã chọn bộ phim "Chuyện của Pao" đại diện của Việt Nam dự tranh đề cử thể loại "Phim nước ngoài hay nhất" tại Oscar 2007...

“Lặng yên dưới vực sâu” cũng là một tác phẩm nổi tiếng của Nhà văn Đỗ Bích Thúy. Tác phẩm này được chuyển thể thành bộ phim truyền hình cùng tên của Đạo diễn Đào Duy Phúc. Phim lấy bối cảnh vùng cao nguyên đá Hà Giang đẹp tuyệt với những dãy núi đá tai mèo nhọn hoắt, sương khói bảng lảng, ngôi nhà ẩn sau bờ rào đá, tà váy xòe rực rỡ của các cô gái Mông và đặc biệt là những cánh đồng hoa tam giác mạch hồng rực trải khắp các triền núi… Phim còn đưa khán giả đến với những phong tục tập quán của người Mông với lễ hội, tang ma, cưới xin, các làn điệu dân ca độc đáo và tiếng sáo H'Mông da diết, vang vọng giữa núi rừng…

Cuối năm 2021, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sông Thương Garden đã giới thiệu ca kịch “Khát vọng Dam Săn” trên trên nền sử thi Dam Săn của dân tộc Êđê. Ca kịch này do Nhạc sỹ Nguyễn Cường viết và làm tổng đạo diễn, Đoàn Ca múa dân tộc tỉnh Đắk Lắk biểu diễn. Giới chuyên môn cho rằng, có thể coi là vở nhạc kịch tạo nên bức tranh sinh động về màu sắc âm nhạc, có sự kết hợp giữa âm nhạc cổ điển phương Tây, đan xen với Pop, Rock và âm nhạc của đồng bào Êđê. Có thể nói, ca kịch “Khát vọng Dam Săn” đã góp phần đa dạng hóa các sản phẩm văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trong giai đoạn hiện nay...

Bộ phận không tách rời của văn học nghệ thuật Việt Nam

Mới đây, tại Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm 2022 diễn ra tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Nền văn hiến kỳ vĩ của dân tộc Việt Nam được tạo nên bởi 54 dân tộc anh em đoàn kết, gắn bó với nhau. Đó là một nền văn hóa đa dạng, phong phú, có sự thống nhất cao về ngôn ngữ, là tài sản vô cùng quý giá của dân tộc ta. Tôn trọng một dân tộc, trước hết là tôn trọng nền văn hóa của dân tộc đó. Chính sách dân tộc của Đảng đã tạo mọi điều kiện cho sự gìn giữ, phát triển tính khác biệt trong bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc, đồng thời làm cho văn hóa của các dân tộc hòa quện với nhau tạo thành văn hóa Việt Nam bền vững và tỏa sáng. Trong suốt tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, mỗi dân tộc với nền văn hóa đặc sắc của mình luôn sản sinh ra những người con ưu tú cho đất nước…

Văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số là bộ phận không thể tách rời của nên văn học, nghệ thuật Việt Nam, kế thừa và phát huy thành tựu của nền văn nghệ dân gian các dân tộc trong thời kỳ phát triển mới của đất nước. Các văn nghệ sỹ đã sáng tạo những tác phẩm giá trị, nói lên tiếng nói của đồng bào, lịch sử, xây dựng quê hương một cách gần gũi, chân thực, sống động.

Nhạc sỹ Nông Quốc Bình, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam cho biết: Trong sự phát triển chung của đất nước, ở vùng dân tộc và miền núi, quốc phòng - an ninh được giữ vững, kinh tế, văn hóa - xã hội có những bước phát triển lớn. Nhiều chính sách, chương trình, dự án đầu tư, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đã được triển khai thực hiện. Nhờ đó, đời sống người dân ở nhiều vùng đồng bào dân tộc được cải thiện rõ rệt. Công tác xóa đói giảm nghèo thu được nhiều kết quả. Đặc biệt, ở lĩnh vực  văn hóa - xã hội, một số đề án về bảo vệ, phát huy văn hóa dân tộc đã và đang được triển khai thực hiện ở Tây Nguyên, Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nam Bộ. Văn hóa truyền thống của dân tộc được tôn trọng, giữ gìn, phát  huy. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Di sản thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại…

Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam đã xác định, đời sống xã hội, thiên nhiên, con người miền núi, dân tộc là đề tài lớn, chứa đựng nhiều yếu tố của dân tộc và thời đại, đã và đang thu hút sự quan tâm, khám phá, tìm tòi với nhiều biểu đạt hình tượng nghệ thuật, làm phong phú và giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc. Hội đã phát triển đội ngũ văn nghệ sỹ dân tộc thiểu số và những người hoạt động văn học, nghệ thuật là người Kinh nhưng gắn bó, tâm huyết với miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thúc đẩy phong trào sáng tác văn học, nghệ thuật và sưu tầm văn hóa văn nghệ dân gian.

Nhạc sỹ Nông Quốc Bình nhấn mạnh: Đáng chú ý là ngày càng nhiều tác giả dân tộc thiểu số có ý thức và quan tâm nhiều hơn đến việc sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ và song ngữ.

Trong nền văn học đương đại, chúng ta có thể thấy những tên tuổi của Nông Quốc Chấn - nhà thơ dân tộc nổi tiếng, tác giả văn học dân tộc thiểu số được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Cùng với đó là các nhà văn, nhà thơ như Nông Minh Châu, Cầm Biêu, Bàn Tài Ðoàn, Vương Anh, Lương Quy Nhân, Mã Thế Vinh, Nông Viết Toại, Mã A Lềnh…Không chỉ có đội ngũ văn nghệ sỹ người dân tộc thiểu số mà đề tài này cũng đã thu hút nghệ sỹ người Kinh qua các thời kỳ.

Có thể thấy rõ nét hình ảnh đồng bào các dân tộc qua tác phẩm của các nhà văn nổi tiếng như: Tô Hoài, Nguyên Ngọc, Thu Bồn, Nguyễn Khoa Ðiềm, Mạc Phi, Ma Văn Kháng, Trung Trung Ðỉnh, Cao Duy Sơn... Những năm gần đây, một số cây bút trẻ là người dân tộc thiểu số được đánh giá cao về chất lượng tác phẩm, như: Hoàng Chiến Thắng, Lý Hữu Lương, Triệu Hoàng Giang, Nguyễn Toan, Phùng Hương Ly, Nguyễn Luân, Lý A Kiều…

Công tác sưu tầm, nghiên cứu văn học dân gian các dân tộc thiểu số trước còn hạn chế thì nay đã xuất hiện nhiều công trình sưu tầm, nghiên cứu, biên dịch các loại hình văn nghệ dân gian của các dân tộc Tây Nguyên, Chăm, Tày, Nùng, Mường, Dao, Thái, Mông, Khmer và nhiều dân tộc khác của các tác giả được biên soạn công phu, có giá trị cao.

Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam đã xây dựng kế hoạch và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam” giai đoạn I (2015 - 2020). Đề án đã xuất bản rất nhiều đầu sách của các tác giả là người dân tộc thiểu số; sách có nội dung phong phú, phản ánh đời sống của đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa.

Đặc biệt, Giải thưởng Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số năm 2020 đã tôn vinh các tác phẩm với 9 giải B, 15 giải C, 25 giải Khuyến khích, một tặng thưởng. Trong 9 giải B, có những tác phẩm văn học nghệ thuật ấn tượng của các tác giả người dân tộc thiểu số như: tản văn “Chín bậc thang nhà người” của Phạm Tú Anh; ca khúc “Tình núi” của Krajan K’dick và “Nhớ” của Linh Nga Niê Kdam…

Bài 2: Văn hóa các dân tộc tạo nên bản sắc Việt Nam

Thanh Giang (TTXVN)
Bế mạc Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ III tại Lai Châu
Bế mạc Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ III tại Lai Châu

Sau 3 ngày tổ chức với nhiều hoạt động hấp dẫn, phong phú, chiều 26/12, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Lai Châu tổng kết bế mạc Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ III năm 2021 với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông - Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN