Công văn 2662 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam được ban hành, đã nhận được nhiều ý kiến đồng thuận trong cộng đồng. Trước sự tràn lan của các linh vật ngoại lai như hiện nay, các đơn vị quản lý, nhà nghiên cứu chuyên môn, các nhà mỹ thuật cũng đã lên tiếng và đưa các giải pháp cho vấn đề này.
Đôi sư tử đá ở chùa Vân Hồ, Hà Nội. Ảnh: phatgiao.org.vn |
Lỗ hổng về kiến thứcThực tế, từ năm 1996, khi những con sư tử đá bắt đầu xuất hiện ở chùa Một Cột và trong một ngôi đình ở Từ Sơn, Bắc Ninh… Bộ Văn hóa Thông tin (cũ) đã có văn bản khuyến cáo việc loại bỏ các linh vật ngoại lai, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, ra khỏi các di tích. Tuy nhiên, do vấn đề này chưa được giải quyết triệt để, nên mới thành “vấn nạn” như hiện nay.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc: “Nguyên nhân là do chúng ta đang có một lỗ hổng về kiến thức văn hóa lịch sử. Và nói hơi nặng lời là chúng ta đang thiếu bộ “Lễ”, thiếu những quy chuẩn về văn hóa, nên mới xảy ra những câu chuyện như vậy”.
Cũng theo nhiều nhà nghiên cứu, để lấp đầy lỗ hổng về văn hóa lịch sử như hiện nay, các cơ quan đầu ngành, các nhà chuyên môn phải nghiên cứu một cách cụ thể, rõ ràng hiện tượng linh vật ngoại lai xuất hiện tràn lan trong các di tích và từ đó định hướng cho cộng đồng.
Chúng ta cũng cần phải tăng cường hơn nữa việc phổ biến, tuyên truyền để người dân hiểu được thế nào là linh vật ngoại lai, thế nào là linh vật thuần Việt, cũng như cách người Việt trong lịch sử đã thờ các linh vật truyền thống của mình.
Ngoài việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng về linh vật, theo ông Dương Trung Quốc, chúng ta không nên đặt vấn đề này như một sự kỳ thị, mà phải phân loại các không gian cụ thể.
Ở đâu đó, một doanh nghiệp nước ngoài hoặc tư nhân hay cá nhân nào đó sử dụng sư tử đá, thì vẫn nên tôn trọng họ. Tuy nhiên, với không gian di tích lịch sử, không gian của các cơ quan thì Nhà nước cần quản lý.
“Ở những không gian như: Chùa chiền thì phải có sự tham gia của Giáo hội Phật giáo để thống nhất không thể đưa vật lạ vào. Còn trong không gian của công sở thì cũng không có lý do gì để thờ linh vật cả. Có sự vô lý này vì từ trước tới nay chúng ta chưa có hướng dẫn, chưa có chuẩn mực cụ thể nào”, ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh.
Sáng tạo để tôn vinh
Hiện nay, sư tử đá thì đang “thịnh hành” trong khi nhắc tới con nghê, con sấu, là những linh vật Việt Nam vẫn được thờ bao đời nay và hiện còn rất nhiều trong các di tích lịch sử thì nhiều người lại gần như không biết gì về nó. Việc nghê lép vế trước sư tử đá là một hệ quả của việc chưa làm tốt việc tôn vinh các linh vật truyền thống.
Theo PGS.TS Tống Trung Tín, Viện Khảo cổ học: “Tôi nghĩ ngoài việc bảo tồn những mẫu linh vật, linh tượng truyền thống, chúng ta có thể sáng tác thêm những mẫu mới thật đẹp. Biến chuyện này thành chuyện của toàn dân, toàn thể các cơ quan, ban ngành, để tất cả cùng vào cuộc”.
Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Việt: “Hiện tượng nhập cư kèm theo sự du nhập của các yếu tố tâm linh, trong đó có linh thú, là điều đương nhiên. Những gì ta tiếp nhận được là vì nó khớp với môi trường, cụ thể như sư tử là khớp với thị hiếu của người dân trong thời kỳ kinh tế thị trường. Vậy thì khi muốn tôn vinh và sáng tạo thêm những mẫu linh vật truyền thống ta cũng nên dựa vào những yếu tố “khớp” đó”.
Tiếp nhận ý kiến của các nhà nghiên cứu, của người dân trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên cũng đã có những chỉ đạo cụ thể về việc vào cuộc loại bỏ các yếu tố ngoại lai trong hệ thống linh vật Việt: “Bộ VHTTDL giao cho Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (MTNATL) từ nay đến hết tháng 12/2014 phải hoàn thành việc biên tập và xuất bản một cuốn kỷ yếu về linh vật Việt, phối hợp với các nhà nghiên cứu xuất bản bộ sách cẩm nang về hoa văn, biểu tượng trang trí trong mỹ thuật truyền thống Việt Nam. Đồng thời cũng giao cho Cục MTNATL đề xuất tổ chức cuộc thi sáng tác biểu tượng linh vật mang dấu ấn đương đại, sẽ thực hiện trong năm 2015. Cục cũng sẽ chủ trì thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ về hình tượng sư tử và nghê từ truyền thống đến đương đại, từ lý thuyết đến các mẫu ứng dụng. Phải làm rõ bản sắc Việt Nam trong các mẫu linh vật đó. Bộ cũng giao cho Cục Di sản văn hóa, phối hợp với Thanh tra Bộ tiếp tục thanh tra, kiểm tra tại các di tích, làm tốt công tác tuyên truyền để người dân thực hiện tốt việc không sản xuất, không sử dụng cũng như không cung tiến các biểu tượng, linh vật ngoại lai. Đặc biệt, tới đây Bộ cũng sẽ chỉ đạo Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL) phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị chức năng tìm ra một cơ chế để đưa các nghệ nhân của các làng nghề thủ công truyền thống đến giảng dạy tại các trường Mỹ thuật, để sinh viên có cơ hội tiếp cận với văn hóa truyền thống, từ đó sáng tác và truyền bá tốt hơn các giá trị văn hóa của dân tộc”.
Tạ Nguyên