Ngay trong tối 25/10, Lễ khai mạc “Ngày Văn hóa, Du lịch Ninh Thuận” đã diễn ra mở đầu cho hàng loạt các hoạt động đặc sắc như biểu diễn nghệ thuật hát, múa, trình diễn trang phục truyền thống Chăm “Sắc màu Ninh Thuận”; trích đoạn các lễ hội dân gian độc đáo, giới thiệu nhạc cụ và giao lưu, hướng dẫn múa truyền thống, biểu diễn, hướng dẫn nghệ thuật làm gốm Bàu Trúc, triển lãm ảnh đẹp Ninh Thuận…
Lần đầu tiên ngay tại trung tâm Hà Nội, du khách được đắm mình trong điệu múa Apsara với những vũ nữ Chăm mềm mại, trong tiếng kèn Saranai, tiếng trống Paranưng… rộn ràng. Tại đây, các nghệ nhân đã giới thiệu nhạc cụ trống Ginăng, trống Paranưng, Ceng (chiêng), kèn Saranai, Grong (lục lạc), đàn Kanhi... và hướng dẫn du khách tham gia các điệu múa Chăm như: Biyen, Tiaung, Patra, Wah gaiy, Mưrai...
Du khách đến với “Ngày Văn hóa, Du lịch Ninh Thuận” còn được giới thiệu văn hóa ẩm thực đa dạng của vùng đất đầy nắng gió đặc trưng như: Các món ăn được chế biến từ thịt cừu, rượu vang, những trái nho tươi căng mọng đậm vị, thanh mát, hay những quả táo xanh giòn, các sản phẩm đặc thù của tỉnh Ninh Thuận cũng được Ban tổ chức trưng bày, giới thiệu đến du khách.
Trong không gian ngày hội còn có các gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm nghề thủ công truyền thống. Du khách sẽ được tận mắt chứng kiến bàn tay tài hoa, khéo léo của các nghệ nhân làng gốm Bàu Trúc, làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp trình diễn chế tác sản phẩm truyền thống của mình.
Ông Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận nhấn mạnh: “Ninh Thuận xác định mục tiêu năm 2020 du lịch trở thành ngành kinh tế động lực, năm 2025 sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn. Mục tiêu trên được cụ thể: Năm 2020 sẽ đón 2,5 triệu lượt khách, trong đó 8 - 10% là khách quốc tế, doanh thu đạt khoảng 1.450 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 13% lao động. Sự kiện xúc tiến như “Ngày Văn hóa - Du lịch Ninh Thuận” tại Hà Nội sẽ góp phần quan trọng để hoàn thành những mục tiêu này”.
“Ngày Văn hóa, Du lịch Ninh Thuận” tại Hà Nội là một trong những sự kiện quan trọng nhằm cụ thể hóa hợp tác giữa Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Thuận với Thành ủy và UBND thành phố Hà Nội trên lĩnh vực văn hóa và du lịch; quảng bá nét đẹp văn hóa các dân tộc tỉnh Ninh Thuận, sản phẩm du lịch, sản phẩm đặc thù của tỉnh Ninh Thuận đến với người dân Hà Nội và du khách cả nước.
Với địa hình bán sa mạc điển hình cùng chiều dài 105km bờ biển tuyệt đẹp, trầm tích văn hóa đặc sắc, các làng nghề truyền thống, vườn nho, đồng cừu… Ninh Thuận đang dần trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt, điểm đến trải nghiệm mới của châu Á. Chỉ tính trong 9 tháng năm 2019, Ninh Thuận đón trên 2 triệu lượt khách đến tham quan, du lịch. Song hành cùng sự gia tăng đột biến của lượng du khách, vùng đất chiếm vị trí trung tâm của tam giác du lịch Nha Trang - Đà Lạt và Phan Thiết cũng trở thành "cái phễu" khổng lồ thu hút những dòng vốn lớn từ những nhà đầu tư lớn.
Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 58 dự án đầu tư về du lịch - nghỉ dưỡng, với tổng vốn đăng ký đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng. Trong khi đó, sức hút của du lịch vẫn không ngừng tăng mạnh và tiến nhanh trên hành trình trở thành điểm đến mới của châu Á nhờ chiến lược và hoạt động xúc tiến, quảng bá mạnh mẽ của tỉnh Ninh Thuận.