Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lưu Xuân Vĩnh khẳng định: Phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” đã được cụ thể hóa và triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Từ phong trào, nhiều mô hình, điển hình tiên tiến đã xuất hiện, từng bước phát huy và nhân rộng, góp phần tô đậm thêm nét đẹp vùng nông thôn.
Những năm qua, phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” tại Ninh Thuận đã thực sự đi vào chiều sâu, được các cấp, ngành hưởng ứng và được người dân nhiệt tình tham gia, tạo được sự ủng hộ của toàn xã hội. Qua phong trào, đã xuất hiện nhiều mô hình, gương điển hình tiên tiến trên nhiều lĩnh vực kinh tế; văn hóa-xã hội; an ninh-quốc phòng…
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, ở nhiều địa phương trong tỉnh, khi bắt đầu tham gia xây dựng nông thôn mới, người dân đã xác định rất cụ thể quyền và nghĩa vụ của mình. Nhờ đó, người dân đã góp hàng vạn ngày công, tự nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp, đất thổ cư; đồng thời tự phá dỡ tường rào, công trình phụ và nhà ở để làm và mở rộng đường trục thôn, đường trong khu dân cư và xây dựng kênh mương, đường giao thông nội đồng.
Nhiều hộ dân mặc dù đời sống còn gặp nhiều khó khăn nhưng vì sự phát triển của vùng quê vẫn tự nguyện hiến đất để phục vụ xây dựng nông thôn mới. Điển hình như ông Pi Năng Tình ở xã Phước Tân (huyện Bác Ái) hiến 2.000 m2 đất; chị Bây Thị Súng ở xã Mỹ Sơn (huyện Ninh Sơn) hiến 5.000 m2 đất để xây dựng trường học; 30 hộ dân ở xã Công Hải (huyện Thuận Bắc) hiến trên 1.000 m2 đất; 18 hộ dân ở xã Phước Thái (huyện Ninh Phước) hiến gần 4.000 m2 đất làm đường, làm kênh mương nội đồng…
Ông Nguyễn Đô, Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước, chia sẻ: Không những tự nguyện đóng góp, người dân địa phương còn mạnh dạn vận động các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trên địa bàn hỗ trợ kinh phí để người dân tham gia thực hiện làm đường giao thông nội thôn, nội đồng… Đáng ghi nhận, vừa qua trên địa bàn huyện có hai doanh nghiệp đã chung tay đóng góp 3,6 tỷ đồng để thực hiện cứng hóa đường nội thôn, nội đồng ở một số địa phương trong huyện.
Được sự hỗ trợ của Nhà nước, sự quan tâm đầu tư của tỉnh, chủ động đưa những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhiều mô hình như: “1 phải, 5 giảm” trong sản xuất lúa; nuôi bò, dê, cừu vỗ béo; tưới nước tiết kiệm; sản xuất cánh đồng lớn, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất… đã được hình thành, mang lại hiệu quả kinh tế và từng bước được nhân rộng, góp phần tích cực trong việc cải thiện và nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân.
Từ hiệu quả của các mô hình sản xuất mang lại, nhiều hộ đã và đang trở thành những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi với quy mô lớn. Tiêu biểu như hộ ông Nguyễn Thất ở xã Quảng Sơn (huyện Ninh Sơn); hộ ông Châu Văn Năng ở xã An Hải; hộ ông Nguyễn Mọi ở xã Phước Thuận (huyện Ninh Phước); hộ ông Nguyễn Tiềm ở xã Công Hải (huyện Thuận Bắc); hộ ông Nguyễn Văn Thành ở thị trấn Khánh Hải (huyện Ninh Hải)… đạt doanh thu từ hàng trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng/năm. Họ chính là những bông hoa đẹp giữa đời thường, bởi họ không chỉ lo làm giàu chính đáng cho gia đình, mà còn có những đóng góp quan trọng cho công tác an sinh xã hội, giúp giải quyết việc làm ổn định cho hàng trăm lao động vùng nông thôn.
Phát huy tinh thần tương thân, tương ái, người dân ở nhiều địa phương của tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng nên những mô hình thực sự ý nghĩa như: "Hũ gạo tình thương"; thu gom rác thải vật tư nông nghiệp; xây dựng tuyến đường sáng, xanh, sạch đẹp và an toàn; tộc họ tự quản, dòng họ tự quản; xứ đạo bình yên; thanh niên xung kích vì an ninh, trật tự… đã tạo sức lan tỏa, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần của người dân, đảm bảo an, ninh trật tự vùng nông thôn.
Theo Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Ninh Thuận, tính đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 20/47 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 42,55%; trong đó có 16 xã đạt chuẩn theo bộ tiêu chí cũ và 4 xã đạt chuẩn theo bộ tiêu chí mới. Đến cuối năm 2019, dự kiến có thêm 5 xã và 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành chỉ tiêu của giai đoạn sớm trước một năm.