Sự ra đi của Trần Lập gây sững sờ cho nhiều người, nhất là giới trẻ. Họ đã trông chờ một phép màu sẽ đến với nhạc sĩ của “Tâm hồn của đá”, “Bông hồng thủy tinh”; họ đã cảm phục và đồng hành với hành trình lạc quan chiến đấu cùng bệnh tật của chàng rocker, cùng anh vui buồn trong những ngày trên giường bệnh, trong phòng mổ và trên sân khấu hát chương trình cuối cùng của đời mình; một chương trình bùng cháy như ngôi sao băng bừng sáng với niềm lạc quan ngời ngỡi như anh đã từng thể hiện trong ca khúc “Đường đến ngày vinh quang” của mình.
Còn nhớ những ngày đầu tháng 11/2015, cả cộng đồng mạng, rồi những khán giả yêu âm nhạc, sững sờ khi nghe tin thủ lĩnh rock Trần Lập, linh hồn của ban nhạc Bức Tường, cũng chính là một trong những người đầu tiên khai phá mảnh đất rock trong làng nhạc Việt Nam; phát hiện bị ung thư trực tràng. Bắt đầu bằng hình ảnh trên giường bệnh anh chia sẻ ngày 3/11 trên trang facebook cá nhân, sau đó là một status dài về bệnh ung thư ngày 4/11.
Đêm nhạc “Đôi bàn tay thắp lửa” của Trần Lập. Ảnh: BTC |
Cũng từ thời điểm đó, sức khỏe của Trần Lập đã không còn là chuyện riêng của anh, của vợ và các con anh, của các thành viên ban nhạc Bức Tường hay CLB mô tô mà anh là thành viên; mà đã là chuyện của cả cộng đồng mạng và đông đảo những khán giả, cùng bạn bè, đồng nghiệp. Họ đã vào cuộc với Trần Lập, đồng hành cùng anh trong mỗi ngày chống chọi với căn bệnh, trong mỗi ngày cố gắng lạc quan để chiến đấu và “cháy hết mình”. Mà đỉnh điểm chính là liveshow cuối cùng “Đôi bàn tay thắp lửa”, diễn ra ngày 16/1, tại Trung tâm Triển lãm Giảng Võ, với số lượng khán giả lên tới 10.000 người, trong đó không ít là những ca sĩ, nhạc sĩ, những người trong giới.
Trần Lập đã được yêu tới vậy, yêu nồng nàn cho tới giây phút anh trút hơi thở cuối cùng, 12h45 trưa ngày 17/3, cái ngày mà dân mạng bảo sao mà “tăm tối”, khi cùng với Trần Lập, một nghệ sĩ quốc tế nữa cũng qua đời.
Vậy là cuối cùng, “Tâm hồn của đá” cũng đã rời xa chúng ta, trở về với một nơi mà căn bệnh sẽ không còn hành hạ, làm anh đau đớn mỗi ngày nữa. Sự ra đi ấy, với mỗi chúng ta thật nặng nề làm sao, nhưng với Trần Lập, xem ra lại khá thanh thản. Bởi anh đã bình tĩnh sống cho mỗi ngày, khi còn khỏe mạnh, đến khi mắc bệnh, những ngày còn được hát, những ngày mê mệt trên giường bệnh, những ngày khỏe lên đôi chút đủ để anh có thể ngồi ngắm nắng, những ngày yếu đi trông thấy, khiến bạn bè người thân ai cũng xót xa… Bình tĩnh sống hết mình, bình tĩnh cháy như tia lửa trên biểu tượng của ban nhạc Bức Tường.
Có lẽ, nếu anh không bình tĩnh thế, nếu anh không lạc quan thế; mỗi chúng ta đã không cảm thấy đau lòng đến thế khi anh chia xa. Cũng bởi, thay vì than khóc, thay vì đau đớn cho sự bất hạnh của mình, anh đã chấp nhận và dành những giờ phút cuối, những sức khỏe cuối để làm những việc có ý nghĩa: Chia sẻ về căn bệnh ung thư, truyền lửa và mang lại niềm tin cho những người bị bệnh ung thư như mình, truyền lại tình yêu âm nhạc cho đồng nghiệp, khán giả bất chấp nỗi đau của xạ trị, chung tay giúp đỡ những số phận bất hạnh trong xã hội. 100 triệu đồng thu được từ liveshow “Những bàn tay thắp lửa” đã được anh và bạn bè trao tặng cho 10 bệnh nhân tại bệnh viện K3 Tân Triều, nơi anh điều trị bệnh.
Giữa những hành động không ngừng nghỉ ấy, thay vì được mọi người động viên, chia sẻ; chính Trần Lập lại trở thành chỗ dựa tinh thần cho người thân: “Bệnh nhân ung thư đi phẫu thuật, đi xạ trị bị phản ứng phụ là chuyện có gì lạ đâu. Mọi lần mình không kể chi tiết các đau đớn vì nó là chuyện thường tình mà người bệnh gặp phải. Có phải mới đau một lần là kêu la lên mạng đâu, phiền mọi người ra. Mình điều trị mấy tháng rồi, lúc đau này đau kia thì cũng chỉ nói là phải chiến đấu, có thế thôi mà. Còn chuyện ung thư thì ai nói trước là sống thêm được bao lâu. 1 năm, 3 năm, 5 năm, 10 năm, 15 năm là chuyện ai mà biết chắc, quan trọng là ta sống có ý nghĩa thế nào với phần đời tiếp sau biến cố này mà thôi. Ung thư nguy hiểm thật nhưng lạc quan lên mà tìm đường thoát hiểm…”.
Đấy, phải chăng chính là bản lĩnh của một “tâm hồn đá”, của một người đã luôn là chỗ dựa tinh thần cho cả một thế hệ thanh niên 7X, rồi sau này là 8X, đến 9X bằng những ca khúc như dứt ruột, dứt gan của mình; những ca khúc cứng cỏi và đầy bản lĩnh, những ca khúc khiến người ta có thêm niềm tin, nghị lực để tiến tới: “Đường đến những ngày vinh quang, con đường chúng ta đã chọn”.
Hơn 4 tháng cho hành trình vượt lên số phận. Gần 22 năm tính từ ngày anh cùng bạn bè lập ra ban nhạc Bức Tường, ban nhạc thần tượng cho giới sinh viên những năm 90 (ngày 26/3/1995). Những con số sẽ là dấu ấn trong cuộc đời của chàng rocker với khuôn mặt vuông vức đầy bản lĩnh, với chiếc đàn ghita không mấy khi vắng bóng trên tay anh… Tiễn Trần Lập về với cõi vĩnh hằng, chợt bỗng hiểu có những cuộc đời sống ngắn, nhưng lại không sống hoài, sống phí. Bởi như chia sẻ của rất nhiều khán giả, anh đã truyền lửa cho họ, anh đã “thổi hồn vào nhiều giai điệu lay động trái tim hàng triệu người, trong đó có mình!”…
Trần Lập (tên khai sinh Trần Quyết Lập), sinh ngày 12/12/1974, tại Hà Nội, quê tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, sớm thể hiện năng khiếu âm nhạc. Khởi đầu sự nghiệp nghệ thuật khi theo học lớp kỹ thuật biểu diễn và thanh nhạc của khoa Sân khấu, trường CĐ Nghệ thuật Hà Nội từ năm 1993 đến năm 1997; đồng thời Trần Lập cũng theo học và tốt nghiệp khoa Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội vào năm 2001.
Ngày 26/3/1995, Trần Lập cùng một số bạn bè thành lập ban nhạc rock Bức Tường và giữ cương vị thủ lĩnh của nhóm từ khi thành lập đến khi tan rã vào năm 2006. Anh cũng đảm nhận vai trò sáng tác chính với hơn 30 ca khúc, đặc biệt với nhạc phẩm "Đường đến đỉnh vinh quang", cùng các thành viên của mình đã đưa Bức Tường trở thành ban nhạc rock có số lượng người hâm mộ lớn nhất tại Việt Nam. |