Phát biểu tại lễ khai mạc, phóng viên nhiếp ảnh Minh Lộc cho biết: “Mỗi bức ảnh tham gia ra triển lãm lần này đã giúp tôi gợi nhớ về những kỉ niệm của một thời cầm máy tham gia ở các chiến trường từ Bắc vào Nam. Mỗi chiến trường để lại cho tôi một kỉ niệm không thể nào quên, những kỉ niệm này được tôi truyền tải lên những bức ảnh triển lãm hôm nay. Tôi hy vọng, thông qua triển lãm, các bạn trẻ, người xem sẽ hiểu rõ hơn về cuộc chiến tranh của nhân dân Việt Nam, về những con người bất khuất trung kiên trong thời chiến, hiểu về những vùng đất dù bị chiến tranh tàn phá xong vẫn hồi sinh kiên cường, anh dũng”.
Phóng viên nhiếp ảnh Minh Lộc phát biểu tại buổi khai mạc triển lãm ảnh. |
Mỗi bức ảnh trong triển lãm lần này của nghệ sỹ nhiếp ảnh (NSNA) Minh Lộc đều là những khoảnh khắc mang tính lịch sử ghi dấu những con người, vùng đất mà tác giả đi qua trong suốt cuộc đời cầm máy. Chẳng hạn như những bức ảnh về con người, vùng đất mỏ Quảng Ninh, nơi ông gắn bó hơn 10 năm khi bắt đầu làm phóng viên tại Thông tấn xã Việt Nam. Tại đây, ông đã đã ghi lại đời sống, sản xuất sinh động, nóng hổi hơi thở cuộc sống ở nhiều mỏ than Quảng Ninh, như: Vàng Danh, Đèo Nai, Mạo Khê, Thống Nhất, Hà Tu, Cọc Sáu… và khu nhà sàn Bến Cửa Ông.
Ban tổ chức cắt băng khai mạc triển lãm "Những khoảnh khắc lịch sử" tại Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh. |
Khi đến với tuyến lửa Vĩnh Linh (Quảng Trị), nơi đã nuôi dưỡng và giúp ông trưởng thành, NSNA Minh Lộc lại cho ra đời nhiều bức ảnh “có tính thời sự nóng hơn lửa” để gửi tới độc giả.
Rời Quảng Trị, ông lại trở về Hà Nội. Tại đây ông đã bắt tay ngay vào công việc và cùng đồng nghiệp tham gia trận chiến 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” để kịp thời ghi lại được những tội ác của đế quốc Mỹ sau những làn mưa bom hủy diệt trên địa bàn Hà Nội. Trong đó, có những hình ảnh máy bay Mỹ bị bắn rơi cũng được ông ghi lại rõ nét, tiêu biểu như bức ảnh chụp chiếc máy bay B52 bị bắn rơi tại làng hoa Ngọc Hà…
Các đại biểu xem những bức ảnh trung bày tại triển lãm của phóng viên nhiếp ảnh Minh Lộc. |
Đầu năm 1973, ông lại rời Hà Nội vào B2 – chiến trường miền Nam. Từ ngày 4/4/1975, ông theo đoàn quân của ta từ Tây Ninh tiến về Sài Gòn và có mặt tại Sài Gòn đúng lúc Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Không chỉ trong kháng chiến chống Mỹ, trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, ông là một trong số các nhà báo có mặt tại mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) để có được những tấm ảnh đầy đầy ắp thông tin và đáng “để đời” trong cuộc đời làm phóng viên ảnh.
Triển lãm này kéo dài từ ngày hôm nay đến hết 30/4.