Triển lãm là hoạt động nhằm đẩy mạnh xuất khẩu thủ công mỹ nghệ và tiêu thụ nội địa, đặc biệt là tạo các hoạt động có tính chuyên nghiệp và văn hóa cao phục vụ du khách và người dân dịp cuối tuần.
Theo BTC cho biết, “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP) là phong trào phát triển vùng của Nhật Bản, được Thống đốc Morihiko Hiramatsu khởi xướng tại quận Oita vào năm 1979. Đây là một mô hình rất đặc biệt và có ý nghĩa bởi tham gia mô hình, mỗi cộng đồng lựa chọn sản xuất các loại hình hàng hóa có giá trị gia tăng cao; một làng sản xuất một sản phảm cạnh tranh như một doanh nghiệp để đạt được doanh thu nhằm cải thiện mức sống cho cư dân làng đó.
Một trong sản phẩm tham gia triển lãm năm 2015. Ảnh: laodongthudo.vn |
Có 3 nguyên tắc trong phong trào OVOP đó là: Tạo ra các loại sản phẩm, dịch vụ có chất lượng toàn cầu dựa trên cơ sở nguồn lực của địa phương; đề cao tính tự chủ và sáng tạo; tập trung phát triển nguồn nhân lực của địa phương. Đặc điểm chung đối với cả 3 nguyên tắc này là việc nhấn mạnh vào quyền sở hữu địa phương. OVOP đã phát triển rất thành công tại Nhật Bản và nhiều nước, đặc biệt là các nước nông nghiệp, có nhiều làng nghề.
Tại Việt Nam, Thủ đô Hà Nội tiên phong triển khai phong trào OVOP, bắt đầu bằng việc tổ chức triển lãm lần này.Với tiêu chí “Thiết kế sáng tạo” đã được đề ra ngay từ khi xây dựng đề án, triển lãm OVOP Việt Nam được xác định là một triển lãm thật sự ấn tượng ở đẳng cấp quốc tế, một sự kiện thể hiện sự sáng tạo, nét đẹp rất độc đáo của sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề Việt nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Đây cũng là nơi giao lưu của những sản phẩm, sáng tạo trong sắp đặt và sáng tạo ngay trong công tác tổ chức. Theo đánh giá của BTC, nếu làm tốt, đây là sẽ là một sự khác biệt so với các hội chợ làng nghề hiện nay.
Cụ thể, triển lãm sẽ gồm 30-40 gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đặc biệt là các sản phẩm quà tặng thủ công chất lượng cao với thiết kế dẹp do chuyên gia nước ngoài tư vấn. Tập trung vào các nhóm sản phẩm: sơn mài- khảm trai, mây tre đan, gốm sứ, thêu- ren, gỗ, dệt may, hàng giấy- tranh in dân gian; kim khí, chạm- điêu khắc đá, hàng sừng, thủy tinh, nến, tinh dầu… Các sản phẩm trưng bày phải đảm bảo các tiêu chí: có thiết kế mới, có thể sử dụng làm quà tặng cho khách du lịch, có nguồn gốc 100% từ các làng nghề và doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ Việt Nam.
Bên cạnh đó, sẽ là phần trình diễn không gian ánh sáng làng nghề, trình diễn sắp đặt trưng bày các loại sản phẩm đèn trang trí được thiết kế từ các chất liệu tre, gỗ, lụa, giấy, gốm… để tạo hiệu ứng ánh sáng và không gian ánh sáng, đảm bảo tính thẩm mỹ. Đây là sự kiện đặc biệt được kỳ vọng mở rộng trong những năm tới để quảng bá sản phẩm của các làng nghề Hà Nội, tạo điểm nhấn trong không gian đi bộ xung quanh bờ hồ Hoàn Kiếm, góp phần quảng bá và thu hút khách du lịch đến Hà Nội.
Tại khu vực trước Tượng đài Lý Thái Tổ sẽ là các tác phẩm đèn sắp đặt nghệ thuật gồm các cụm đèn Hoa sen, cụm đèn Phố cổ Hà Nội, cụm đèn tre kết hợp nón xếp hình hoa sen… Dọc vỉa hè, thảm cỏ hai bên đường Lê Lai và Lê Thạch với các tác phẩm đèn tre, lụa, đèn sơn mài, đèn cườm với hai màu chủ đạo xanh và trắng. Tại Nhà Bát Giác sẽ trình diễn các loại đèn kết hợp hiệu ứng ánh sáng hỗ trợ hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn sản phẩm của các nghệ nhân…