Tại chương trình, 40 nghệ sĩ, diễn viên, người mẫu đã trình diễn hơn 200 bộ trang phục áo dài và thời trang trên nền vải thổ cẩm, được nghệ nhân dệt bằng sợi tơ. Những bộ trang phục này được Nhà thiết kế Minh Hạnh cùng cộng sự thiết kế sinh động, phù hợp giữa bảo tồn văn hóa truyền thống và khuynh hướng hiện nay.
Hàng trăm du khách đã rất hào hứng chứng kiến buổi trình diễn thời trang độc, lạ trong khung cảnh hồ Xuân Hương thơ mộng, giữa tiết trời mưa bay nhẹ. Buổi biểu diễn tạo ấn tượng đặc biệt khi bên cạnh người mẫu chuyên nghiệp còn có những diễn viên quần chúng là cụ ông, cụ bà, các em nhỏ đồng bào dân tộc Tây Nguyên tạo nên không gian sống động của buôn làng, núi rừng cao nguyên.
Tham dự buổi trình diễn, các đại biểu, du khách và người dân địa phương được hòa mình vào Không gian văn hóa Tây Nguyên, chiêm ngưỡng những ngôi nhà truyền thống, hình dung nếp sống của đồng bào dây tộc Tây Nguyên qua bộ sưu tập gần 6.000 cổ vật văn hóa, chứng kiến sự kết hợp đầy nghệ thuật của những bức tranh phong cảnh Đà Lạt. Các bức tranh này được in trên nền tơ lụa của Công ty Vietnam Silk House - doanh nghiệp sản xuất sản phẩm tơ lụa hàng đầu của Việt Nam đóng trên địa bàn thành phố Bảo Lộc.
Ông Đặng Quang Tú, Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt cho biết, năm 2023, thành phố tổ chức nhiều chương trình, sự kiện đặc sắc chào mừng kỷ niệm 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển. Các chương trình được tổ chức trải dài trong năm và tập trung cao điểm vào cuối tháng 12/2023. Chương trình nghệ thuật thời trang các dân tộc Tây Nguyên là một hoạt động có ý nghĩa quan trọng nhằm đẩy mạnh triển khai Chương trình hành động của Tỉnh ủy Lâm Đồng, Kế hoạch thực hiện của UBND thành phố Đà Lạt hiện thực hóa quan điểm, nội dung, Nghị quyết số 23-NQ-TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tình Lâm Đồng và thành phố Đà Lạt.
Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, toàn tỉnh có khoảng trên 9.700 ha trồng dâu với trên 15.000 hộ dân sinh sống bằng nghề trồng dâu, nuôi tằm. Các địa phương đang phát triển nghề tằm tơ nhất là huyện Lâm Hà với 3.510 ha trồng dâu, huyện Đạ Tẻh với 1.662 ha, huyện Đức Trọng với 1.650 ha, thành phố Bảo Lộc với 749 ha, huyện Di Linh với 706 ha... Diện tích cây dâu tằm tăng bình quân 8 - 10%/năm, chủ yếu do chuyển đổi từ một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang phát triển trồng dâu, nuôi tằm có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Đặc biệt, thành phố Bảo Lộc từ lâu đã trở thành thủ phủ của ngành dâu tằm Việt Nam. Hiện nay, Bảo Lộc có khoảng 30 doanh nghiệp tổ chức sản xuất và kinh doanh tơ tằm; trong đó 11 doanh nghiệp ươm tơ, 10 doanh nghiệp dệt lụa, 5 doanh nghiệp kinh doanh tơ lụa, 3 doanh nghiệp sản xuất trứng giống tằm và một doanh nghiệp kinh doanh trứng giống tằm. Sản lượng tơ của thành phố Bảo Lộc vào khoảng 1.000 tấn/năm, khoảng 5 triệu mét vải lụa các loại.
Với thế mạnh này, tỉnh Lâm Đồng đã tập trung quảng bá cho nghề tằm tơ thông qua các hoạt động truyền thông, quảng bá, trình diễn thời trang, tạo điều kiện cho nghề tằm tơ của tỉnh phát triển, đem lại việc làm cho hàng chục ngàn hộ dân.