Trùng tu di tích - không phải nhiều tiền là làm tốt

Vụ việc chùa Trăm Gian chưa kịp lắng xuống thì mới đây tại tỉnh Hưng Yên lại xảy ra việc đình cổ Ngu Nhuế - một di tích cấp quốc gia bị san phẳng. Những vụ việc gây xôn xao dư luận này được cho là "giọt nước tràn ly" bởi trước đó đã có không ít các di tích cũng bị trùng tu kiểu... "phá hại" như vậy.

Vì vậy, việc trùng tu làm sao để vừa tôn tạo, nâng tầm mà vẫn giữ được nét đẹp cổ kính, giá trị lịch sử nguyên vẹn đang được đặt ra cấp thiết. Ngay ở những dự án có tiền nhiều nhưng tôn tạo không đúng cách cũng là tác dụng ngược.

Sai phạm trong việc trùng tu Chùa Trăm Gian tại xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội. Ảnh hanoimoi.com.vn



*Những kiểu trùng tu “thừa tiền-thiếu hiểu biết”


Là một ngôi đình cổ được khởi dựng từ thế kỷ XII, dưới thời vua Tự Đức, năm 1989, đình Ngu Nhuế được Nhà nước xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Trải qua thời gian dài, đình đã bị xuống cấp nghiêm trọng ở nhiều hạng mục.

Tuy nhiên, thay vì việc chỉ đảo ngói trên dưới để chống dột và thay thế dui, mè hỏng như thống nhất (năm 2011), đến nay, người ta lại thấy một ngôi đình mới tinh trên nền ngôi đình cổ. Nhiều chi tiết tinh xảo làm nên giá trị đặc biệt của di tích kiến trúc lịch sử quốc gia này (mảng chạm, đầu kê, đòn bẩy được chạm lộng tinh xảo…) sau khi hạ giải cái mất, cái còn cũng không nguyên vẹn.

Trao đổi với các phóng viên, nhà nghiên cứu di sản văn hóa dân gian Trần Lâm Biền cho rằng: “Rất nhiều di sản đã bị phá bỏ một cách thẳng thừng để dựng lên một cái nhà mấy tầng rồi gọi là “chùa mới”. Một chùa mới được xếp hạng như Hội Xá (Long Biên, Hà Nội) được người ta xây dựng áp ngay chùa ấy một cái nhà 2 tầng, chùa cũ để mặc cho tốc mái, mưa xuống ướt tượng. Rồi chùa Nga My (Hai Bà Trưng, Hà Nội) hiện nay giông như một cái chùa Trung Quốc, hay chùa Võng Thị (Tây Hồ) khi trùng tu song xuất hiện hàng loạt những chiếu rồng, lư hương bằng đá trắng toát…

Về những kiểu trùng tu thừa tiền nhưng thiếu hiểu biết, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cũng phải thốt lên: “Tôi biết có trường hợp, có một người sẵn sàng cung tiến hàng trăm triệu đồng để sửa lại gác chuông có niên đại thế kỷ XVI bị hư hỏng với điều kiện cho phép làm bằng... bê tông!”

Theo thống kê từ Cục Di sản văn hóa, (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), đến hết tháng 8/2012, cả nước có 40.000 di tích văn hóa được kiểm kê, 23 di tích được Nhà nước xếp hạng Di tích Quốc gia cấp đặc biệt, trên 3.500 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 6.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Với số di tích khổng lồ như vậy nhưng ghi nhận từ ngành chức năng ở mỗi tỉnh, thành phố chỉ có một Ban quản lý di tích và số lượng nhân sự khá khiêm tốn nên việc quản lý kiểm soát các di tích đang gặp nhiều khó khăn.

Trở lại vụ việc ở chùa Trăm Gian, trong buổi họp với UBND huyện Chương Mỹ (Hà Nội) vừa qua, sư thầy Thích Đàm Khoa - Trụ trì chùa đã phải bật khóc và nhận hết lỗi về mình, đồng thời thừa nhận "vì thấy Nhà Tổ và Gác Khánh quá hư hỏng nên muốn làm lại cho vững chãi trước mùa mưa bão, nhưng hoàn toàn không hiểu rằng điều đó là vi phạm Luật Di sản văn hóa”.

Không chỉ riêng sư thầy Thích Đàm Khoa mà rất nhiều người khác đang làm nhiệm vụ trông coi, bảo vệ các di sản văn hóa ở trên cả nước đều không biết nhiều đến khái niệm Luật Di sản văn hóa. Điều này cũng có nghĩa là việc trông coi, bảo vệ di tích vẫn được làm theo kiểu chủ quan, mạnh ai nấy làm.

*Khẩn cấp "cứu" di sản


Sớm nhận thấy việc bảo vệ di sản trước những xâm hại không đáng có, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng nghị định, thông tư về tu bổ di tích, dự kiến hai văn bản này sẽ được ban hành trong năm 2012. Trong năm 2013, Bộ sẽ ban hành chứng chỉ hành nghề, định mức về lập dự án, lập quy hoạch thiết kế thi công, bảo quản, tu bổ phục hồi di tích.

Đặc biệt, Chương trình mục về văn hóa giai đoạn 2012 - 2015 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 5/9 với mục tiêu ngăn chặn có hiệu quả tình trạng xuống cấp của hệ thống di tích và nguy cơ mất mát, thất truyền vĩnh viễn di sản văn hóa vật thể, Chương trình sẽ đầu tư chống xuống cấp, tu bổ cấp thiết trên 1.000 di tích quốc gia. Mỗi năm, đầu tư tu bổ tổng thể cho 60 - 90 di tích, hỗ trợ chống xuống cấp cho 300 - 400 di tích. Bên cạnh đó, hỗ trợ các bảo tàng tỉnh, thành phố mua từ 10 - 30 hiện vật mỗi năm.

Gần đây nhất, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng tổ chức chương trình tập huấn ngành Di sản văn hóa năm 2012 cho trên 200 chuyên gia, lãnh đạo các bảo tàng, Ban quản lý di tích, Phòng di sản văn hóa, và Phòng nghiệp vụ văn hóa (thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) trên toàn quốc. Dịp này, các học viên cũng được nghe những kinh nghiệm thực tiễn và hệ thống kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể ở Hàn Quốc, về kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể...


Những động thái tích cực này đang từng bước đưa ra những căn cứ pháp lý thống nhất, hiệu quả, nâng cao nhận thức của các cấp quản lý, người dân trong việc tu bổ, bảo vệ di tích.


Mỹ Bình
Quản lý di tích - Lỏng lẻo từ trên xuống dưới

Những vi phạm liên tiếp xảy ra ở nhiều địa phương, nhưng câu trả lời của các đơn vị liên quan, từ lãnh đạo địa phương, lãnh đạo sở, cục... đều là “không được báo cáo nên không biết”...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN