Truyền dạy nghệ nhân tại 4 phường xoan gốc

Nhằm sớm đưa hát xoan Phú Thọ ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp và trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, ngày 10/11, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ đã tổ chức lớp đào tạo nghệ nhân kế cận và truyền dạy hát xoan cho hàng trăm học viên tại 2 xã có 4 phường xoan gốc là Kim Đức và Phượng Lâu.

Ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cho biết: Công tác đào tạo nghệ nhân kế cận và truyền dạy hát xoan trong cộng đồng là nhiệm vụ quan trọng được ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch bảo tồn và phát huy di sản hát xoan của tỉnh Phú Thọ năm 2013-2014 và đề án bảo tồn hát Xoan giai đoạn 2013-2020 vừa được Chính phủ phê duyệt ngày 7/11/2013.

Đây cũng là nội dung quan trọng, quyết định tính bền vững cho sự bảo tồn lâu dài của di sản hát xoan, phát huy vai trò của các nghệ nhân cao tuổi đào tạo các nghệ nhân trẻ. Tỉnh phấn đấu đến năm 2015 có lớp nghệ nhân kế cận các lớp nghệ nhân cao tuổi hiện nay.

Biểu diễn hát xoan tại Lễ hội Đền Hùng 2013. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN


Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch, phường xoan An Thái, xã Phượng Lâu cho biết: Không phải bây giờ tôi mới truyền dạy cho các em mà nhiều năm nay công việc truyền dạy cho các em trong xã đã trở thành phong trào rộng khắp. Nhiều em tuổi còn nhỏ nhưng đã thuộc lòng bàn tay cả 3 quả cách trong hát xoan. Tôi rất mừng là các em vẫn thích hát và say sưa với xoan.

Em Nguyễn Thùy Linh chia sẻ: Gia đình em không ai biết hát xoan, nhưng khi được tham gia các buổi học của các nghệ nhân trong xã, em chăm chỉ tập hát và tìm hiểu về hát xoan. Đến bây giờ em có thể hát được khoảng năm bài hát xoan. Nay lại được các nghệ nhân cho tham gia lớp đào tạo tạo nghệ nhân kế cận và truyền dạy hát xoan em rất vui và em hy vọng sẽ là hạt giống trong làng xoan tương lai…


Đào tạo lớp nghệ nhân kế cận tại các phường xoan gốc ở Phú Thọ nhằm phát huy kế tục lớp nghệ nhân cao tuổi hiện nay trong việc truyền dạy cho lớp trẻ tại cộng đồng; phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ người biết hát xoan là thanh niên, thiếu niên và nhi đồng ở các phường xoan gốc đạt 40%; bảo đảm 100% người có công bảo tồn, gìn giữ, truyền dạy hát xoan được tôn vinh và hưởng chế độ đãi ngộ theo quy định.

Phú Thọ phấn đấu đến năm 2020 sẽ khôi phục các lễ hội, tục lệ hát xoan truyền thống nhằm xây dựng thành không gian văn hóa hát xoan gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; tiếp tục đầu tư tu bổ, phục hồi các di tích còn lại gắn với hát xoan; nâng tỷ lệ người biết hát xoan là thanh niên, thiếu niên và nhi đồng ở các phường xoan gốc của tỉnh lên 70%; hỗ trợ chống xuống cấp cho các di tích và phục hồi các tục lệ hát xoan truyền thống tại các di tích có hát xoan lan tỏa...


Tạ Văn Toàn
Bảo tồn, phát huy di sản hát Xoan

Bộ VH,TT&DL phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, nhà khoa học để hoàn thiện Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể hát Xoan Phú Thọ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN