Tưng bừng các hoạt động vui Xuân Mậu Tuất tại các địa phương

Trong không khí chào đón năm mới, những ngày Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, nhiều địa phương trên cả nước đang tưng bừng với các hoạt động vui xuân.

Những chương trình văn nghệ đặc sắc, những trò chơi dân gian đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên đang được các địa phương tổ chức để người dân có dịp vui xuân mới, tạo niềm hứng khởi cho một năm mới nhiều may mắn hơn.

Từ sáng 18/2 (tức mồng 3 Tết), tại sân Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ (thành phố Điện Biên Phủ), UBND tỉnh Điện Biên đã tổ chức chương trình Hội Xuân Mậu Tuất 2018.

Quang cảnh Hội xuân. 

Ngoài các đội chơi đến từ các đơn vị, địa phương trong tỉnh, Hội Xuân thu hút đông đảo đồng bào các dân tộc đến từ nhiều bản làng vùng cao tỉnh Điện Biên tham dự.

Thời tiết nắng ấm thuận lợi, người dân đến với Hội Xuân đều xúng xính bộ trang phục truyền thống của dân tộc với nhiều màu sắc, tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi ngày đầu năm mới.

Hội Xuân được mở màn với những tiết mục múa hát truyền thống các dân tộc với chủ đề ca ngợi quê hương đất nước, giới thiệu những nét văn hóa truyền thống của các dân tộc Tây Bắc.

Sau tiếng trống khai hội là các hoạt động liên hoan dân ca, dân vũ của các đội chơi. Các đơn vị tham gia đã mang đến chương trình những làn điệu dân ca, dân vũ, âm nhạc truyền thống đặc sắc của dân tộc mình.

Đây là hoạt động thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy những nét văn hóa phi vật thể đặc trưng của cộng đồng các dân tộc anh em đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Trò chơi tó má lẹ tại Hội xuân.

Song song với đó là nhiều trò chơi truyền thống của cộng đồng các dân tộc Điện Biên như: ném còn, ném pa pao, tó má lẹ, cờ người, phi tiêu, đi cà kheo, kéo co… với sự cổ vũ nhiệt tình của đông đảo người dân.

Ấn tượng của Hội Xuân được tạo dựng bởi đa dạng sắc màu văn hóa các dân tộc Điện Biên như: Mông, Thái, Khơ Mú…

Nếu ném pa pao là trò chơi không thể thiếu của người Mông mỗi dịp Tết đến xuân về thì ném còn hay tó mạ lẹ lại là trò chơi từ lâu đời của người Thái...

Anh Giàng A Pủa, bản vùng cao Pa Pốm, xã Thanh Minh, thành phố Điện Biên Phủ cho biết: Những dịp mừng năm mới hay các ngày trọng đại, người Mông chúng tôi không thể thiếu trò chơi ném pa pao và tù lu. Đây là những trò chơi dân tộc có từ lâu đời, truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác. Năm nào tỉnh tổ chức Hội xuân, tôi và bà con trong bản đều xuống để tham dự ném pa pao và các trò chơi dân tộc, cầu mong một năm mới may mắn hơn.

Ngoài phần thi của các đội tham dự ngày hội, du khách từ khắp nơi khi đến đây cũng được hòa mình vào vui chơi.

Đến với ngày hội, du khách không chỉ được sống trong không khí sôi động đậm chất xuân mà còn được thưởng ngoạn, trải nghiệm nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống các dân tộc Điện Biên thông qua bộ trang phục, trò chơi truyền thống mà các nghệ nhân, diễn viên biểu diễn.

Đây không chỉ là sân chơi dành cho đồng bào các dân tộc khu vực mà còn là nơi thu hút khách du lịch khi đến thăm mảnh đất Điện Biên Phủ mỗi dịp Tết đến xuân về.

Hái hoa dân chủ tại Hội xuân.

Anh Vương Đức Tân, du khách đến từ Hà Nội cho biết: Đây là lần đầu tiên tôi lên Điện Biên. Tôi biết đến Điện Biên là mảnh đất ở Tây Bắc gắn với chiến thắng lịch sử năm xưa, nơi có núi non hùng vĩ và rất nhiều cảnh đẹp như hoa ban, ruộng bậc thang hay là trang phục các dân tộc. Tết năm nay tôi quyết định lên Điện Biên để du xuân và rất vui khi được chứng kiến Hội xuân ở đây. Tôi ấn tượng bởi trang phục đầy màu sắc của các dân tộc nơi đây và các trò chơi như ném còn, ném pa pao rất thú vị.

Ông Đoàn Văn Chì, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cho biết: Hàng năm, cứ vào dịp Tết Nguyên đán, ngành Văn hóa chỉ đạo tất cả các đơn vị trực thuộc cũng như các Phòng văn hóa trên địa bàn tổ chức các hoạt động vui xuân cho bà con. Các hoạt động vui xuân đều rất lành mạnh với những trò chơi truyền thống của các dân tộc, các chương trình văn hóa văn nghệ ca ngợi quê hương đất nước, thể hiện nét đẹp của người dân Điện Biên. Đây cũng là dịp để bà con giao lưu văn hóa văn nghệ, tạo sân chơi lành mạnh giúp người dân tránh xa tệ nạn xã hội.

Trong không gian ngập tràn sắc xuân Tây Bắc, những ngày này, đồng bào các dân tộc sinh sống trên các bản làng vùng cao tỉnh Điện Biên cũng đang rộn ràng với các hoạt động mừng xuân.

Du xuân đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng không thể thiếu của đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống trên các bản làng nơi rẻo cao vào mỗi dịp đầu năm mới, cầu mong một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Tại Quảng Trị, người dân nô nức tham dự các lễ hội, dâng hương tại các nghĩa trang liệt sỹ, đi chùa đầu năm... để cầu mong những điều may mắn và tốt đẹp nhất sẽ đến với gia đình, quê hương, đất nước.

Trong những thời khắc cuối ngày mùng 2, rạng sáng ngày mùng 3 Tết với tiết trời se lạnh, hàng chục ngàn người dân Quảng Trị đổ về thôn Bích La, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong để tham dự lễ hội chợ đình.

Đây là phiên chợ quê đặc biệt chỉ họp duy nhất một lần trong năm vào lúc nửa đêm rạng ngày mùng 3 Tết. Lễ hội chợ đình Bích La gồm 2 phần là phần lễ và phần hội.

Vào thời khắc đã định, người dân sẽ tổ chức nghi lễ tôn nghiêm gọi thần Kim Quy nổi lên, ban phát lộc và chứng giám lời cầu nguyện một năm mới an lành, thuận lợi, mùa màng bội thu, con cái, gia đình hạnh phúc, thuận hòa.

Đến với lễ hội, du khách vừa xem hội, cầu may cũng như mua một vài thứ ở phiên chợ với quan niệm đem lộc về nhà.

Các mặt hàng bày bán ở chợ chủ yếu là nông sản do bà con sản xuất ra như: gạo, muối, chè xanh, hoa quả, trầu cau, cành lộc…

Du khách cũng có thể mua những đồ vật lưu niệm khác, mang về tặng người thân và bạn bè để cầu may. Xung quanh khuôn viên đình có các ông đồ khăn áo chỉnh tề ngồi mài mực, cho chữ.

Tại phiên chợ, với quan niệm “mua lộc” nên giá cả các mặt hàng đều phải chăng, thuận lòng người mua được lòng người bán.

Chị Hoàng Ngọc Phương Uyên, ở Khu phố 9, Phường 5, thành phố Đông Hà cho biết: Hầu như năm nào cũng vậy, từ 00 giờ ngày mùng 3 Tết, tôi và gia đình đều vào chợ đình Bích La cầu may mắn và mua một số sản vật quê hương lấy lộc với mong muốn gia đình hòa thuận hạnh phúc, con cái học hành giỏi giang, công việc thuận lợi. Không chỉ riêng tôi mà đối với mỗi người dân Quảng Trị việc tham dự phiên chợ độc đáo chỉ mở duy nhất một ngày trong năm đã trở thành một nét đẹp truyền thống của gia đình, qua đó nhắc nhở mọi người dù đi đâu cũng luôn hướng về quê hương và nguồn cội…

Bên cạnh chợ đình Bích La thì hội đu truyền thống diễn ra vào ngày mùng 2 Tết, tại làng Nhĩ Trung, xã Gio Thành, huyện Gio Linh cũng thu hút đông đảo người dân tham gia, theo dõi và cổ vũ.

Lễ hội là dịp để cộng đồng xích lại gần nhau nhằm tỏ lòng tri ân trời đất, tổ tiên, cầu mong năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, dân làng dồi dào sức khỏe, may mắn, an lành.

Qua đó, đề cao tinh thần đoàn kết của cộng đồng, tinh thần thượng võ, lòng dũng cảm, bền bỉ đồng thời thúc đẩy quá trình rèn luyện sức khỏe của mỗi người dân trong làng…

Tri ân các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì độc lập dân tộc, tại 72 nghĩa trang với gần 55.000 phần mộ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, đặc biệt là tại là Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 và Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn nơi yên nghỉ của 21.263 phần mộ liệt sỹ, vào những ngày đầu năm mới rất đông người dân trong và ngoài tỉnh đến dâng dương, dâng hoa.

Chị Đinh Thị Ngọc Ly, Phường 5, thành phố Đông Hà chia sẻ: Năm nào cũng vậy, trong những ngày đầu năm đại gia đình chúng tôi đều đến dâng hương, dâng hoa tri ân các anh hùng liệt sỹ. Để có được hòa bình và độc lập ngày hôm nay, các thế hệ cha ông đi trước đã hy sinh tuổi trẻ, hạnh phúc và xương máu của mình để bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc. Những nén nhang thơm dâng lên mộ của các anh hùng liệt sỹ để thể hiện lòng biết ơn và sự tri ân sâu sắc của gia đình chúng tôi. Qua đó, giáo dục cho con cháu trong gia đình càng hiểu và quý trọng hòa bình và độc lập ngày hôm nay…

Cùng với việc tham gia các lễ hội, đi chùa đầu năm cũng trở thành một nét đẹp của người dân Quảng Trị. Tại những ngôi chùa nổi tiếng như Tổ đình Sắc tứ Tịnh Quang ở thị trấn Ái Tử (huyện Triệu Phong), chùa Cam Lộ…, đông đảo người dân nườm nượp đến dâng hương, dâng hoa, vãn cảnh đầu năm.

Trong làn khói hương lan tỏa, dòng người cùng hướng về cửa Phật với ước nguyện và cầu mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với gia đình và quê hương, đất nước…

Tin, ảnh: Xuân Tư - Thanh Thủy (TTXVN)
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng vui xuân cùng đồng bào Sơn La
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng vui xuân cùng đồng bào Sơn La

Sáng 17/2 (tức ngày mùng 2 Tết Mậu Tuất), tại thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La đã diễn ra chương trình giao lưu văn nghệ, thể thao với chủ đề “Mừng Đảng, mừng xuân, mừng quê hương, đất nước đổi mới”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN