Ứng xử với 'di sản' cầu Long Biên

Dù chưa được công nhận, nhưng trong lòng mỗi người dân Hà Nội và những người yêu Hà Nội, cây cầu Long Biên từ lâu đã là một di sản gắn với lịch sử hình thành và phát triển của Thủ đô. Vậy nên, khi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đưa một số phương án di dời, xây mới cầu Long Biên trên vị trí cũ đã gây nên những phản ứng trái chiều. Ứng xử như thế nào với cây cầu “di sản trong lòng dân” đang là vấn đề được nhiều người quan tâm.

 

Bài 1: Biểu tượng của Thủ đô Hà Nội

 

Cầu Long Biên, cây cầu hơn 100 năm tuổi, cây cầu đầu tiên nối liền hai bờ sông Hồng từ lâu đã trở thành biểu tượng của Thủ đô Hà Nội.

 

Cầu Long Biên trước có tên là cầu Doumer (tên của vị Toàn quyền Đông Dương thời xây dựng cầu). Cầu do Gustave Eiffel, tác giả của tháp Eiffel ở Paris (Pháp) thiết kế, được Pháp xây dựng từ năm 1889, hoàn thành vào năm 1902. Cầu có 19 nhịp dầm thép đặt trên 20 trụ bê tông cao tới 40 m (tính từ móng), phần cầu thép dài 1.2 m, đường dẫn xây bằng đá dài 896 m, ở giữa là dành cho xe lửa, hai bên cầu là phần đường dành cho xe cơ giới và người đi bộ. Với cấu trúc như vậy, cầu Long Biên đã trở thành một trong bốn cây cầu thép lớn nhất thế giới thời đó, và là cây cầu có độ dài thứ hai trên thế giới (sau cầu Brooklyn của nước Mỹ).


Cầu Long Biên, cây cầu gắn liền với lịch sử Hà Nội. Ảnh: Đình Na - TTXVN


Nói về giá trị của cây cầu Long Biên, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội, nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội khẳng định: “Trước hết, cây cầu là một di sản về kiến trúc. Xây dựng từ cuối thế kỷ 19, cầu Long Biên có giải pháp kết cấu, vật liệu rất hiện đại thời bấy giờ. Trải qua hơn 100 năm, đến nay, trên thế giới chỉ còn 4 công trình có dạng kết cấu và vật liệu tương tự, trong đó có tháp Eiffel của Pháp. Là một di sản kiến trúc hiện đại khi đó, nhưng cầu Long Biên lại mang đậm bản sắc dân tộc, vì người Pháp đã đưa biểu tượng cây cầu có hình dáng giống con rồng bay qua sông Hồng, hình ảnh ấy gắn liền với biểu tượng văn hóa Hà Nội”.


Cầu Long Biên còn là nơi chứng kiến nhiều sự kiện về lịch sử phát triển Hà Nội: Năm 1947, Trung đoàn Thủ đô đi qua cầu Long Biên rút ra khỏi nội đô an toàn để bảo vệ Hà Nội. Đến năm 1954, người dân Hà Nội không thể quên hình ảnh đoàn quân viễn chinh Pháp rút khỏi cầu Long Biên. Cách đây 60 năm, khi đoàn quân bộ đội Cụ Hồ tiến về giải phóng Thủ đô qua 5 cửa ô, có một cửa ô là hướng từ cầu Long Biên đi vào. Rồi khi Mỹ thực hiện chiến tranh phá hoại, đánh phá vào Hà Nội, cầu Long Biên là nơi chứng kiến trận địa pháo đánh B52, đặc biệt khi cầu bị sụt một số nhịp, bằng trí tuệ và sức mạnh của những người lao động, của nhân dân, chúng ta đã sớm khôi phục lại cầu Long Biên bằng nội lực của mình.


Một giá trị nữa không thể phủ nhận, là cuối thế kỷ XIX, khi Pháp còn đang ở Hà Nội, đã quyết tâm làm cầu để thể hiện vai trò trung tâm của Hà Nội với cả nước, với vùng, với cả liên bang Đông Dương lúc bấy giờ. Có thể nói, khi cầu Long Biên được xây dựng, giao thông Hà Nội đã rất thuận lợi, hướng phát triển mạnh lên các tỉnh phía Bắc, từ Hải Phòng lên Lào Cai. Cây cầu cũng là khởi điểm đầu tiên minh chứng Hà Nội có vai trò với cả vùng, cả nước.


Với những giá trị như vậy, cầu Long Biên không chỉ là di sản vật thể kiến trúc, mà nó còn là di sản văn hóa phi vật thể, là biểu tượng của Hà Nội qua các giai đoạn, nó là địa điểm lịch sử minh chứng cho Hà Nội phát triển với những sự kiện lịch sử hào hùng. Trong lịch sử phát triển 1.000 năm của Hà Nội, cầu Long Biên được xem như một điểm kết nối trong hệ thống di tích của thành phố Hà Nội, ở khu vực phía đông Hà Nội hiện nay. Nói đến khu phố cổ là nói đến cầu Long Biên, nói đến cầu Long Biên là nói đến hệ thống nhà máy xe lửa Gia Lâm, đến hệ thống các di tích lịch sử...


“Như vậy, rõ ràng cầu Long Biên có giá trị di sản rất lớn, là một biểu tượng của Hà Nội, đặc biệt là giá trị về địa điểm lịch sử, nên chúng ta phải tôn trọng, phải gìn giữ. Hiện nay, cây cầu đang xuống cấp, thì chúng ta phải bảo trì, nâng tầm nó lên chứ không phải hủy bỏ để làm cây cầu mới”, KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.


Đồng tình với quan điểm này, KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng: “Cầu Long Biên là một di sản văn hóa, là một kiến trúc cầu đặc sắc, độc đáo duy nhất của Việt Nam. Cầu Long Biên từ lâu đã trở thành biểu tượng, thành ký ức, là nhân chứng lịch sử của một thế kỷ Hà Nội hào hùng và bi tráng. Trong chiến tranh, dù bị đánh phá nhiều lần nhưng cầu Long Biên vẫn trụ vững đến ngày hôm nay. Cây cầu cũng là điểm nhấn kiến trúc quan trọng trên sông Hồng, nối hai trung tâm, là di sản văn hóa của Thủ đô. Và cho dù chưa được công nhận, nhưng cầu Long Biên là bảo tàng sống, là ký ức của người dân Thủ đô, cần phải được gìn giữ”.


Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, chúng ta phải nhìn cầu Long Biên là một cây cầu di sản, cây cầu lịch sử để có giải pháp bảo tồn xứng đáng với giá trị lịch sử của nó. Bất kỳ ai cũng không được phép quên rằng cây cầu bị tàn phá nặng nề như hiện nay chính là do không quân Mỹ oanh kích từ năm 1967 - 1972; biết bao nhiêu chiến công đã có ở nơi đây để chúng ta giữ được cây cầu trong chiến tranh và xây cầu trong hòa bình.



Phương Lan

 

Bài 2: Cân nhắc các giải pháp

Cầu Long Biên, nơi lắng đọng ký ức Hà Nội
Cầu Long Biên, nơi lắng đọng ký ức Hà Nội

Với người Hà Nội, cầu Long Biên không chỉ là cây cầu đầu tiên nối đôi bờ sông Hồng, mà còn là một chứng tích lịch sử không thể tách rời với Thủ đô trong suốt thế kỷ XX.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN