Xây dựng hệ thống thông tin bộ mẫu vật về thiên nhiên duyên hải miền Trung

Chiều 27/6, tại thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế), Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung tổ chức hội thảo khoa học “Xây dựng hệ thống thông tin cơ bản bộ mẫu vật về thiên nhiên thuộc các tỉnh duyên hải miền Trung” nhân kỷ niệm 10 năm ngày thành lập bảo tàng.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Mai Trang/TTXVN

Hội thảo nhằm đánh giá tổng quan tiềm năng thu thập các bộ mẫu vật, làm cơ sở để tổng hợp, xây dựng Hệ thống thông tin cơ bản của các bộ mẫu vật về thiên nhiên, định hướng công tác sưu tầm, chế tác và trưng bày mẫu vật của Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung đến năm 2030. Từ đó, định hướng xây dựng kế hoạch phát triển Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung giai đoạn 2020-2030.

Tại hội thảo các nhà khoa học, nhà quản lý thuộc Hội Khoáng thạch học Việt Nam, Viện Hải dương học Nha Trang (Khánh Hòa), Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung… đã trình bày nhiều công trình nghiên cứu xoay quanh bốn nhóm lĩnh vực: mẫu vật đầm phá biển; mẫu vật địa chất, khoáng sản; mẫu vật cổ sinh và mẫu vật động, thực vật.

Khu vực duyên hải miền Trung được đánh giá có nhiều chủng loại và có tiềm năng lớn về tài nguyên khoáng sản. Vì vậy, cần xây dựng hệ thống thông tin cơ bản Bộ sưu tập mẫu địa chất – khoáng sản cho Bảo tàng thiên nhiên Duyên hải miền Trung. Bộ mẫu này gồm ba loại mẫu chủ yếu là mẫu tinh thể, mẫu thạch học và mẫu khoáng sản.

Ông Lê Nguyễn Thới Trung, Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung, cho biết: Vùng duyên hải miền Trung có lợi thế hệ sinh thái rừng nhiệt đới đa dạng và là nơi bảo tồn nhiều loại động vật quý hiếm nên việc xây dựng bộ mẫu vật động – thực vật của vùng rất có tiềm năng. Đặc biệt, việc thu tập mẫu thực vật trên đất liền trong vùng đến năm 2030 có triển vọng, định hướng sẽ thu thập được 1.149 loài thuộc ngành mộc lan, lớp hành; 4.463 loài  thuộc ngành mộc lan, lớp mộc lan; 48 loại thuộc ngành thông và 452 loài thuộc ngành dương xỉ và thực vật bậc cao có mạch không hạt.

Nhằm xây dựng Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung trở thành một thiết chế văn hóa, khoa học, công nghệ của miền Trung và cả nước, nhân dịp này Bảo tàng đã ký kết hợp tác với Trung tâm Bảo tồn tài nguyên thiên nhiên Việt Nam và cứu hộ động, thực vật (thuộc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam) và Khu Bảo tồn Sao La (Thừa Thiên – Huế).

Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung được thành lập năm 2009 với chức năng nghiên cứu quá trình hình thành, phát triển thiên nhiên, các yếu tố thiên nhiên duyên hải miền Trung trên nền tảng thiên nhiên Việt Nam; ứng dụng công nghệ về bảo tàng để sưu tầm, định danh, định loại, chế tác, trưng bày, giới thiệu với học sinh, sinh viên, công chúng trong và ngoài nước về các mẫu vật thiên nhiên thuộc vùng duyên hải miền Trung. 

Hiện nay Bảo tàng đang sưu tầm, chế tác và trưng bày 185 mẫu địa chất, khoáng sản tiêu biểu của Việt Nam và của tỉnh Thừa Thiên – Huế; 1.400 mẫu cá; 28 loài gỗ rừng. Ngoài ra, Bảo tàng còn thu thập được một số mẫu vật quý hiếm như các mẫu thực vật thân gỗ bị lilac hóa, cacbonat hóa có niên đại từ hàng chục triệu đến hàng trăm triệu năm tuổi; mẫu cá mặt trăng đuôi nhọn (trong Sách Đỏ Việt Nam và Danh lục Đỏ Thế giới) và mẫu da hổ Bengal nhồi bông...

Mai Trang (TTXVN)
Ngày Quốc tế về Đa dạng sinh học 22/5: Để thiên nhiên nuôi sống và bảo vệ con người
Ngày Quốc tế về Đa dạng sinh học 22/5: Để thiên nhiên nuôi sống và bảo vệ con người

Sự đa dạng sinh thái là tài sản toàn cầu có giá trị to lớn đối với con người trong cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Độ phong phú của tự nhiên giúp đảm bảo tính bền vững của đất đai, cung cấp nhiều nguồn dinh dưỡng cho các sinh vật, đồng thời cung cấp đầy đủ các loại thực phẩm bổ dưỡng cho sức khỏe con người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN