Nguy cơ xâm hại luôn rình rập
Thời gian gần đây, những sự việc quấy rối tình dục với các trẻ em gái liên tục xảy ra gây bức xúc trong dư luận. Đây cũng là thực trạng rất đáng lo ngại khi những đối tượng dễ tổn thương như phụ nữ, trẻ em gái chưa được ứng xử một cách phù hợp.
Đơn cử như vụ việc mới đây, một phụ huynh trường Tiểu học Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đã phản ánh về việc thầy giáo Dương Văn M., giáo viên chủ nhiệm lớp 5A, có hành vi xâm hại tình dục với hàng loạt học sinh nữ của lớp này.
Hay sự việc một học sinh nữ lớp 10 tại tỉnh Thái Bình “tố” thầy giáo chủ nhiệm nhắn tin có nội dung tình cảm trên mức thầy trò, tin nhắn được chụp ảnh lại và đăng trên mạng xã hội khiến cho dân mạng phẫn nộ.
Hoặc vụ cưỡng bức và sát hại nữ sinh viên tại Điện Biên trong dịp Tết vừa qua, cũng là đỉnh điểm của những nguy hiểm mà phụ nữ và trẻ em gái gặp phải.
Mặc dù xã hội cực lực lên án, các lực lượng chức năng cũng đã vào cuộc, song những nguy cơ mất an toàn với phụ nữ và trẻ em gái luôn rình rập. Những sự việc xảy ra ngay trong môi trường giáo dục khiến các các em dễ mất niềm tin, hoang mang, ảnh hưởng đến tâm lý, tương lai phát triển của trẻ.
Theo các chuyên gia, phụ nữ và trẻ em gái luôn phải đối mặt với những nguy hiểm, đặc biệt là nạn bạo lực, quấy rối và lạm dụng tình dục. Quấy rối tình dục có thể xảy ra ở bất cứ đâu, công sở, nơi công cộng và kể cả trường học. Rất nhiều phụ nữ tham gia các cuộc khảo sát đều trả lời đã từng bị quấy rối tình dục. Sự quấy rối có thể là bằng lời nói, sự săn đón, nặng hơn là những hành động cưỡng bức... tuy nhiên không phải ai cũng dám nói ra sự thật vì sợ đối diện với dư luận khi công khai danh tính, sợ định kiến xã hội…
Cần những quy tắc ứng xử phù hợp
Việc bảo đảm an toàn cho phụ nữ và trẻ em là một việc làm cấp thiết hiện nay, để có thể xây dựng văn hóa ứng xử phù hợp với phụ nữ và trẻ em gái tại nơi công cộng.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho biết: Việt Nam là nước sớm tham gia các Công ước quốc tế về quyền phụ nữ và quyền trẻ em, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng bảo vệ quyền con người, trong đó có phụ nữ và trẻ em. Tuy nhiên, môi trường sống vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ thiếu an toàn, tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em gái diễn biến phức tạp nghiêm trọng, gây bức xúc, lo lắng trong xã hội. Trong năm 2017, trẻ em gái chiếm 92,3% trong số trẻ em bị xâm hại; phụ nữ và trẻ em chiếm 90% số nạn nhân bị mua bán...
Theo Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), hiện nay vấn đề quan trọng vẫn là thay đổi nhận thức của xã hội đối với những hiện tượng quấy rối tình dục, cần nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với những hành động quấy rối tình dục. Thậm chí đôi khi phụ nữ bị quấy rối tình dục còn bị đánh giá là lẳng lơ hay phụ nữ bị trêu ghẹo là chuyện bình thường... Chính cách nghĩ đó làm cho đối tượng phụ nữ, trẻ em gái vô tình trở thành nạn nhân của xâm hại.
Theo đó, để ngăn chặn nạn quấy rối tình dục bên cạnh việc nâng cao nhận thức, cung cấp kiến thức, kỹ năng cho chính phụ nữ, trẻ em gái về các biện pháp tự vệ khi bị quấy rối tình dục; cần xây dựng môi trường làm việc nghiêm túc, văn minh. Bên cạnh đó, cần có những quy tắc ứng xử phù hợp tại các môi trường công cộng, các cơ quan, công sở để hướng cho mỗi cá nhân nhận thức rõ ràng hơn về những biểu hiện quấy rối tình dục, để có cách điều chỉnh ứng xử từ bản thân nói riêng và tập thể nói chung. Nói cách khác, là phải xây dựng văn hóa ứng xử văn minh hơn nữa, an toàn hơn nữa dành cho phụ nữ và trẻ em giá.
Để bảo vệ phụ nữ và trẻ em, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đang tích cực kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội. Cụ thể đã chọn chủ đề năm 2019 đã được gọi là năm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” với kỳ vọng nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, toàn xã hội và gia đình, đặc biệt là tổ chức Hội, hội viên phụ nữ về an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Đồng thời vận động sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội hướng tới thực hiện các nội dung chính như: An toàn cho phụ nữ và trẻ em trong gia đình: phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, trẻ em; phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; phòng chống suy dinh dưỡng; chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ, trẻ em; hướng tới An toàn cho phụ nữ và trẻ em nơi công cộng, trong trường học, nơi làm việc, ngoài xã hội…
Chủ đề này cũng sẽ xuyên suốt, được thực hiện trong nhiều năm sẽ góp phần hướng tới xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái trong thời gian tới.