Đoạn video, có tựa đề Garigari-kun Neage (tăng giá kem Garigari-kun), ghi lại hình ảnh của Chủ tịch Akagi và Giám đốc điều hành (CEO) Hideki Inoue cùng với các nhân viên ở trụ sở công ty ở Fukaya cúi gập người xin lỗi vì tăng giá kem.
Trên nền video là một ca khúc. Đến gần đoạn kết thúc, một dòng chữ hiện lên trên màn hình: “Chúng tôi đã làm việc chăm chỉ 25 năm qua” sau đó là dòng “60-70” ngụ ý rằng công ty đã cố gắng giữ giá kem trong suốt 25 năm qua, và dù không hề muốn nhưng đã phải tăng giá sản phẩm kem Garigari-kun từ 60 (0,54 USD) - 70 yen (0,63USD, xấp xỉ 14.000 đồng).
Giám đốc Akagi và tập thể nhân viên đứng nghiêm trang xin lỗi người tiêu dùng.
|
Đoạn video được đưa lên Youtube, sau đó là mạng xã hội Weibo của Trung Quốc và làm rúng động cộng đồng mạng hôm 2/4.
Người dùng mạng xã hội có những phản ứng trái chiều về đoạn video đặc biệt này, một số người thể hiện sự ủng hộ và một số người khác tỏ ra thắc mắc lý do mà Akagi cảm thấy cần thiết phải xin lỗi khi chỉ tăng giá kem có 10 yen. Trong đó, đa số người tuyên bố sẽ vẫn mua kem Garigari-kun “kể cả khi nó có giá 100 yen”, nhiều người chưa từng ăn nhãn hiệu kem này cũng hào hứng chia sẻ rằng sẽ mua ăn thử vào mùa hè này. Một số người dùng bình luận về đoạn video: “Đừng lo lắng, tôi sẽ vẫn mua kem kể cả khi giá là 100 yen”, “Tôi chưa từng mua kem của họ, nhưng tôi sẽ thử vào mùa hè này”,…
Kem Garigari-kun nhân đậu đỏ.
|
Akagi là một công ty có trụ sở tại tỉnh Saitama của Nhật Bản. Sản phẩm kem Garigari-kun lần đầu tiên được giới thiệu năm 1981 với giá bán 50 yen. Sau 10 năm, năm 1991, kem Garigari-kun lần đầu tiên được tăng giá lên 60 yen, và giữ nguyên mức giá này trong vòng 25 năm qua. Dù điều chỉnh tăng giá là tiêu cực nhưng công ty đã không hề tảng lờ mà thể hiện sự quan tâm sâu sắc tới tâm lý khách hàng bằng cách đăng tải thông báo tăng giá lên truyền hình, báo chí, với tâm thế của một công ty luôn cố gắng đảo ngược cảm giác từ tiêu cực thành tích cực của khách hàng.
Hành động đáng suy ngẫm của giám đốc cùng hàng trăm nhân viên công ty gập mình xin lỗi có thể ít thấy, nhưng tại Nhật Bản, lời xin lỗi đã trở thành một nét văn hóa, được xem xét kĩ lưỡng trước khi đưa ra của các doanh nghiệp.