Về vấn đề này, báo Tin tức thông tin như sau:
Theo Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, có 5 trường hợp người lao động được tạm ứng tiền lương gồm:
- Hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán mà công việc phải làm trong nhiều tháng (khoản 3 Điều 97): Hàng tháng, người lao động được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.
- Thực hiện nghĩa vụ công dân (khoản 2 Điều 101): Người lao động được tạm ứng tiền lương tương ứng với số ngày tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 01 tuần trở lên nhưng tối đa không quá 1 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
Lưu ý, trong trường hợp này, người lao động phải hoàn trả số tiền đã tạm ứng. Riêng trường hợp người lao động nhập ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự thì không được tạm ứng tiền lương.
- Nghỉ hàng năm (khoản 3 Điều 101): Người lao động được tạm ứng một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ.
- Tạm đình chỉ công việc (khoản 2 Điều 128): Trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc, người lao động được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc.
Lưu ý: Thời hạn tạm đình chỉ công việc không quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt cũng không quá 90 ngày.
- Theo thỏa thuận (khoản 1 Điều 101): Người lao động được tạm ứng tiền lương theo điều kiện do hai bên thỏa thuận và không bị tính lãi.
Từ những căn cứ trên, làm việc theo khoán sản phẩm nằm trong 5 trường hợp người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc ứng trước tiền lương. Nếu hai bên thống nhất được các điều kiện về việc ứng lương thì người lao động sẽ được nhận lương trước kỳ hạn.
Số tiền tạm ứng sẽ được các bên căn cứ vào mức mà người lao động đề xuất và khả năng đáp ứng của công ty. Thông thường, người sử dụng lao động có thể đồng ý tạm ứng trước cho người lao động bằng hoặc thấp hơn 100% lương của tháng đang làm việc.