Phiên tòa xét xử J.W. Milam và Roy Bryant bắt đầu vào ngày 19/9/1955 tại tòa án hạt Tallahatchie. Tất cả các tờ báo đều cử phóng viên đến đưa tin, từ New York Times, tới Atlanta Consitution hay The Chicago Defender... Tuy nhiên những phóng viên da màu phải ngồi ở một khu tách biệt với phóng viên nhà báo da trắng và vị trí này cũng xa hội thẩm đoàn hơn.
J.W. Milam và Roy Bryant cùng hai người vợ. |
Rất hiếm khi có chuyện người da trắng bị đưa ra xét xử vì kết tội giết người da màu tại bang Mississippi. Bất cứ người da màu nào ra làm chứng đều là một mối nguy hiểm với chính bản thân họ. Nhưng vụ sát hại Emmett Till thì lại khác, bởi hình ảnh thương tâm về cái chết của cậu bé 14 tuổi đã tác động mạnh mẽ khiến dư luận lên tiếng đòi hỏi phải có sự công bằng. Tuy nhiên hội thẩm đoàn được lựa chọn lại hoàn toàn là người da trắng. Không có một thành viên nào là người da màu, trong khi họ chiếm đến 65% dân số hạt Tillahatchie.
Milam và Bryant tiến vào phòng xử với thái độ tự tin và vui vẻ với hai người vợ luôn kè kè bên cạnh. Mặc dù biết rằng giới truyền thông rất quan tâm tới sự kiện này, nhưng Milam và Bryant cũng không lo lắng lắm bởi người dân Mississippi không ủng hộ việc người ngoài, đặc biệt là người da màu hoặc người miền Bắc, can thiệp vào các vấn đề địa phương. Nhiều người đến xem thậm chí đã tiến lại gần bắt tay và chúc Milam may mắn.
Ông Moses Wright chỉ tay vào Milam tại phiên tòa. |
Ngay khi phiên tòa bắt đầu, Milam và Bryant trở nên yên lặng hơn và bắt đầu tỏ ra căng thẳng. Có đến 5 luật sư biện hộ cho hai bị cáo này và hoàn toàn miễn phí.
Chú của Emmett, Moses Wright là người đầu tiên ra làm chứng. Ông cho biết vào đêm 28/8, hai người đàn ông mang theo súng lao vào nhà ông đòi gặp “thằng nhóc đến từ Chicago”. Khi ủy viên công tố quận, ông Chatam hỏi liệu có thể chỉ ra người cầm súng hay không, ông Wright đã ngay lập tức chỉ vào Milam và nói: “Chính hắn!”.
Vào thời điểm đó chưa từng có chuyện người da màu nào dám trực tiếp buộc tội người da trắng tại tòa, và hành động này của Wright có thể gây ra nguy hiểm cho chính ông. Sau này ông kể lại hàng trăm người da trắng có mặt tại phiên tòa cau mặt đầy giận dữ. “Đó là lần đầu tiên trong cuộc đời tôi có đủ can đảm để buộc tội một người da trắng. Đó không hẳn là lòng dũng cảm và tôi cũng không sợ hãi. Tôi chỉ muốn công lý được thực thi”, ông nói.
Người tiếp theo là bà Mamie Till. Với một sự điềm tĩnh bà trả lời các câu hỏi một cách lưu loát mặc dù trong lòng bà trĩu nặng nỗi đau vì cái chết của đứa con trai nhỏ. Đã có nhiều nghi ngờ rằng xác chết đó không phải của Till và cậu đang lẩn trốn đâu đó quanh Chicago. Tuy nhiên bà Mamie khẳng định chiếc nhẫn, vật duy nhất giúp nhận dạng thi thể, là của con trai bà. Trên đó có khắc 2 chữ “L.T” và đó là tên viết tắt của cha cậu. Chính bà đã đưa cho Till trước khi cậu đến Mississippi. Bà nói: “Tôi nhìn vào đôi tai, cái trán, mũi, môi, cằm và tôi chắc chắn rằng đó là con trai mình”.
Sau đó Carolyn, người phụ nữ được cho là đã bị Till trêu chọc bước ra làm chứng. Carolyn hiểu rằng sự làm chứng của mình có ý nghĩa quan trọng đối với việc kết tội chồng mình. Cô ta kể lại sự việc, đầu cúi gằm ra vẻ thấy nhục nhã vì những gì đã xảy ra. Carolyn còn kể khi Till ra ngoài cậu còn huýt sáo và cô ta miêu tả đó là tiếng “huýt sáo cợt nhả”. Vị luật sư bào chữa cũng đặt ra một câu hỏi đầy hàm ý: “Lúc đó có người đàn ông da trắng nào xung quanh để bảo vệ cô không?”. Carolyn trả lời: “Không”.
Cảnh sát trưởng hạt Tallahatchie, H.C. Strider đã được gọi ra để làm chứng cho bị cáo. Khi được hỏi về tình trạng của thi thể mà ông đã vớt lên từ hồ Tallahatchie, Strider miêu tả thi thể đó đang trong tình trạng phân hủy nghiêm trọng. Theo ông, một thi thể như vậy rất khó nhận dạng và thậm chí không thể phân biệt được đó là người da trắng hoặc da đen. Ông nói: “Nếu một trong những đứa con trai của tôi mất tích, tôi sẽ không thể nhận ra nó. Tất cả tôi có thể nói đó là một xác người”.
Ngày 23/9, phiên tòa đã bước sang ngày thứ 4 và Hội thẩm đoàn quyết định tạm nghỉ để nghị án trước khi ra phán quyết cuối cùng. Tuy nhiên, mẹ của Till Mamie Till quyết định rời phòng xử và đi khỏi thị trấn. Sau này bà nói: “Tôi không muốn ở đó để nghe lời phán quyết”. Sau đó vài tiếng, người đứng đầu hội thẩm đoàn, ông J.A. Shaw - một nông dân đến từ thị trấn Webb gần đó - đọc lời phán quyết: “Không có tội!”.
Cả căn phòng xử án yên lặng một cách kỳ lạ. Hai bị cáo vui vẻ ôm lấy vợ khi báo giới chụp ảnh họ. Ra đến hành lang, trước đám đông phóng viên, Milan châm một điếu xì gà cho mình và em trai rồi nói: “Chúng tôi rất mừng vì kết quả này”. Đám đông nhốn nháo và la ó. Nhiều chiếc ghế bị ném xuống đất. Cảnh sát trưởng Strider, vị “cứu tinh” của Milam và Bryant công bố với báo giới: “Tôi hi vọng những người da đen ở Chicago và NAACP (Hiệp hội toàn quốc vì sự tiến bộ của người da màu) hài lòng!”. Sau đó từng người trong hội thẩm đoàn đứng lại bắt tay và chúc mừng Milam và Bryant.
Bà Miame Till trả lời phỏng vấn trên tờ Chicago Defender sau phiên tòa: “Đó là trò hề lớn nhất mà tôi từng được chứng kiến”.
Báo giới Mỹ ngay lập tức phản ứng trước phán quyết thiên vị hiển nhiên của tòa. Nhật báo “Người lao động” viết “Người có tâm ở mọi nơi, ở Mỹ và trên thế giới, đều cảm nhận sâu sắc một sự ghê sợ trước kết quả của vụ xét xử giết người ở Mississippi”. Thậm chí cựu đệ nhất phu nhân Mỹ, bà Eleanor Rooservelt, cũng lên tiếng về vụ này, cho rằng nước Mỹ cần chứng tỏ là một biểu tượng của dân chủ, với công lý là một bộ phận thiết yếu của nền dân chủ đó.
Nhưng những lời của bà đã không thay đổi được sự hờ hững của Nhà Trắng và phán quyết của tòa vẫn được thực thi. Điều đáng nói là một thời gian ngắn sau đó, chính Milam và Bryant đã công khai thừa nhận tội ác của họ trên báo chí.
Hà Linh
Đón đọc kỳ cuối: Đổi thay của những cuộc đời