Eugene Vidocq - Từ tội phạm thành cảnh sát-Kỳ 4: Biến cố

Trong những năm 1820, cuộc đời Vidocq gặp nhiều trắc trở, cả về cuộc sống riêng tư và sự nghiệp. Biến động lớn đầu tiên xảy đến với Vidocq là khi người mẹ yêu quý của ông qua đời năm 1820. Cả thành phố Paris dường như đều có mặt ở Nhà thờ đức bà Paris để làm lễ cầu siêu cho bà. Bà mẹ của Vidocq - ông vua của các thám tử - được đối xử như thể người hoàng tộc.

 

Tem thư in hình Vidocq.

Cùng trong năm đó, Vidocq kết hôn với Jeanne - Vitoire Guerin, một cô gái mỏng manh và ốm yếu. Họ sống hạnh phúc trong căn nhà trên phố Rue de l’Hirondelle nhưng cuộc hôn nhân không kéo dài được bao lâu do Guerin thường xuyên đau ốm và yểu mệnh. Bốn năm sau đám cưới của Vidocq, người Paris lại khóc thương cho một số phận gắn liền với Vidocq.


Tuy nhiên, Vidocq cũng chẳng có thời gian đau buồn lâu vì công việc của ông rất bận rộn. Ngoài tiền lương 5.000 francs/năm, Vidocq kiếm thêm bằng cách làm thám tử tư sau giờ làm việc. Danh tiếng của ông giúp ông kiếm được bộn tiền. Hơn nữa, ông chưa bao giờ làm khách hàng thất vọng. Người ta xếp hàng dài để nhờ ông tìm cô con gái bị mất tích, tìm một món đồ quý bị trộm cắp hay phát hiện người biển thủ công quỹ của công ty... Chẳng bao lâu, Vidocq đã xây được một ngôi nhà nhỏ ở Sainte - Mande.


Cuối những năm 1820, Vidocq lại tái hôn. Người vợ thứ ba là một cô gái trẻ hơn ông những 18 tuổi và là cô em họ Fleuride Maniez - người có thể chịu đựng được những giờ làm việc liên miên hay tính đào hoa của ông chồng có vẻ ngoài hút mắt.


Chính trường Paris liên tục thay đổi. Khi vua Charles X lên ngôi, ông đã đưa lực lượng cảnh sát về dưới trướng của mình để điều khiển theo ý muốn. Charles X chỉ định Guy Delaveau, một người trung thành tuyệt đối, vào cương vị đứng đầu lực lượng cảnh sát. Người này đã hất cẳng ông Henry và thay bằng người của ông ta. Cả hai đều kiên quyết loại bỏ mọi thành phần có ý định chống đối chính quyền mới của vua Charles X, coi những người Cộng hòa, người trung thành với Napoleon là tội phạm.


Trang đầu tiên trong cuốn hồi ký của Vidocq.

Khi Henry bị mất chức, Vidocq, và cả Paris, mất đi một đồng minh có giá trị. Giờ Vidocq bị những kẻ mới lên giám sát và theo dõi với ánh mắt không tin cậy, chỉ muốn làm sự nghiệp của ông bị hủy hoại và rình từng cơ hội để lật đổ, bôi nhọ thanh danh ông. Cảm thấy khó chịu với ràng buộc, Vidocq xin từ chức, điều mà kẻ thù của ông vỗ tay vui mừng. Nhưng họ cũng chẳng vui được bao lâu. Nhiều người mới lên bất lực trong xử lý tội phạm ở Paris và tình hình chính trị phức tạp. Cho đến khi một nhân vật đáng kính là Henri - Josephe Gisquet được bổ nhiệm, việc đầu tiên mà ông làm là gọi Vidocq về làm nhiệm vụ cũ.

 

Gisquet và Vidocq hợp tác với nhau để dẹp yên Paris đang lên cơn sóng lớn trong chính trường. Nhưng cuối cùng họ cũng phải đầu hàng trước một thứ mà không ai kiểm soát nổi: dịch tả. Dịch tả tràn qua Paris năm 1832, nhanh chóng vời hơn 17.000 người về với thần chết. Sức chịu đựng của dân chúng đã vượt giới hạn, họ bùng nổ khi có tin đồn lan nhanh rằng lực lượng cảnh sát đã đầu độc nguồn nước để loại bỏ những kẻ chống đối.


 

Ngày 5/6, bạo loạn bùng khắp Paris. Những kẻ gây bạo loạn dựng rào chắn trên các đại lộ lớn quanh trụ sở các cơ quan chính phủ. Xác thường dân và binh lính rải rác khắp nơi. Vidocq vạch ra một kế hoạch giải quyết tình hình. Ông báo cáo với ông Gisquet rằng ông chỉ cần 30 người trong đội của mình và một số tình nguyện viên để dẹp loạn.


Khi bình minh ló rạng trên đỉnh Nhà thờ đức bà, nhóm của Vidocq tiến đến mục tiêu đầu tiên. Trong trang phục nhà buôn, họ nhanh chóng tìm được đường vào khu vực bị bao vây, tước vũ khí của những kẻ nổi loạn, buộc chúng phải ra đầu hàng. Tại một số nơi khác, người nổi loạn còn cố nhả đạn chống cự trước khi bất lực trước người của Vidocq. Ở tuổi 56, Vidocq vẫn rất nhanh nhẹn, khỏe mạnh. Ông đi phăm phăm giữa làn đạn, vật lộn với những kẻ bạo lực nhất, tra tay chúng vào còng sắt. Khi những kẻ nổi loạn nhận ra Vidocq lừng danh, bọn chúng - vốn là những kẻ gây bạo lực cho vui chứ không phải vì mục đích chính trị và sợ phải chui vào ngục tối của cảnh sát - quỳ sụp xuống van xin Vidocq.


Sau 36 giờ, cuộc bạo loạn được dẹp yên. Một lần nữa, Vidocq lại được cả thành phố chú ý tới. Và một lần nữa, ông lại buộc phải từ chức vì sự ghen ghét, đố kỵ. Một trong những nhân viên dưới quyền của Vidocq hóa ra là kẻ hai mặt, ngấm ngầm giúp bọn tội phạm cướp một nhà hàng gần Fountainebleu. Đây là lần đầu tiên, một thành viên trong đội an ninh của Vidocq không hoàn thành nhiệm vụ và cũng là lần đầu niềm tin của ông vào những người từng phạm tội bị sụp đổ. Khi vụ việc vỡ lở, đối thủ của Vidocq lật lại chuyện ông tuyển mộ những kẻ đã từng bị kết án làm nhân viên. Dưới sức ép quá lớn, ông Gisquet buộc phải đề nghị Vidocq từ chức.


Sau khi Vidocq từ chức, Gisquet tái cơ cấu đội an ninh, tuyển điều tra viên mới nhưng cuộc cải tổ này không giúp đội an ninh lấy lại được những thành công vang dội như dưới thời Vidocq.


Khi không còn vướng bận công việc nhà nước, Vidocq lao mình vào công việc kinh doanh. Ông đầu tư vào một nhà máy sản xuất giấy ở Sainte - Maude và lại thuê những người từng bị kết án vào làm việc. Tuy nhiên, Vidocq không có đủ vốn để tiếp tục hoạt động nhà máy giấy. Nhưng trong thời gian ngắn đó, nhà máy của Vidocq đã sản xuất được loại giấy chống làm giả và mực không tẩy được - những sản phẩm sau này được dùng phổ biến nhưng người ta không hề nhắc tới tên tuổi gắn liền với nó là Vidocq.


Ngoài ra, ông cũng viết hồi ký. Cuốn hồi ký xuất bản lần đầu năm 1828 ở Pháp đã trở thành sách bán chạy nhất, được dịch ra tiếng Anh trong vòng một năm. Cuốn hồi ký đã khiến ông thành người nổi tiếng thế giới và cuộc đời ông đã là cảm hứng cho nhiều tác phẩm văn chương kinh điển.


Thùy Dương

 

Đón đọc kỳ tới: Công ty thám tử tư đầu tiên trên thế giới

Eugene Vidocq - Từ tội phạm thành cảnh sát: Kỳ 3: Khắc tinh của thế giới ngầm
Eugene Vidocq - Từ tội phạm thành cảnh sát: Kỳ 3: Khắc tinh của thế giới ngầm

Trong thập kỷ đầu những năm 1800, Pari cũng giống như nhiều thành phố lớn khác trên thế giới phát triển nhanh chóng và hệ lụy là nó trở thành một trung tâm của tội phạm. Do thiếu nhân lực và luật pháp chưa hiệu quả, lũ tội phạm nhởn nhơ hoành hành.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN